Quốc hội nước này đang nỗ lực tìm kiếm các ứng viên phù hợp để thay thế vị trí của các ủy viên đã từ chức vào ngày 31/1 vừa qua.

Chủ tịch ZACC - Tiến sỹ Job Whabira và toàn bộ ủy ban của ông, bao gồm Tiến sỹ Nanette Silukhuni, ông Goodson Nguni, bà Christine Fundira, ông Denford Chirindo, bà Cathy Muchechetere, bà Farai Mashonganyika và ông Boyana Ndou đã rời khỏi vị trí cách đây gần 1 tháng. Họ đã làm việc tại văn phòng từ tháng 2/2016.

Tổng thống Mnangagwa mô tả, Ủy ban cũ bị "mục ruỗng từ trong lõi" và sự ra đi của họ đã mở đường cho một tập thể trong sạch để thực hiện vai trò chống tham nhũng - một vai trò hết sức nặng nề, là trung tâm của việc xây dựng lại nền kinh tế theo "Kế hoạch Ổn định giai đoạn Quá độ" (TSP). Đây là kế hoạch phát triển kinh tế được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn, kéo dài đến năm 2020.

Giữa tuần qua, Quốc hội Zimbabwe đã mời tất cả thành viên tham gia đề cử những người mà họ cảm thấy nên được xem xét để ngồi vào các vị trí trong Ủy ban.

Trong một tuyên bố, Thư ký Quốc hội, ông Kennedy Chokuda cho biết: Ủy ban Thường trực An ninh và Trật tự của Quốc hội đã kêu gọi mọi người đề cử các cá nhân vào ZACC. Lời kêu gọi này phù hợp với Mục 237 và 254 của Hiến pháp nước này quy định về việc đề cử các ứng viên được Tổng thống bổ nhiệm vào các vị trí Ủy viên.

“Hạn chót để gửi đề cử là ngày 28/2", ông Chokuda nói.

“Các thành viên của Ủy ban Chống tham nhũng Zimbabwe phải được lựa chọn trên tiêu chí liêm chính và hội tụ các kiến thức, kinh nghiệm trong công tác quản lý hoặc điều tra, truy tố tội phạm, hoặc phù hợp với sự bổ nhiệm", theo tuyên bố của Quốc hội Zimbabwe.

Bên cạnh đó, vị trí các thủ lĩnh chống tham nhũng có yêu cầu về trình độ, bằng cấp hợp pháp ở Zimbabwe, có thể là kế toán hoặc kiểm toán công trong nước, với kinh nghiệm ít nhất 7 năm làm việc; hoặc ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong công tác điều tra tội phạm.

Hồ sơ đề cử bao gồm một bản đệ trình đánh máy dài không quá 2 trang A4 nêu rõ lý do tại sao người được đề cử là một ứng viên phù hợp; kèm theo đó là mẫu đề cử có thể lấy tại Văn phòng Quốc hội hoặc tải xuống từ trang web của Quốc hội.

Các chức năng chính của ZACC bao gồm: Điều tra và vạch trần các vụ án tham nhũng trong khu vực công và tư nhân; tiếp nhận và xem xét các khiếu nại của công chúng và chỉ đạo Tổng Ủy viên cảnh sát điều tra các trường hợp nghi ngờ tham nhũng; báo cáo về kết quả của các cuộc điều tra.

Ngoài ra, Ủy ban này cũng được ủy nhiệm trong việc chuyển các vụ tham nhũng đến Cơ quan Công tố Quốc gia để truy tố.

ZACC cũng có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ và mọi người về các biện pháp tăng cường tính liêm chính và trách nhiệm giải trình, ngăn chặn các hành vi không đúng đắn trong khu vực công cũng như tư nhân...

Trước đó, ngày 31/1, Chủ tịch ZACC và toàn bộ ủy viên Ủy ban đã đồng loạt từ chức. Tổng thống Mnangagwa đã chấp nhận đơn từ chức của họ và ngay lập tức bắt tay vào tái cấu trúc lại đơn vị này.

Việc tái cấu trúc cơ quan chống tham nhũng của Zimbabwe diễn ra trong bối cảnh một số ủy viên bị buộc tội tham nhũng và có xu hướng bè phái chính trị.

Một số người trong số họ được cho là ủng hộ cựu Tổng thống Robert Mugabe, và như vậy là "sai quan điểm chính trị".

Bộ trưởng Tư pháp Ziyambi Ziyambi cho biết, quyết định tái thiết ZACC đã đạt được sau khi Chính phủ nhận ra rằng, một số tổ chức đã phủ định chính nhiệm vụ của họ.

Zimbabwe tiếp tục được xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Zimbabwe đã giảm 3 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 160/180 quốc gia.

Hoài Phương