Tham nhũng dai dẳng, các quyền lợi bị xà xẻo
 
Theo Phong vũ biểu Toàn cầu (GCB) của Tổ chức Minh Quốc tế (TI) Trung Đông - Bắc Phi (MENA) là khu vực có tỷ lệ hối lộ cao nhất thế giới, với 30% số người được hỏi cho biết, họ đã đưa hối lộ để tiếp cận dịch vụ công. Trong khi đó, đánh giá Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) 2018 chỉ ra, hầu hết quốc gia trong khu vực này đã thất bại trong việc thực hiện các cuộc đột kích chống tham nhũng.
 
Bà Kinda Hattar, Cố vấn khu vực MENA của TI cho biết: “Làn sóng phản đối Chính phủ tham nhũng hiện nay không thể tách rời khỏi sự đàn áp trong kiểm soát của Nhà nước và một khế ước xã hội giữa Nhà nước với công dân bị phá vỡ… Các cuộc biểu tình mà chúng tôi thấy ở khắp Trung đông và Bắc Phi trong năm 2019 đều là kết quả của việc Chính phủ không đáp ứng những yêu cầu mà công dân đưa ra, ít nhất là kể từ sau các cuộc biểu tình Mùa Xuân Arab bắt đầu vào năm 2010”.
 
Cũng theo bà Kinda Hattar, “quy mô của thách thức tham nhũng ở hầu hết các quốc gia Arab đòi hỏi phải cải cách mang tính toàn hệ thống, tất cả phải rời đi, không có chỗ cho các hình mẫu cũ và những người giữ quyền hành không được tiếp tục ở lại cũng như tái xuất hiện sau một thời gian “chờ” không khí lắng dịu xuống. Điều này đã không được thực hiện ở đại đa số các quốc gia. Và, những cải cách chống tham nhũng nghiêm ngặt thực sự cần thiết đã không được tiến hành”.
 
LEBANON
 
Cuộc biểu tình nổ ra ngày 17/10 với nguyên nhân ban đầu là bởi những bất đồng ý kiến sau khi Chính phủ thảo luận về khả năng áp thuế đối với nhiên liệu, thuốc lá, các ứng dụng gọi điện của WhatsApp và Internet, cùng với các sản phẩm xa xỉ, bên cạnh việc tăng thuế giá trị gia tăng trong ngân sách Nhà nước năm 2020. Trong đó, khoản thu cho ứng dụng WhatsApp là 6USD mỗi tháng.
 
Biểu tình tiếp tục gia tăng khi người dân phẫn nộ vì tham nhũng và những sai lầm trong quản lý Nhà nước, từ sai lầm khiến cuộc khủng hoảng rác thải trở nên ngày càng tồi tệ do hợp đồng xử lý chất thải được trao cho công ty thuộc sở hữu của một nhà lãnh đạo chính trị; cho đến tham nhũng, hối lộ mang tính hệ thống ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống người dân Lebanon.
 
Trong báo cáo GCB 2015 MENA, hầu hết người dân Lebanon tham gia nghiên cứu nói rằng, Văn phòng Thủ tướng, thành viên Quốc hội, các quan chức Chính phủ và ủy viên các Hội đồng địa phương đều tồn tại tham nhũng ở mức độ cao.
 
Một cách tiếp cận toàn diện là cần thiết để chống lại tham nhũng có hệ thống đang được xây dựng ở Lebanon trong nhiều năm. Tuy nhiên, phản ứng ngay lập tức của Chính phủ và các hành động được đề xuất là quá khiêm tốn.
 
Theo TI, Lebanon cần phải thực hiện cải cách chuyên sâu để bảo đảm một tương lai không tham nhũng như người dân đang đòi hỏi. Cần tạo cơ hội cho các cá nhân tham gia vào việc đưa ra các giải pháp. Và, Chính phủ nên phối hợp với xã hội dân sự, với các công dân để tạo ra sự thay đổi lâu dài, xây dựng lại niềm tin trong một hệ thống mới. Điều này bao gồm một Chiến lược chống tham nhũng quốc gia mà người dân cũng như quốc tế đã chờ đợi từ lâu. Cùng với đó là nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể cho cuộc chiến chống tham nhũng.
 
