Chủ trì tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, với xu thế hội nhập toàn cầu, phát triển mạnh mẽ của Internet, dân chủ càng có điều kiện để phát huy, song việc lợi dụng dân chủ cũng vì thế có nhiều phức tạp hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhân dân còn bức xúc. Giám sát và phản biện xã hội rất quan trọng. 

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, phát huy dân chủ phải nói đúng, viết đúng. Chúng ta tập hợp, đồng thuận nhân dân, lắng nghe nhân dân nói để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thay đổi thái độ về dân chủ

GS.TS Hồ Sỹ Quý, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, lâu nay, chúng ta cũng từng nghe và bàn luận về việc nắm lấy “vũ khí dân chủ”, nhưng trong một số trường hợp lại là để cản trở dân chủ, bóp nghẹt dân chủ. Những tưởng là như thế có lợi, hóa ra về lâu dài, ở tầm vĩ mô lại là có hại. Cho nên, cần thay đổi thái độ về vấn đề dân chủ. Từ sự nghi ngại chuyển sang chủ động nắm bắt thì sẽ mang lại phương thức rất hữu hiệu trong quản lý, điều hành.

“Trên 30 triệu người Việt Nam sử dụng công cụ Internet, vào loại mạnh nhất thế giới. Chúng ta cần sử dụng như một công cụ hữu hiệu hơn nữa, chứ không phải là tâm lý e ngại. Càng chủ động sử dụng thì hiệu quả càng lớn, nếu ngăn cản sẽ nảy sinh những hệ lụy”, GS Quý nhấn mạnh.

“Trên 30 triệu người Việt Nam sử dụng công cụ Internet, vào loại mạnh nhất thế giới. Chúng ta cần sử dụng như một công cụ hữu hiệu hơn nữa, chứ không phải là tâm lý e ngại”, GS Quý nhấn mạnh. Ảnh: H.G

Theo GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, luật chơi chung của toàn cầu hóa bắt buộc luật pháp của mỗi quốc gia thành viên phải được xây dựng và thực thi một cách dân chủ. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động của toàn cầu hóa thì dân chủ hóa xã hội vừa tạo ra nguồn lực, động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa là yêu cầu tất yếu để hội nhập quốc tế thành công.

Tăng cường giám sát, trách nhiệm giải trình

PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới lưu ý, muốn phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Nhưng cần làm rõ, ai giám sát và phản biện, giám sát cái gì và như thế nào; điều kiện đảm bảo sự thành công của hoạt động giám sát và phản biện xã hội là gì.

“Phải có văn hóa giám sát, phản biện. Thái độ giám sát, phản biện phải với ý thức xây dựng, để Đảng, nhà nước mạnh hơn chứ không phải để công kích nhau. Báo chí là công cụ rất quan trọng để thực hiện giám sát, phản biện nên phải được tăng cường”, PGS.TS Võ Đại Lược nhấn mạnh. 

PGS.TS. Phạm Quang Hoan cho rằng, để đẩy lùi tham nhũng, ngoài tăng cường hơn nữa tính minh bạch, công khai, cần bổ sung thêm trách nhiệm giải trình, giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường dân chủ ở cơ sở để giải quyết dứt điểm các tồn đọng về mặt xã hội. 

PGS.TS Võ Đại Lược lưu ý, muốn phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Ảnh: H.G

Ngoài ra, nhìn tư kinh nghiệm chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Xuân Cường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất, phải có quyết tâm chính trị lớn và cơ quan cơ quan chống tham nhũng đủ quyền uy, xây dựng được cơ chế bảo đảm và những người chống tham nhũng không tham nhũng.

 

 

Hương Giang