Vai trò đặc biệt của phụ nữ

Trong xã hội ngày nay, phụ nữ được ví như một chuyên gia xã hội học đặc biệt. Họ vừa là người mẹ, vừa là người vợ, người yêu. Nói đơn giản hơn, phụ nữ là “một nửa” của thế giới này.

Phụ nữ là người mẹ, đồng thời cũng là cô giáo đầu tiên của mọi đứa trẻ. Bởi đàn ông thường xuyên vắng mặt ở nhà, nên phụ nữ đảm trách phần lớn công việc giáo dục con cái. Họ sẽ hướng cho bọn trẻ biết việc tốt nên làm và việc xấu nên tránh, những giới hạn về quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Phụ nữ là 1 cố vấn rất có ảnh hưởng đối với chồng hay người yêu. Người ta thường nói, sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Phụ nữ luôn giữ được ảnh hưởng của mình đối với đối tác của họ, những ông chồng hay người yêu. “Lệnh ông không bằng cồng bà”, trong nhiều trường hợp, phụ nữ có thể “lái” đàn ông theo chiều hướng tích cực hơn trong công việc. Thế nên mới có câu “phụ nữ muốn, Thượng đế muốn thì đàn ông sẽ làm theo”. Phụ nữ có thể hướng cho đàn ông trở nên tốt hơn và tránh làm những việc xấu.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở đâu có phụ nữ lãnh đạo, thì ở đó ít có tham nhũng hơn. Phụ nữ ít có khả năng là nguồn gốc của những hành động tham nhũng hơn là đàn ông. Hầu hết trong các cuộc thăm dò dư luận, người được hỏi đều cho rằng, tham nhũng sẽ giảm đi nhiều hơn nếu phụ nữ được giao nhiều trọng trách ở những vị trí chủ chốt hơn.

Hiện nay, phụ nữ ngày càng trở nên bình đẳng hơn với đàn ông. Ngày càng có nhiều phụ nữ nắm giữ những chức vụ chính trị quan trọng. Nói tóm lại, sự hiện diện của phụ nữ ngày càng nhiều trong nhóm dân biểu (nghị sĩ) là 1 trong 3 mục tiêu quan trọng của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Nó được thể hiện trong cương lĩnh chính trị ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, Trung Quốc, yêu cầu tối thiểu phải có 1/3 Đại biểu Quốc hội là nữ. Việc đưa nhiều phụ nữ tham gia vào Quốc hội cũng là một cách ảnh hưởng tích cực đến các chính sách trong phòng, CTN. Ở các nước Bắc Âu, vì có nhiều phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị, nên tình trạng tham nhũng ít hơn hẳn so với các quốc gia khác. Kết quả đó bắt nguồn từ việc người đứng đầu các đảng phái chính trị đã luôn chủ động chọn những người phụ nữ tài năng nắm giữ vị trí ngày càng cao hơn trong tổ chức của mình.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dù phụ nữ tham gia vào chính trường thường muộn hơn đàn ông, nhưng một khi đã làm, họ thường dễ từ chối những hành động bị cám dỗ nhiều hơn đàn ông. Trong cuộc chiến CTN, phụ nữ cũng thường chủ động hơn đàn ông, và họ thường làm nhiều hơn là nói.

“Trách nhiệm” không phải là món quà, mà là nghĩa vụ của người công chức trong việc sử dụng nguồn ngân sách. Đối với người phụ nữ, luôn tỉnh táo trong việc ngăn chặn hành vi biển thủ công quỹ trong các công việc thường xuyên “dính mùi” tham nhũng như tái thiết, tăng trưởng và phát triển đất nước.

Những giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tham nhũng phải được triển khai ở mọi lĩnh vực. CTN không chỉ riêng của nam giới, sự tham gia tích cực của phụ nữ là không thể thiếu. Mặc dù không khẳng định chắc chắn phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới, nhưng thực tế cho thấy, nhiều cuộc nghiên cứu đều thể hiện điều này. Nói như bà Melanne Verveer (cựu Chánh Văn phòng của cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton), “phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào đời sống chính trị, mức độ tham nhũng sẽ ngày càng giảm”.

Phụ nữ có cách quản lý, điều hành khác đàn ông. Nói cách khác, nữ chính trị gia có vẻ “trong sạch hơn”, công bằng hơn cũng như trung thực hơn so với nam chính trị gia. Theo nghiên cứu của Đại học (ĐH) Rice (Houston, Texas, Mỹ), ở những quốc gia mà phụ nữ tham gia nhiều hơn vào Chính phủ thì ở đó ít tham nhũng hơn.

