1 năm trước, người dân ở Sudan đã trỗi dậy phản đối chế độ tham nhũng của Tổng thống Omar al-Bashir, từ đó bắt đầu một cuộc cách mạng dẫn tới việc ông al-Bashir bị phế truất.

1 năm sau, án tù 2 năm đã được tuyên cho cựu Tổng thống al-Bashir vì tội tham nhũng - một bản án được giới phân tích cho là quá nhẹ .

Ngoài án tù, Tòa án Sudan cũng ra lệnh tịch thu hơn 113 triệu USD tiền mặt được tìm thấy tại tư dinh của ông al-Bashir.

Tham nhũng đặc hữu đã tàn phá Sudan trong suốt 3 thập kỷ ông al-Bashir cầm quyền, và tiếp tục đặt ra thách thức nghiêm trọng cho đất nước cũng như Nội các mới. Tham nhũng tại Sudan có mặt ở khắp ngõ ngách của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, dưới nhiều hình thức, từ hối lộ nhỏ đến tham nhũng lớn liên quan đến chính cựu Tổng thống.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), tham nhũng lớn là một trong những thách thức pháp lý đặc biệt chưa được giải quyết trong thời đại của chúng ta, bởi nó liên quan đến “tiếng tăm” của Chính phủ, luật pháp hiện hành có thể chưa đủ để truy tố nó, và sự miễn trừ vẫn tồn tại.

Hành động quốc tế được xem là giải pháp duy nhất, như chúng ta đã thấy trong vụ kiện chống lại Teodorin Nguema Obiang - Phó Tổng thống của Guinea Xích Đạo.

Năm 2017, các nhà chức trách của Pháp đã có một bước tiến lịch sử về mặt pháp lý khi họ đóng băng tài sản của ông Teodorin Nguema Obiang tại Pháp. Hiện nay, họ đang tìm kiếm một cơ chế minh bạch và trách nhiệm để trả số tiền đã bị đánh cắp trở lại cho người dân Guinea Xích Đạo.

Không phải ngẫu nhiên, Guinea Xích Đạo cũng là nơi mà Yahya Jammeh, cựu Tổng thống của Gambia đang ẩn náu lưu vong. Thời gian cầm quyền của ông Jammeh là một chương lịch sử có thể viết thành sách để nghiên cứu về bê bối tham nhũng lớn nhất mọi thời đại tại Gambia. Tuy nhiên, điều đáng nói là, cho đến hôm nay, cựu Tổng thống này vẫn chưa bị kết tội.

Xây dựng trách nhiệm pháp lý đầy đủ đối với các nhà lãnh đạo tham nhũng lớn - những người tham ô, đục khoét khối lượng tài sản khổng lồ, tước đi cuộc sống tươi đẹp của công dân - là một bước quan trọng để phục hồi các quốc gia bị kiệt quệ bởi tham nhũng và vì tương lai của sự phát triển.

TI cho biết, đang phát triển một định nghĩa pháp lý về tham nhũng lớn mà có thể tạo được cơ sở cho các biện pháp đặc biệt chống tham nhũng lớn, ở cấp quốc gia và quốc tế. Tổ chức này cũng nhấn mạnh lại, không được có sự miễn trừ nào đối với những kẻ hủy hoại cuộc sống tươi đẹp, đủ đầy của người dân bằng những hành động tham nhũng của họ.

Hoài Phương