Vào tháng 9, Thủ tướng quần đảo Solomon, ông Manasseh Sogavare, chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, chấm dứt mối quan hệ kéo dài 36 năm với Đài Loan.

Quyết định này đã gây chấn động khắp thế giới, khiến các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ nổi giận, gây phẫn nộ cho người Đài Loan, ảnh hưởng đến cả việc Kiribati (Cộng hòa Kiribati, một quốc đảo có khí hậu nhiệt đới nằm ở vùng trung tâm Thái Bình Dương - theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) cũng quay lưng lại với Đài Loan chỉ chưa đầy hai tuần sau đó và còn khiến cho Úc phải đau đầu vào thời điểm mà ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương ngày càng lan rộng. Giờ đây, chỉ còn 15 quốc gia công nhận Đài Loan.

Phó thủ lĩnh phe đối lập, ông Peter Kenilorea Jr, tiết lộ “bí mật hé mở rằng tiền luôn luôn liên can đến những vấn đề như thế này” và đề cập đến chuyện các nghị sĩ đã từ bỏ vị trí đồng minh lâu năm với Đài Loan để ủng hộ Bắc Kinh.

Kenilorea, người phản đối sự thay đổi trên và ví nó như là “một cái tát vào mặt nghị trường”, cho biết thêm, ông có nghe những nghị sĩ có liên quan đến quyết định này nói, họ đã được đề nghị các khoản tiền từ 2 triệu đến 5 triệu SBD (tương đương 246.000 USD - 615.000 USD) để theo Bắc Kinh.

Daniel Sudaini, Tỉnh trưởng Malaita, tỉnh lớn nhất quần đảo Solomon, khẳng định, đã được đề nghị nhận hối lộ để xoa dịu những lập trường chống đối Bắc Kinh.

“Trước khi quyết định thay đổi… có một nhóm người hoặc có lẽ là ai đó đã gọi điện cho tôi đề nghị để tôi ủng hộ điều đó. Nhưng tôi quyết không làm vì nếu tội chấp nhận thì tôi không còn là đại diện của nhân dân nữa”.

Trước đó, ông Sudaini đã nói với Solomon Star về khoản hối lộ mà ông được đề nghị là 1 triệu SBD (tương đương với 123.000 USD). Cáo buộc của ông giờ đã trở thành chủ đề của một cuộc thẩm vấn chính thức thực hiện bởi Cảnh sát trưởng quần đảo Solomon.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, việc thành lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Solomon từ lâu đã là một quá trình “cởi mở và thẳng thắn”.

Nghị sĩ Titus Fika, người đã chủ trì một cuộc thẩm vấn mà kết thúc việc đề xuất Chính phủ thay đổi đồng minh từ Đài Loan sang Bắc Kinh, phủ nhận vai trò của đồng tiền tới quyết định của họ. Thay vào đó, ông Fika cáo buộc Đài Loan cố gắng phá vỡ quy trình, và cho biết thêm, ông được đề nghị nhận hối lộ để giữ nguyên tình hình.

“Đài Loan muốn hối lộ tôi. Họ muốn đưa cho chúng tôi 1 triệu USD để ký kết với với họ”.

“Nhưng điều đó không đi đến đâu cả bởi vì chúng tôi sẽ không chấp nhận. Chúng tôi muốn làm điều đúng đắn, không vì lợi ích bản thân mà là cho lợi ích của đất nước và lợi ích của các cử tri”.

Đài Loan phủ nhận các cáo buộc trên.

Một báo cáo năm 2017 thực hiện bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy quần đảo Solomn là một khu vực “nhiều tham nhũng” và tình hình hiện tại “có vẻ ngày càng tệ hơn”.

Thu Uyên (Theo The Guardian)