Mới đây, chính quyền Pháp, Anh và Mỹ đã tuyên bố rằng, Airbus sẽ trả khoản tiền phạt kỷ lục vì hối lộ ở nước ngoài, sau khi Tập đoàn chế tạo máy bay của châu Âu này đạt được thỏa thuận nộp 3,6 tỷ euro để kết thúc một cuộc điều tra tham nhũng kéo dài.

Theo nhìn nhận của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), vụ việc trên một lần nữa cho thấy, hối lộ các quan chức nước ngoài cả trong khu vực công và tư nhân đã và đang là một phần của mô hình kinh doanh lớn tại các tập đoàn đa quốc gia. Các công tố viên Pháp cho biết, những hành vi vi phạm đã giúp cho lợi nhuận của Airbus tăng thêm 1 tỷ euro.

TI cho rằng, dù khoản tiền phạt cao ở mức kỷ lục, nhưng một mình nó không phải là biện pháp đủ để ngăn chặn vi phạm. Các thỏa thuận nộp phạt cần được đi cùng với quyết định truy tố những giám đốc điều hành liên quan.

Bên cạnh đó, trong các thỏa thuận nộp phạt của Airbus, không hề đề cập tới Colombia, Ghana, Indonesia và Sri Lanka - các quốc gia mà công ty đã đưa hối lộ.

Sự tàn phá của hối lộ ở nước ngoài

Hối lộ ở nước ngoài, đặc biệt là ở quy mô lớn, có tác động nguy hiểm và tàn phá đối với những quốc gia nơi các khoản hối lộ được chuyển đến - hay còn gọi là “bên cầu” (trong quan hệ cung - cầu) của phương trình hối lộ.

Các Chính phủ phải trả giá cao hơn và nhận về chất lượng thấp hơn, hoặc không đầy đủ cho hàng hóa, dịch vụ. Họ có thể bị lãng phí hàng triệu USD cho những hợp đồng mua sắm hoàn toàn không cần thiết. Hậu quả là, các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế bị thiếu hụt. Đặc biệt là ở các ngước nghèo, tác động của hối lộ quy mô lớn như thế này có thể là vấn đề sự sống - cái chết.

Những bê bối hối lộ này cũng làm tổn hại niềm tin vào Chính phủ các nước và các cơ quan công quyền, đồng thời, làm suy yếu niềm tin vào nền dân chủ.

Ở Mỹ Latin, sự sụp đổ chính trị có liên quan kế hoạch hối lộ khổng lồ Obebrecht-Petrobras vẫn đang được cảm nhận rất sâu sắc.

Và nay, với vụ việc của Airbus, theo TI, điều cần kíp lúc này là không chỉ dừng lại ở “bên cung” hối lộ (như Pháp, Anh, Mỹ), mà các nhà chức trách phải tạo điều kiện để mở những cuộc điều tra ở các quốc gia thuộc “bên cầu”, điểm đến của hối lộ, và đưa ra hình phạt phù hợp, trong đó bao gồm cả trả lại số lợi nhuận đã nhận.

2 mặt của đồng tiền

Các nhà chức trách cần quan tâm cả 2 bên, kéo các quốc gia ở “bên cầu” của các thỏa thuận hối lộ vào cuộc, bằng cách:

- Thông báo cho chính quyền các nước trong khi các thỏa thuận được đàm phán.

- Chia sẻ thông tin và hỗ trợ các quốc gia trong điều tra vụ việc, bao gồm cả nguồn tài chính.

- Công khai tất cả tài liệu và chi tiết có liên quan theo yêu cầu của Nhóm công tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về hối lộ.

- Cho biết về cách tính tiền phạt, bao gồm các chi tiết về khoản nào là tiền phạt hình sự và khoản nào là từ thu hồi số lợi nhuận.

- Cho nạn nhân cơ hội trình bày về các tác động của hối lộ trong quá trình tố tụng.

Xét xử và kiểm tra

Anh Quốc đã đi đầu trong việc ưu tiên bồi thường cho các quốc gia nạn nhân trong các vụ hối lộ ở nước ngoài. Nhiều tổ chức, cơ quan Chính phủ đã chia sẻ một cơ cấu tổ chức chung để cùng nhau quản lý, theo sát tiến trình vụ việc từ khi bắt đầu cho tới kết thúc.

Trong thập kỷ qua, Tanzania đã nhận được hơn 37 triệu bảng Anh (41 triệu euro) tiền bồi thường, đền bù từ 2 công ty của Anh như một phần trong các thỏa thuận hối lộ ở nước ngoài.

Theo luật pháp của Pháp, các nạn nhân đã chịu thiệt hại, bao gồm cả các quốc gia, có thể nộp đơn để trở thành một đương sự trong tố tụng hình sự. Năm 2007, Nigeria đã trở thành một đương sự trong vụ án rửa tiền chống lại cựu Bộ trưởng Dầu khí Dan Etété, và sau đó đã nhận được tiền bồi thường.

Diễn đoàn toàn cầu về Thu hồi tài sản đã thiết lập các nguyên tắc để trả lại tiền tham nhũng một cách an toàn cho đất nước là điểm xuất phát, trong đó bao gồm nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình, sử dụng vốn vì lợi ích của các quốc gia bị tổn hại và xã hội dân sự. Những nguyên tắc này cần được hướng dẫn cụ thể, đầy đủ.

Tại Mỹ, trong một số trường hợp, các Chính phủ nước ngoài đã nhận được những khoản bồi thường, đền bù liên quan đến vi phạm Luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA). Trong 2 trường hợp gần đây nhất, Chính phủ Thái Lan và Haiti đã được bồi thường lần lượt vào năm 2009 và 2010. Cả 2 trường hợp, tòa án đều phán quyết các Chính phủ bị tổn hại trực tiếp bởi một âm mưu tội phạm để mua chuộc các quan chức Chính phủ.

Tháng 1 năm nay, chính quyền của Tổng thống Trump cho biết, FCPA có thể được thay đổi sau các khiếu nại từ doanh nghiệp Mỹ. TI bày tỏ lo ngại và cảnh báo, thay vì hạ thấp đạo luật thiết yếu này, Chính phủ Mỹ nên mở rộng luật để không chỉ doanh nghiệp đưa hối lộ mà cả các quan chức nước ngoài yêu cầu hối lộ cũng bị trừng phạt. Và, một dự luật được trình trước Quốc hội được biết đến là “Luật Ngăn chặn tống tiền ở nước ngoài” (Foreign Extortion Prevention Act) sẽ làm điều đó.

Cho đến khi dự luật trên được thông qua, theo TI, các Chính phủ cần tăng cường phối hợp để bảo đảm rằng, các nạn nhân của tham nhũng được bồi thường và thu hồi các khoản tiền đã mất; các thủ phạm phải đối mặt với hậu quả mà họ đáng phải chịu.

Hoài Phương