Mở màn cho chiến dịch này, Bộ trưởng Y tế Wael Abou Faour đã cho công khai danh tính những nhà hàng, cửa hàng cùng những người quản lý, điều hành việc kinh doanh đó, vừa bị cảnh sát bắt giữ vì hành vi gian lận, trong đó chủ yếu là hành vi nhận hối lộ hoặc bớt xén tiền để mua những loại ngũ cốc có lẫn chuột chết hoặc mua thịt thối, thịt hôi, sau đó chế biến và bán cho người dân.

“Người ta đã nhắm mắt làm ngơ trong một thời gian dài. Chúng ta đang sống trong một môi trường “tham nhũng đỉnh cao”. Càng đào sâu, bới kĩ, chúng ta càng phát hiện ra nhiều vụ bê bối tham nhũng trong ngành Y tế. Những người bị bắt giữ vì làm ăn phi pháp, hầu hết đều được “chống đỡ” bởi 1 chính trị gia - người mà họ cho rằng sẽ không ai dám động chạm đến hoặc điều tra, xét hỏi. Nhưng, họ đã nhầm. Với các lĩnh vực khác thì tôi không dám chắc, nhưng riêng trong lĩnh vực y tế, tôi hứa sẽ đưa ra ánh sáng tất cả những hành vi sai phạm như tham nhũng, nhận hối lộ, biển thủ, làm ăn gian lận ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và kể cả những chính trị gia bao che cho sai phạm cũng không được hưởng ngoại lệ”, Bộ trưởng Y tế Libăng Waël Abou Faour nhấn mạnh thêm.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế Waël Abou Faour, hiện nay, có thể nói, ngành Y tế là một trong những ngành có tình trạng tham nhũng cao nhất cả nước. Theo số liệu ban đầu mà ông Waël Abou Faour nắm được, trong số 300 triệu USD hàng năm Chính phủ cấp cho ngành Y tế, thì có đến 25 - 30% số tiền bị biển thủ một cách trắng trợn. Số tiền này “đóng góp” một phần quan trọng vào số tiền khoảng 6 tỷ USD (khoảng 15% GDP Libăng) bị mất do tình trạng tham nhũng, biển thủ. Điều này là không thể chấp nhận được.

Nhật Anh