Các chương trình của Liên hợp quốc cho một tương lai bền vững hiện thiếu 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. WB đang sử dụng viện trợ phát triển để lôi kéo đầu tư của khu vực tư nhân nhằm đạt được tham vọng của Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Nhưng với cách tiếp cận hiện nay, nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân lớn hơn, WB có hay không làm gia tăng rủi ro về tính liêm chính trong chính các dự án tìm cách thúc đẩy một thế giới công bằng hơn và vì tất cả mọi người hơn?

WB là một trong những “người chơi” lớn nhất khi sử dụng cái gọi là “tài chính hỗn hợp” nhằm huy động vốn thương mại bổ sung cần thiết để chi trả cho SDGs. Những hỗ trợ phát triển chính thức cung cấp bởi Chính phủ các nước tài trợ được sử dụng để giảm thiểu rủi ro đầu tư cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân muốn đầu tư vào những dự án tạo doanh thu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Chẳng hạn, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) của WB đã cam kết hơn 2,4 tỷ USD vốn tự có để thúc đẩy đầu tư tư nhân với tham vọng đã nêu, “không chỉ trở thành nhà cung cấp mà còn là cố vấn viên của nguồn vốn”.

Ước tính tổng giá trị của các giao dịch tài chính hỗn hợp ở mức hơn 100 tỷ USD.

Trong bối cảnh diễn ra Hội nghị Thường niên năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)/ Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Washington D.C, Hoa Kỳ (16-19/10/2019), TI đã kêu gọi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình lớn hơn và hợp tác nhiều hơn trong những đóng góp của WB tài trợ cho Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Liêm chính để phát triển bền vững

Quản trị kém có tác động tàn phá đối với sự phát triển bền vững và tham nhũng đánh cắp các nguồn quỹ rất cần thiết để giúp người dân thoát nghèo, giải quyết khủng hoảng khí hậu, cung cấp nước sạch và các dịch vụ thiết yếu như: Chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững thì Mục tiêu số 16 (SDG 16): “Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp” là nội dung đặc biệt liên quan đến chống tham nhũng. Và, rõ ràng có một sự cần thiết để gắn kết tinh thần của SDG 16 trên tất cả các mục tiêu còn lại, liên quan đến việc tài trợ cho SDGs.

Tính minh bạch, trách nhiệm và sự hợp tác phải là trọng tâm, không chỉ trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, mà còn trong những nỗ lực để huy động các khoản tiền cần thiết. Trong khu vực tài chính hỗn hợp, có những lo ngại chính đáng rằng, điều này hiện không đúng như thế.

Liêm chính bị hạn chế

Tài chính hỗn hợp sử dụng các quỹ hỗ trợ phát triển chính thức để trợ cấp cho các khoản đầu tư tư nhân. Đó là, tiền từ người đóng thuế hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp vì lợi nhuận theo dự kiến sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển. Tuy nhiên, các Nguyên tắc năm 2017 (được đưa ra bởi Nhóm Công tác do IFC dẫn đầu) về tài chính hỗn hợp đang thiếu nội dung bảo đảm tính minh bạch trong việc sử dụng các khoản trợ cấp, trong khi điều này đã được quy định trước đó.

Cụ thể, các Nguyên tắc năm 2012 đã cam kết rõ ràng về việc “bảo đảm các khoản trợ cấp được minh bạch” và “tránh việc đưa vào các cơ hội tìm kiếm sự chiếm đoạt”, thì hướng dẫn gần đây nhất lại cho phép bảo mật thương mại và các lý do nội bộ khác được ưu tiên.

Thiếu dữ liệu

Một vấn đề hiện nay là thiếu những dữ liệu công khai sẵn có. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những dự án tài chính hỗn hợp ít minh bạch hơn đáng kể so với những dự án được tài trợ bằng các hình thức hỗ trợ phát triển chính thức khác. Ví dụ như, IFC công bố thông tin về cấu trúc tài chính các dự án của mình ít hơn so với Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - một tổ chức khác của WB.

Kết quả là, theo các nhà quan sát, các cơ sở tài chính hỗn hợp của WB đã lấy đi (tương đối) tiền viện trợ minh bạch và biến nó (gần như hoàn toàn) trở thành tài chính tư nhân không rõ ràng.

Theo TI, thông tin về các dự án tài chính hỗn hợp nên được công khai, cả về những luồng tài chính liên quan lẫn tác động phát triển của các tài nguyên. Điều này sẽ bảo đảm rằng, tiền công đang được sử dụng một cách công bằng và hiệu quả, không phải lấy công quỹ cho lợi ích cá nhân.

Cung cấp nhiều dữ liệu hơn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả những người liên quan. Bằng chứng về hiệu suất thương mại của các dự án phát triển tài chính hỗn hợp sẽ khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào những thị trường mới nổi. Đồng thời, nhiều thông tin hơn về hiệu quả phát triển cũng sẽ cho phép cộng đồng bị ảnh hưởng nắm được mọi khoản thu chi của dự án.

TI không đơn độc trong việc kêu gọi nâng cao trách nhiệm giải trình trong tài chính hỗn hợp, Lực lượng đặc nhiệm về tài chính cho sự phát triển (Liên hợp quốc) đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải minh bạch và quyền sở hữu địa phương trong các thỏa thuận và hiệu quả tài chính hỗn hợp.

Các tổ chức quốc tế như WB có vai trò chính trong việc gắn tính minh bạch, trách nhiệm và hợp tác vào các nỗ lực để huy động tài chính phát triển như một phần của Mục tiêu số 17: “Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững”.

Cuối cùng, tài chính hỗn hợp cung cấp một bộ công cụ sáng tạo có thể mang lại hàng tỷ USD từ khu vực tư nhân để giúp đạt được Các Mục tiêu phát triển bền vững. Thiết lập tính minh bạch và trách nhiệm cao hơn có thể khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn và tốt hơn vào các nước có thu nhập thấp, trung bình; đồng thời, tạo niềm tin lớn hơn cho các nhà tài trợ, người thụ hưởng và nhà đầu tư tư nhân.

Hoài Phương