Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), 1 triệu đô la tiền giấy mệnh giá 100 USD có cân nặng khoảng 8 kg. Tiền mặt khi đem sử dụng trong các giao dịch “bóng tối” thật khó tránh khỏi những cặp mắt nghi ngờ, và điều này đã trở nên lỗi thời. Thế nên, các phần tử trong mạng lưới tham nhũng, khi có mục đích tư túi bất cứ thứ gì có giá trị từ trên vài triệu USD, sẽ tìm đến các giao dịch ngân hàng.

Và chắc chắn, trong mọi vụ án tham nhũng lớn những năm gần đây, từ Malaysia tới Brazil, các ngân hàng - dù do trình độ yếu kém hay đồng lõa - đã “tiếp tay” cho tội phạm tham nhũng quản lý các khoản tiền bất hợp pháp.

Chúng ta thử dừng lại một chút để xem, có ai đó đã hành động để ngăn chặn các ngân hàng làm điều này?

Cam kết mạnh, thực hiện yếu

Những cam kết… trên giấy. Đó là điều chúng ta đã thấy và gieo hi vọng vào đó. Hơn 180 quốc gia đã đồng ý giám sát lĩnh vực ngân hàng, bằng cách ký kết các tiêu chuẩn do Lực lượng Đặc nhiệm Hành động tài chính (FATF) - một cơ quan liên Chính phủ đề ra.

Hơn 180 quốc gia này đã cam kết để từ đó đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm: Đánh giá rủi ro sức khỏe tài chính; giám sát và đích thân thanh tra; hướng dẫn, phản hồi cho khu vực tài chính; và các biện pháp trừng phạt.

Để làm được điều này, các quốc gia cũng đồng ý việc bảo đảm các giám sát viên tài chính được độc lập, tự chủ trong thực hiện công việc cũng như bảo đảm các nguồn lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật đầy đủ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trong số hơn 80 quốc gia mà FATF gần đây đã đánh giá liên quan đến thực hiện các cam kết này, không quốc gia nào đạt mức “kết quả cao”. Chỉ một số ít đạt mức 2 “kết quả cơ bản” và hầu hết được đánh giá là thấp hoặc trung bình.

Châu Âu: Thiếu nguồn lực, các biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả

Lấy ví dụ, ở Áo, Báo cáo đánh giá chéo của FATF nhấn mạnh rằng, tần suất, cường độ và sự kết hợp của các biện pháp giám sát được áp dụng bởi cơ quan giám sát tài chính thường được xác định bằng xem xét nguồn lực thay vì theo các hồ sơ đánh giá rủi ro từ các tổ chức, như lẽ ra phải thế.

Tương tự, một đánh giá của FATF vào tháng 8/2017 về Đan Mạch cho thấy, ngành Tài chính nước này không đương đầu với những hành động mang tính sửa chữa nghiêm trọng, và các giám sát viên Đan Mạch đã không thực hiện hoạt động giám sát mạnh mẽ hoặc kịp thời. Tồn tại một số lượng đánh giá ở mức thấp (cả trong và ngoài) các tổ chức tài chính của cơ quan tài chính quốc gia; và trong nhiều trường hợp, chưa có một cuộc thanh tra, kiểm tra nào được thực hiện.

Cũng theo đánh giá của FATF, số lượng các biện pháp trừng phạt được áp dụng ở Đan Mạch là rất thấp, thậm chí không tương xứng với tội phạm, hoặc không đủ tính răn đe. 

Đánh giá của FATF về Thụy Sỹ cũng đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt do chính quyền Thụy Sỹ áp đặt, cho thấy chúng không đủ sức ngăn ngừa, mặc dù các hành động đã được gia tăng thực hiện trong 4 năm gần đó.

Mỹ: Các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và cái giá của hoạt động kinh doanh

Mỹ được đánh giá là quốc gia có nhiều biện pháp trừng phạt và khắc phục, bao gồm: Điều tra, truy tố và xử phạt. 

Sự phối hợp trong nước và quốc tế để đạt được các kết quả này cũng tương đối mạnh mẽ, theo đánh giá của FATF.

Tuy nhiên, Mỹ thường dựa vào các Thỏa thuận trì hoãn truy tố (DPA) thay vì đưa các vụ kiện ra tòa. Các nhà phê bình cho rằng, các DPA, về cơ bản là những thỏa thuận bào chữa, có thể không có tác dụng can thiệp và thực sự ngăn chặn tội phạm có tổ chức. Theo một Giáo sư, Luật gia người Mỹ, có một cơ hội cực kỳ cao mà ở đó không cá nhân nào sẽ bị truy tố khi DPA được sử dụng, và các nhà tài chính có thể coi đó chỉ là một “cái giá” cho hoạt động kinh doanh.

Cần nhiều nguồn lực hơn cho các giám sát viên

Trong tuần này, FATF sẽ tổ chức Diễn đàn Giám sát viên đầu tiên tại Trung Quốc, nhằm tìm ra các cách để thực hiện giám sát hiệu quả hơn.

Theo TI, các bê bối nối tiếp nhau cho thấy, ngân hàng là một mắt xích quan trọng trong dòng tiền bất hợp pháp trên toàn thế giới. Chúng giúp rửa tiền bẩn để có thể chuyển đổi thành những căn hộ cao cấp hay máy bay phản lực tư nhân, hoặc du thuyền sang trọng… Tất cả diễn ra một cách thường xuyên. Trong khi đó, hoạt động giám sát chỉ theo sau, khi vụ việc tham nhũng quy mô lớn được phát hiện bởi một người tố giác hoặc các nhà báo.

TI nhấn mạnh, đã đến lúc các giám sát viên phải có được quyền hạn và nguồn lực cần thiết, đầy đủ để thực hiện công việc của mình và phải chịu trách nhiệm trước công chúng khi họ không làm đúng chức trách, nhiệm vụ.

Hoài Phương