Theo Cục trưởng Thông tin Đối ngoại, đây là mảng đề tài khó, phức tạp, đôi khi phải vượt qua cám dỗ, phải chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Song, ông tin tưởng rằng bản lĩnh của một nhà báo cách mạng, các nhà báo sẽ tiếp tục phát huy và đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh với các xấu, với hiện tượng tiêu cực tham nhũng trong xã hội.

Tại chương trình tập huấn, đông đảo phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội đã nghe những chia sẻ ngắn gọn, xúc tích và tập trung của các báo cáo viên.

Khá đông các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí quan tâm đến chương trình tập huấn. Ảnh: O.H

Đáng chú ý là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển về sự khác nhau trong quan niệm và thực tiễn về tham nhũng và PCTN hay nói cách khác là sự khác nhau giữa quan niệm và khung pháp luật về tham nhũng.

Bên cạnh đó là quan điểm trong Công ước của Liên hợp quốc về CTN; những quy định pháp luật về thông tin cá nhân, kê khai tài sản liên quan tới PCTN... Từ đó, giúp các nhà báo hiểu hơn, nắm chắc hơn những quy định cụ thể, tránh việc đưa tin xâm phạm đến phạm trù đời tư cá nhân.

Nhấn mạnh của Phó Cục trưởng Phí Ngọc Tuyển về “ba năm” - 5 quan điểm, 5 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp về PCTN cũng nhận được sự quan tâm, theo dõi của nhiều nhà báo tham dự chương trình. Bởi từ chia sẻ của báo cáo viên, các nhà báo nắm được, hiểu sâu hơn những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hơn là với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực PCTN như Cục Chống tham nhũng.

Chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phí Ngọc Tuyển giúp nhiều phóng viên hiểu rõ hơn về phạm trù PCTN. Ảnh: O.H

Một chia sẻ khác cũng rất đáng chú ý đến từ nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong. Cách chia sẻ khá gần gũi và cụ thể đến từ nhà báo có nhiều kinh nghiệm từ một tờ báo có uy tín trong đấu tranh phê bình, PCTN như: Vì sao phải làm điều tra? Cách tìm kiếm nguồn thông tin viết điều tra; cách khai thác và thể hiện thông tin; nguyên tắc thể hiện bài điều tra cho đến việc bảo vệ nguồn tin; những khủng hoảng có thể gặp khi làm điều tra và cách xử lý khủng hoảng... đã giúp nhiều nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ trau rồi thêm được kinh nghiệm rất bổ ích...

Nhiều chia sẻ thực tế tác nghiệp của Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong - Phùng Sưởng cũng rất hữu ích cho phóng viên. Ảnh: O.H

Thay mặt cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Đoàn Công Huynh hoan nghênh sự tham gia của các cơ quan báo chí trong chương trình tập huấn và khẳng định Cục và Bộ sẽ tiếp tục có những chương trình tập huấn khác để giúp chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, hỗ trợ kỹ năng nghề nghiệp cho nhà báo, đặc biệt với đề tài về PCTN.

“Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, lòng quả cảm của các nhà báo, sự dũng cảm của các cơ quan báo chí trong việc đấu tranh PCTN, tiêu cực góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, tạo công bằng trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - Cục trưởng Thông tin Đối ngoại chia sẻ.

Oanh Hữu