Liệu có nên “nữ hóa” lãnh đạo các cấp chính quyền để giảm thiểu tham nhũng? Lấy ví dụ ở TP Mexico. Chính quyền TP đã chỉ định phụ nữ làm lãnh đạo trong lĩnh vực kiểm soát giao thông. Kết quả, sau một thời gian, không phụ nữ nào trong lĩnh vực này bị tố cáo có hành vi đòi hoặc nhận hối lộ.

Việc này cũng được áp dụng với lực lượng an ninh tại Peru. Ở TP Lima, tham nhũng đã giảm rõ rệt sau khi lực lượng an ninh tuyển dụng rất nhiều nữ cảnh sát.

Justin Esarey và Gina Chirillo, 2 chuyên gia nghiên cứu của ĐH Rice cùng đưa ra lập luận rằng, phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong các cấp chính quyền thường công bằng và trung thực hơn. Đồng thời, họ là người đàm phán tốt hơn cũng như lãnh đạo tốt hơn. Trong nghiên cứu của mình, 2 chuyên gia này ều chỉ ra rằng, về bản chất, phụ nữ ít tham nhũng hơn đàn ông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trái ngược.

Trong hoạt động chính trị, phụ nữ thường tìm cách tránh tham nhũng để không ảnh hưởng đến công việc của họ. Khi cử tri khám phá ra một nam nghị sĩ có vấn đề về đạo đức hoặc trung thực, họ sẽ nói “lần sau tôi sẽ không bầu cho người này nữa”. Đối với nữ nghị sĩ, cử tri sẽ tự nhủ “chắc bà ấy sẽ biết sửa sai và cố gắng hơn nữa”.

Tuy nhiên, nếu nói phụ nữ ít tham nhũng hơn đàn ông, điều đó cũng khó mà chắc chắn được, bởi trên thực tế, phụ nữ ít có điều kiện để tham nhũng hơn bởi thường bị “đẩy” ra khỏi mạng lưới “bạch tuộc” này.

Ảnh minh họa: Dreamstime

Phụ nữ ít tham nhũng hơn đàn ông?

Hối lộ, thủ đoạn kiếm tiền, quà tặng… thường do đàn ông chủ động. Nhưng phong bì tiền, thông đồng, tham ô thì phụ nữ không phải không dính líu. Trong “vương quốc” của sự tranh giành quyền lực và biển thủ công quỹ, đàn ông bao giờ cũng chiếm được lợi thế. Vậy nếu phụ nữ nắm quyền kiểm soát, liệu họ có đắm chìm trong những cuộc ngã giá, mua chuộc?

GS Carolle Simard, Khoa Khoa học Chính trị, ĐH Québec, Canada, cho rằng, sẽ là sai lầm khi nói rằng phụ nữ đạo đức hơn đàn ông.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và ĐH Maryland (bang Maryland, Mỹ), phụ nữ tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị thì mức độ tham nhũng giảm nhiều hơn. Nhưng mối quan hệ nhân quả giữa các lĩnh vực phụ nữ tham gia công tác và tình trạng tham nhũng ở những lĩnh vực đó vẫn còn lờ mờ, chưa tỏ.

Phụ nữ ít tham nhũng hơn đàn ông cũng chỉ bởi ít có điều kiện làm việc đó. Phụ nữ nói chung thường ít được tham gia vào những vị trí có tính chất quyết định. Họ có thể làm lãnh đạo ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhưng ở những doanh nghiệp luôn ký kết những hợp đồng “khủng” thì họ không được lãnh đạo. Trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng cơ sở, đó dường như chỉ là thế giới của đàn ông.

“Người ta cho rằng, phụ nữ sở hữu được những đức tính có thể chế ngự được tham nhũng: Sự chính trực, quan điểm quản lý cứng nhắc. Thế nhưng, khi phụ nữ tham nhũng, thường lại “khủng” hơn đàn ông. Giờ đây, những vụ bê bối tham nhũng “khủng” liên quan đến phụ nữ không phải là hiếm trên thế giới, không còn là “đặc quyền” của đàn ông.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ra lệnh bắt giữ, điều tra đối với Thiếu tướng Cao Tiểu Yến - Phó Chính ủy, Phó Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật Thông tin thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) vì cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ. Đây là nữ tướng đầu tiên trong quân đội Trung Quốc bị bắt giữ vì hành vi tham nhũng.

