Từ việc tăng giá các dịch vụ giao thông công cộng cho tới đề xuất tăng thuế, cắt giảm trợ cấp, thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng... đã trở thành tâm điểm của sự phẫn nộ trong người dân ở một số quốc gia. Trong nhiều trường hợp, những điều này đã được liên kết với tham nhũng nhằm mang lại lợi ích cho số ít, và bỏ mặc phần lớn người dân lại phía sau.

Đặc biệt ở các nước Arab, người dân đã mất kiên nhẫn với Chính phủ của mình khi đã không đáp ứng được những yêu cầu về quyền dân chủ được đưa ra trong “Mùa Xuân Arab” - cuộc cách mạng cách đây gần 1 thập kỷ. Tham nhũng trong Chính phủ, kiểm soát Nhà nước mang tính áp bức và xem nhẹ nhân quyền dẫn đến sự kiên nhẫn của người dân đã vượt ngưỡng để chịu đựng thêm bất kỳ biện pháp thắt lưng buộc bụng nào nữa.

Ở Lebanon, khoản thuế 6USD/tháng cho ứng dụng “Whatsapp” được cho là “giọt nước tràn ly” dẫn tới các cuộc biểu tình từ ngày 17/10. Theo TI, Chính phủ nước này cần hành động nhanh chóng để thực hiện cải cách toàn diện, chống tham nhũng một cách có hệ thống.

Có vẻ điều này là không thể, khi ngày 29/10, sau 13 ngày người dân Lebanon chờ đợi một giải pháp, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đã đệ đơn từ chức với lý do, hết khả năng giải quyết được cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại nhà cầm quyền và đẩy đất nước vào hỗn loạn.

Lebanon những ngày qua tê liệt trong làn sóng biểu tình lớn phản đối tình trạng tham nhũng lan tràn trong bộ phận chính trị gia, làm kinh tế đất nước trì trệ. Cuộc biểu tình đang diễn ra ở Lebanon hiện tại được đánh giá là lớn nhất ở nước này kể từ năm 2008, sau khi các tay súng Hezbollah xung đột với lực lượng trung thành với ông Saad al-Hariri và kiểm soát Thủ đô trong thời gian ngắn.

Còn ở Iraq, các cuộc biểu tình bạo động liên tiếp nổ ra. Cơ quan An ninh và Y tế Iraq ngày 29/10 cho biết, tổng số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ đầu tháng này lên tới 250 người. Những người biểu tình yêu cầu chính quyền cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản như điện, nước và chấm dứt tình trạng tham nhũng.

Ở Chile, tăng trưởng kinh tế đã không đi liền với mức sống cao hơn cho tất cả mọi người. Sự phân phối tài sản không đồng đều và sự đắt đỏ của các dịch vụ công như y tế, giáo dục đã gây nên bất mãn trong xã hội suốt một thời gian dài. Và, việc Chính phủ Chile quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm cách đây hơn 1 tuần đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình liên tiếp, buộc Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng lệnh giới nghiêm trong nhiều ngày.

Người biểu tình ở Chile cũng bày tỏ sự tức giận với lực lượng Cảnh sát Quốc gia Carabineros, vốn nổi tiếng về sự tàn bạo và đang là tâm điểm chú ý với các bê bối tham nhũng.

Để đáp ứng với tình hình mới trong bối cảnh các cuộc biểu tình, ngày 28/10, Tổng thống Chile Sebastián Piñera đã thực hiện cam kết cải tổ Nội các, quyết định thay đổi 8 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ, Tài chính, Lao động và Tài sản quốc gia.

Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn chưa thực sự dịu xuống. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.

Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo có thực sự lắng nghe những yêu cầu của công dân hay không? Đặc biệt với những quốc gia Arab, khi mà tăng trưởng kinh tế đang ở mức thấp báo động, dưới mức cần thiết để giải quyết nạn thất nghiệp (theo đánh giá của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách Trung Đông và Trung Á Jihad Azour). 

Hồi đầu tháng 10/2019, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực, bao gồm cả Iran và các nước Arab, xuống còn 0,1% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 1,1% được đưa ra vào năm ngoái. IMF cũng cho biết, nợ công tại nhiều nước Arab ở mức rất cao, trung bình vượt 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thậm chí lên tới hơn 150% tại Lebanon và Sudan.

Trong bối cảnh này, TI nhấn mạnh, những cải cách hời hợt sẽ không thể làm hài lòng những công dân đã quá mệt mỏi vì tham nhũng và bất công!

Hoài Phương