Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
 
Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết, cuộc thanh tra, kiểm tra này là động thái phản ứng đối với những sự cố sai phạm trong các ngân hàng và các cơ quan quản lý chứng khoán như: Cố tình bán phá giá cổ phiếu và giả mạo con dấu để chấp thuận một cách bất hợp pháp các giao dịch mà chỉ những người liên quan mới biết.
 
Trước đó, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 2/11 cho biết, các nhóm giám sát sẽ được cử đi để thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát kỷ luật.
 
Nhóm này sẽ đến làm việc với các doanh nghiệp do Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước (SASAC) quản lý; các ngân hàng Nhà nước lớn như: Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc; các công ty bảo hiểm lớn như: Công ty Bảo hiểm Nhân dân (tập đoàn) của Trung Quốc (PICC) và các ngân hàng chính sách như: Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
 
Trong đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành kiểm tra vào năm 2013, còn 14 công ty khác do SASAC quản lý đã nhận được quyết định kiểm tra lần đầu tiên vào năm 2015, theo China News Service đưa tin.
 
Thời gian làm việc của các nhóm giám sát không được đề cập đến trong thông báo. Các thông tin chi tiết về nội dung kiểm tra giám sát cũng không được công bố.
 
"Các mục tiêu hành động để tăng cường tính kỷ luật của hệ thống kiểm tra và giám sát. Việc chỉ định kiểm tra sẽ được tiến hành trong dài hạn khi các nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường giám sát trong lĩnh vực tài chính. Đây là lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển và cải cách đất nước", Cai Zhiqiang, một giáo sư tại Trường Đảng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 4/11.
 
Giáo sư Cai cho rằng, việc kiểm tra là một động thái cần thiết để vạch trần tham nhũng. Theo ông Cai, hơn 60% đầu mối của các vụ tham nhũng đã được tìm thấy trong quá trình kiểm tra và giám sát như thế này.
 
Những thông tin về tham nhũng trong ngành công nghiệp tài chính Trung Quốc đã tạo nên một trận dư chấn trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc những năm gần đây.
 
Trong đó phải kể đến vụ Yao Zhongmin, cựu Chủ tịch Hội đồng giám sát tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), đã bị kết án 14 năm tù giam vì nhận hối lộ.
 
Yao cũng phải nộp phạt 3,5 triệu nhân dân tệ (507.000 USD) và các tài sản bất hợp pháp bị tịch thu của ông đã được chuyển sang Kho bạc Nhà nước Trung Quốc, theo phán quyết của hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Trung Quốc tỉnh Hà Bắc, Tân hoa xã đưa tin trong tháng 8 năm ngoái.
 
Trong tháng 10, Chính phủ Trung Quốc cũng đã cử các đoàn thanh tra đến 10 tỉnh, thành để thực hiện giai đoạn đầu tiên của chiến dịch toàn quốc truy quét tội phạm có tổ chức.
 
Tân Hoa Xã ngày 5/11 đưa tin, tổng cộng 572 quan chức Trung Quốc đã bị trừng phạt trong đợt thanh tra đầu tiên.
 
Theo số liệu thống kê từ văn phòng nhóm chỉ đạo thanh tra, trong quá trình thanh tra, tổng cộng 1.791 trường hợp tham nhũng liên quan đến tội phạm băng nhóm và tội phạm có tổ chức cũng như bảo kê cho tội phạm đã bị điều tra.
 
Trong thời gian thanh tra, nhà chức trách Trung Quốc cũng triệt phá 96 băng nhóm tội phạm; thu giữ, phong tỏa số tài sản trị giá 5 tỷ nhân dân tệ (726 triệu USD) liên quan.
 
Đợt thanh tra thứ 2 và thứ 3 được dự kiến tiến hành trong năm tới trên toàn bộ các tỉnh, thành.
 
Trước đó, hồi tháng 2, Trung Quốc đã thông báo phát động chiến dịch chống mafia toàn quốc lớn chưa từng có nhằm loại bỏ nạn tham nhũng đang tràn lan trong các quan chức cấp cơ sở cấu kết với xã hội đen, vốn bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền.
 
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết chiến dịch này được phát động sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức họp kín với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, trong đó ông cảnh báo, bất cứ sự thông đồng nào giữa quan chức chính quyền với mafia sẽ không được dung thứ.

Hoài Phương