Ngoài tham nhũng, nhận hối lộ trực tiếp, các phu nhân của quan tham Trung Quốc cũng có hành vi tham nhũng gián tiếp thông qua việc lợi dụng ảnh hưởng, địa vị của chồng. Đó là trường hợp bà Cốc Khai Lai, vợ đại quan tham Bạc Hy Lai. Lợi dụng quyền uy của chồng, bà Cốc Khai Lai đã đầu tư bất động sản, kinh doanh nhiều lĩnh vực “màu mỡ” và thu về hàng triệu USD. Hay như bà Cốc Lệ Bình, vợ của Lệch Kế Hoạch - nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà Cốc Lệ Bình bị cáo buộc, bị điều tra vì đã sử dụng ảnh hưởng chính trị của chồng để kiếm lợi bất chính thông qua các tổ chức từ thiện…

Không riêng ở Trung Quốc, tại Nhật Bản và Indonesia, những nữ nghị sĩ, bộ trưởng tham nhũng giờ cũng không còn là “của hiếm”. Chính trường Nhật Bản từng bị rung chấn bởi sự từ chức cùng lúc của 2 nữ bộ trưởng, chỉ sau hơn 1 tháng nhậm chức. Đó là Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Obuchi và Bộ trưởng Tư pháp Matsushima. Hai nữ bộ trưởng này bị cáo buộc sử dụng quỹ chính trị sai mục đích. Còn tại Indonesia, nữ nghị sĩ Quốc hội, cựu Hoa hậu Indonesia Angelina Sondakh bị điều tra, truy tố và bị tuyên phạt gần 5 năm tù giam vì tội nhận hối lộ. Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ của mình, nữ nghị sĩ Angelina Sondakh đã nhận hối lộ (“hoa hồng” của các doanh nghiệp xây dựng) khoảng 14,8 triệu USD, đồng thời có nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách Indonesia khoảng 3,6 triệu USD.

Ảnh minh họa: Dreamstime

Tạm kết

Cho tới thời điểm này, rất nhiều nghiên cứu được triển khai nhằm làm rõ xem phụ nữ hay nam giới tham nhũng nhiều hơn. Hầu hết nghiên cứu đều chỉ ra rằng, phụ nữ ít có cơ hội tham nhũng hơn so với đàn ông, và nếu phụ nữ là người điều hành cao nhất tại đơn vị nào thì ở đó ít xảy ra tham nhũng.

Thế nhưng, 2 nhà nghiên cứu khoa học chính trị của ĐH Rice cũng lại nhấn mạnh rằng, mối liên quan giữa tham nhũng và giới tính là phạm trù cực kỳ phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh cũng như thể chế chính trị. “Ở đâu tham nhũng bị lên án, ở đó phụ nữ ít tha thứ hơn cho hành vi tham nhũng, đồng thời ở đó phụ nữ cũng ít có cơ hội tham nhũng hơn đàn ông. Nhưng nếu ở đâu tham nhũng là “tập quán” tạo nên bộ phận không thể tách rời và được bảo vệ bởi các thể chế chính trị, thì ở đó, nguy cơ tham nhũng đối với cả phụ nữ và đàn ông là ngang nhau”, nghiên cứu của 2 nhà khoa học Justin Esarey và Gina Chirillo chỉ rõ.

Sự khác biệt này giải thích rằng, trong xã hội dân chủ, xã hội gây áp lực buộc phụ nữ phải tuân theo thể chế chính trị bình thường, ở xã hội có xu hướng xét xử nặng hơn đối với các phụ nữ tham nhũng hơn là đàn ông. Vì thế, phụ nữ có lý do “khả dĩ” hơn để từ chối tham gia vào các hành vi tham nhũng. Điều này không xảy ra ở xã hội mà tham nhũng là “bình thường” hoặc tham nhũng xảy ra do sự tác động “ngầm” của những thế lực “mua bán” chính trị.

Nói cách khác, về bản chất, phụ nữ ít “ngả” theo tham nhũng hơn đàn ông, nhưng điều đó chỉ đúng trong những mối quan hệ phức tạp mà họ ít khi được tham gia. Trên thực tế, phụ nữ cũng có nhiều cơ hội tham nhũng, nhận hối lộ như đàn ông nếu thiếu vắng cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Có chăng, khi có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng, phụ nữ lại ít tham nhũng hơn đàn ông.

Nhật Minh