Trụ sở UEFA bị khám xét, Chủ tịch FIFA bị liên đới

Ngày 7/4, Cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ đã bất ngờ khám xét trụ sở của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA - có trụ sở chính tại TP Nyon, bang Vaud, phía Tây Thụy Sĩ), thu giữ tất cả các hợp đồng ký kết với Công ty Cross Trading (có tên trong danh sách vụ bê bối "Hồ sơ Panama"), liên quan đến việc cung cấp bản quyền truyền hình phát sóng tại khu vực Xích đạo các trận đấu trong khuôn khổ Cúp C1 từ năm 2006 - 2009.

Theo thông tin ban đầu, ngay sau khi ký được hợp đồng bản quyền với UEFA trị giá 111.000 USD, Công ty Cross Trading đã lập tức bán lại hợp đồng bản quyền này cho Công ty Teleamazonas với mức giá 311.000 USD.

Việc ký kết hợp đồng diễn ra tại thời điểm ông Gianni Infantino đang giữ chức vụ Giám đốc Tư pháp của UEFA. Hiện nay, ông Gianni Infantino đang là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và được mọi người biết đến với biệt danh "Ngài Trong sạch".

Tuy nhiên, hôm 6/4, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc ông liên quan đến "Hồ sơ Panama". "Tôi khẳng định tôi chẳng làm gì sai trái, và UEFA cũng vậy. Tôi không bao giờ chấp nhận việc tính liêm khiết của tôi bị nghi ngờ bởi một vài cơ quan báo chí, truyền thông, chỉ bởi dựa vào một vài thông tin từ những bộ hồ sơ không đáng tin cậy", Chủ tịch FIFA tuyên bố.

Quan chức đầu tiên của FIFA từ chức

Sau khi "Hồ sơ Panama" được công bố, ông Juan Pedro Damiani, người Uruguay, Ủy viên Pháp lý của Ủy ban Đạo đức Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã phải từ chức.

Theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama", công ty luật của ông Juan Pedro Damiani đã "hỗ trợ" cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ Eugenio Figueredo thành lập một công ty bình phong ở nước ngoài. Bản thân ông Eugenio Figueredo đang bị cảnh sát Mỹ điều tra vì hành vi tham nhũng, nhận hối lộ và rửa tiền.

Chính trường Argentina "dậy sóng" vì "Hồ sơ Panama"

Ngày 6/4, cơ quan tư pháp Argentina đã ra lệnh bắt giữ doanh nhân Lazaro Baez, vì nghi ngờ có hành vi biển thủ, rửa tiền dưới thời vợ chồng cựu Tổng thống Kirchner (ông Néstor Kirchner làm Tổng thống nhiệm kỳ 2003 - 2007, còn bà Cristina Kirchner làm Tổng thống nhiệm kỳ 2007 - 2015).

Từ năm 2003 - 2015, doanh nhân Lazaro Baez bị cáo buộc đã lợi dụng là bạn thân của vợ chồng Tổng thống Kirchner để giành được nhiều dự án của Chính phủ, cũng như nhận được nhiều đặc quyền đặc lợi từ phía Chính phủ Argentina để làm giầu cho bản thân.

Kiếm được nhiều tiền nhưng Lazaro Baez lại phải đóng thuế rất ít bởi đã bí mật chuyển tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, thông qua tổ chức trung gian chính là Văn phòng Luật sư Mossack Fonseca trong vụ bê bối "Hồ sơ Panama".

Không chỉ vợ chồng cựu Tổng thống Kirchner bị dính dáng tới "Hồ sơ Panama", ngay cả đương kim Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng bị tình nghi liên quan tới vụ bê bối "Hồ sơ Panama".

Ngày 7/4, một nghị sĩ đảng đối lập ở Argentina đã đề nghị cơ quan tư pháp mở cuộc điều tra để làm rõ mối liên quan giữa Tổng thống Mauricio Macri với 2 công ty là Công ty Fleg Trading (thành lập năm 1998, có trụ sở tại Bahamas) và Công ty Kagemusha (thành lập năm 1981 tại Panama). Cả 2 công ty này đều nằm trong danh sách của "Hồ sơ Panama".

"Hồ sơ Panama" gây áp lực cho Thủ tướng Anh

Dù không có tên, nhưng Thủ tướng Anh David Cameron hiện phải chịu sức ép nặng nề vì tên của người cha quá cố Ian Cameron có trong danh sách của "Hồ sơ Panama".

Tuy Thủ tướng David Cameron khẳng định không hề có tài khoản, tài sản ở nước ngoài, thế nhưng, theo tờ The Guardian của Anh, người cha quá cố của Thủ tướng, khi còn sống, đã điều hành một quỹ đầu tư mang tên Blairmore Holding, có trụ sở chính tại Bahamas. Nhờ Văn phòng Luật sư Mossack Fonseca, quỹ đầu tư Blairmore Holding đã trốn được nhiều khoản thuế theo quy định của luật pháp Anh trong suốt 30 năm qua.

Thủ tướng Iceland "thất thủ" vì "Hồ sơ Panama"

Sau khi "Hồ sơ Panama" được công bố, dưới sức ép của dư luận trong nước, ngày 6/4, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải tuyên bố từ chức.

Như vậy, ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành người đầu tiên có chức vụ cao nhất trong danh sách của "Hồ sơ Panama" phải từ chức vì liên quan đến bê bối gian lận, trốn thuế và rửa tiền.

Theo tiết lộ của "Hồ sơ Panama", ông Sigmundur David Gunnlaugsson, vào năm 2007, đã bí mật thành lập một công ty ở quần đảo Vierges thuộc Anh. Sau khi thành lập công ty này, cho tới nay, ông Gunnlaugsson đã âm thầm, bí mật chuyển vào tài khoản của công ty số tiền lên tới hàng triệu USD.

Như vậy, vụ bê bối gian lận, trốn thuế và rửa tiền mang tên "Hồ sơ Panama" đã bắt đầu gây ra những hệ lụy ở tầm thế giới. Theo Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), những gì diễn ra trong mấy ngày qua mới chỉ là những hệ lụy khởi đầu cho một loạt những hệ lụy "khủng" hơn sau này, khi mà "Hồ sơ Panama" được công bố đầy đủ, trọn vẹn.

Cũng theo ICIJ, vụ bê bối "Hồ sơ Panama" sẽ tiếp tục gây áp lực và tiếp tục "đốn ngã" nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao của cả chính quyền và tổ chức kinh tế, nhiều cơ quan, tổ chức sẽ phải "lao đao" vì "Hồ sơ Panama".

Nhật Minh