Phát biểu tại Hội nghị, bà Vera Songwe, Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế châu Phi (UNECA) cho rằng: “Khoản tiền 148 tỷ USD, tương đương với 25% GDP toàn châu lục, bằng cách này hay cách khác dùng cho tham nhũng – một trong những nguyên nhân chính làm kiệt quệ và đóng băng tiềm năng phát triển của châu lục. Chỉ riêng các giao dịch tài chính bất hợp pháp (IFF) đã lấy đi từ 50 đến 80 tỷ USD mỗi năm”.

Đối với lục địa đang cần nguồn tài chính khổng lồ cho phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng và phát tiển toàn diện nói chung, thì IFF hay các hình thức tham nhũng khác chắc chắn là một trở ngại lớn, cần phải được loại bỏ.

Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Phi giảm mạnh. Nguồn nhân lực trẻ được kỳ vọng thổi làn gió mới giúp toàn châu lục đạt được các mục tiêu lớn trong tương lai, như tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 3,5% đến 3,7%, tỷ lệ đối nghèo giảm xuống dưới mức 40%, đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng bền vững và thỏa mãn các mục tiêu khác trong chương trình nghị sự 2063.

Tuy nhiên, các chính sách kiểm soát gia tăng dân số cũng như việc đề ra những mục tiêu tăng trưởng dự kiến vẫn chưa đủ tạo ra cú hích giúp châu Phi đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói giảm nghèo.

Tổng Thư ký ECA nhận định, để phát triển kinh tế toàn khu vực, các kế hoạch khai thác và phát triển tiềm lực nội tại mỗi nước, bao gồm việc khôi phục sản xuất dầu mỏ tại Ai Cập, Nigeria và Nam Phi trong năm 2018 và 2019 là rất quan trọng. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường cải cách cơ cấu quản lý kinh tế khôn ngoan hơn nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập.

Các vấn đề khác được đưa ra thảo luận trong suốt hội nghị bao gồm: bầu thành viên Hội đồng Hòa bình và An ninh và Ban cố vấn về tham nhũng, bầu 2 cố vấn trong Hội đồng Đại học Pan-African. Trong phiên họp cuối, sau khi tổng kết quá trình chống tham nhũng ở châu Phi, Tổng thống Buhari khẳng định, chống tham nhũng là con đường duy nhất dẫn châu Phi “cán đích” phát triển bền vững.

Tại kỳ họp thứ 29 của AU, các nhà lãnh đạo châu Phi nhất trí vinh danh Tổng thống Buhari là nhà lãnh đạo tạo bước tiến hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng ở châu lục. Danh hiệu như một ghi nhận cam kết cá nhân, thể hiện sự ủng hộ của toàn dân đối với các nỗ lực chống tham nhũng cá nhân Tổng thống. 

Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong 54 năm thành lập và phát triển Liên minh châu Phi (AU), chống tham nhũng trở thành chủ đề chính được các nhà lãnh đạo đưa ra thảo luận.

Võ Như Uyên