Sai phạm nặng, xử lý nhẹ

Phần lớn các vụ việc sai phạm nổi cộm trong quản lý, sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị đều bị phát hiện khi thanh tra tiến hành làm rõ những nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, hoặc từ phản ánh của báo chí. Điều này có nguyên nhân từ hàng loạt quyết định giao đất, cho chuyển nhượng đất, cấp phép xây dựng, đổi đất lấy hạ tầng... được ban hành không đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhân dân nên phát sinh hiện tượng tiếp tố, tiếp khiếu vượt cấp. Đối với những sai phạm này thì thanh tra các cấp đã làm rõ và đối tượng thanh tra đều tâm phục khẩu phục với các kết luận thanh tra.

Nhưng điều bất thường là sau đó trách nhiệm xử lý sau thanh tra đã không được Chủ tịch UBND các cấp, cũng như các cơ quan chuyên môn thực hiện một cách công tâm, khách quan. Việc xử lý kéo dài qua nhiều năm đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ sai phạm “hạ cánh an toàn” khi về nghỉ hưu với khối lượng tài sản bất minh không được thu hồi, hoặc thời hiệu xử lý đã bị vô hiệu hóa từ hàng loạt văn bản xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp, nhiều ngành nên có những cán bộ dù sai phạm nghiêm trọng đủ yếu tố để khởi tố hình sự nhưng lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp cao hơn.

Bài học đau đớn của tình trạng này được thể hiện đầy đủ nhất là đầu tháng 7/2018, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình là yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2011, về sai phạm trong quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất. Trước đó, giữa tháng 4/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo về kết quả thực hiện kết luận thanh tra nhưng kết quả báo cáo của địa phương cho thấy việc xử lý hành vi sai phạm không thực hiện được vì... hết thời hiệu.

Điều này cũng là tình trạng phổ biến đối với nhiều kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như của Thanh tra TP Hồ Chí Minh về quản lý đô thị, quản lý sử dụng đất liên quan đến khiếu nại, tố cáo của công dân. Đến thời điểm này, hàng loạt kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng liên quan đến công tác bán nhà sở hữu Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được thực hiện nên vẫn còn tình trạng người có công khiếu nại. Hàng ngàn tỷ đồng tiền sử dụng đất tại các dự án nhà ở vẫn chưa được thu về cho ngân sách dù Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên có văn bản đôn đốc Cục thuế TP Hồ Chí Minh. Tất cả kiến nghị của Thanh tra TP Hồ Chí Minh sau khi thanh tra để làm rõ khiếu nại, tố cáo của công dân quận 2 về Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau nhiều năm vẫn như còn mới nguyên, và dự kiến sẽ được nhắc lại trong kết luận của cấp cao hơn là Thanh tra Chính phủ.

Sợ đụng chạm, né tránh sự thật là lực cản lớn nhất để xử lý sai phạm, thu hồi tài sản sau thanh tra. Ảnh: TD

 

Phải đúng người, đúng tội

Sau hơn 25 năm làm công tác thanh tra địa bàn phía Nam, đã xác minh hàng trăm vụ việc nhà đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nguyên Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, chia sẻ: Nếu nhìn nhận một cách sòng phẳng thì sau những sai phạm đều có bóng dáng của hàng loạt cán bộ có quan hệ cánh hẩu, có tính chất lợi ích nhóm với nhau. Đó là chỉ đơn thuần Trưởng Ban quản lý Khu Nam TP Hồ Chí Minh thì không bao giờ dám ký các văn bản cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà, phân lô bán nền để phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cá nhân Trưởng Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng sẽ không đủ “dũng cảm” để ký ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch các dự án trong diện tích đất 160ha tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều quan trọng là phải có cơ chế để giám sát, kiểm tra một cách thực chất để tất cả đối tượng thanh tra phải thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, không thể để hình thành các đại gia bất động sản với nguồn lực tài chính từ sai phạm đất đai nhờ sự tiếp tay của cán bộ sai phạm.

Nói thẳng về vấn đề nhức nhối này, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cho rằng: Nhân dân và đông đảo cán bộ rất tin tưởng vào quyết tâm của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhiều sai phạm đã được xử lý nghiêm minh. Từ hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện nhiều sai phạm nhưng quyết tâm xử lý tại cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ sai phạm chưa được xử lý đến nên đến chốn, tài sản có được từ sai phạm chưa được thu hồi cho ngân sách, thậm chí có trường hợp làm sai nhưng vẫn được quy hoạch, được bổ nhiệm lên cấp cao hơn.

Lấy dẫn chứng về một số vụ việc nổi cộm đang được dư luận quan tâm, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cho rằng: Khi thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm nhưng đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa dứt điểm. Đến nay, trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của Chủ tịch UBND các quận huyện vẫn chưa nghiêm túc, dẫn đến hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố vượt cấp. Điều đáng ngại là, việc xử lý cán bộ vẫn chưa thật sự công bằng do tâm lý ngại đụng chạm, không dám nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp đúng. Ngay tại quận 7 có sự việc sai phạm dù liên quan đến trách nhiệm của nhiều tổ chức, nhiều cán bộ nhưng mức độ xử lý kỷ luật vẫn chưa thực sự khách quan đúng như phản ánh của Báo Thanh tra về quản lý, sử dụng đất ven kênh rạch. Ngay cả khi phát hiện sai phạm thì quy trình xử lý cũng chưa minh bạch dẫn đến việc nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 7 là ông Hồ Thái Thành đã có đơn tiếp khiếu đến Ủy Ban kiểm tra Trung ương vì cho rằng sai phạm của nhiều cán bộ lãnh đạo UBND quận 7 chưa được làm rõ về trách nhiệm chấp thuận cho xây dựng công trình tạm.

Thảo Du