IRAQ
 
Trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên Iraq thất nghiệp cao và những nỗ lực cải cách được đánh giá là “mỏng manh như tờ giấy”, hàng nghìn người dân Iraq (chủ yếu là trẻ tuổi) đã xuống đường từ ngày 1/10 yêu cầu chính quyền cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản như điện, nước và chấm dứt tình trạng tham nhũng.
 
Những cảnh tượng gây “sốc”, đàn áp dữ dội đã kéo theo sau đó, các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực. Iraq đã ban hành lệnh giới nghiêm ở Thủ đô Baghdad và ngừng cung cấp dịch vụ Internet ở hầu hết các địa phương. Hơn 100 người chết, gần 4.000 người bị thương chỉ trong 1 tuần.
 
Các cuộc biểu tình bạo lực tiếp diễn trong 2 ngày 25, 26/10 tại Thủ đô Baghdad và các tỉnh thành miền Trung, miền Nam Iraq, khiến ít nhất 63 người thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương.
 
Cũng trong ngày 26/10, Quốc hội Iraq đã không thể triệu tập phiên họp khẩn cấp nhằm thảo luận về những diễn biến căng thẳng hiện nay do chỉ có 90/329 nghị sĩ có mặt. Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) cùng ngày đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước “những nỗ lực của các thực thể vũ trang nhằm cản trở sự ổn định của Iraq”, đồng thời lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình.
 
Đại diện của UNAMI nhấn mạnh: “Tất cả các bên cần phải tăng cường gấp đôi những nỗ lực trên thực tế để không chỉ ngăn chặn những hành động khiêu khích và đối đầu mà còn đoàn kết chống lại những kẻ phá hoại có vũ trang”.
 
Các nhóm giáo phái đã thống trị nền chính trị của Iraq kể từ sau khi Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Quyền lực cố thủ giữa các nhóm giáo phái phân chia dân số và tạo không gian cho các đảng chính trị thống trị nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Điều này ảnh hưởng đến mọi thứ, từ cơ hội việc làm đến phân phối các hợp đồng của Chính phủ và là nơi sinh sôi của tham nhũng.
 
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Iraq lên tới 25%.
 
AI CẬP
 
Tối 20/9, hàng nghìn người dân Ai Cập đã xuống đường ở nhiều tỉnh thành và trung tâm Thủ đô Cairo bày tỏ mong muốn chính quyền có những thay đổi để có cuộc sống tốt hơn. Tham nhũng trong quân đội và vai trò của quân đội trong nền kinh tế đất nước là một nguyên nhân chính của sự giận dữ đã dấy lên cuộc biểu tình. Cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn thật.
 
Đầu năm nay, một loạt sửa đổi hiến pháp đã xác định quân đội là cơ quan quyền lực tối cao ở Ai Cập. Bên cạnh đó, gia đình Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi có vai trò chính trong các cơ quan, trong đó có Cơ quan Tình báo.
 
Những cuộc biểu tình như vậy rất hiếm khi diễn ra do bị cấm tại Ai Cập theo một đạo luật được thông qua sau vụ lật đổ quân sự năm 2013 của cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Nhưng sự bất mãn về giá cả đã tăng lên ở Ai Cập, nơi Chính phủ của Tổng thống Sisi áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt kể từ năm 2016 như một phần của gói vay 12 tỷ đô la từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
 
Gần 1/3 người Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ (dưới 1,40 đô la một ngày), theo số liệu chính thức được công bố vào tháng 7 vừa qua.
 
Tia hy vọng yếu ớt

 
Trong một khu vực hiếm hoi lý do để lạc quan về sự tích cực chống tham nhũng, cũng đã có một số dấu hiệu cho thấy những tia hy vọng trong năm nay.
 
Ở Tunisia, nơi các cuộc bầu cử gần đây đã được diễn ra một cách hòa bình, đã khuyến khích sự tham gia đóng góp của giới trẻ và xã hội dân sự, cho phép một hệ thống kiểm tra giám sát và cân bằng để phát triển.
 
Theo bà Kinda Hattar, “sau cuộc nổi dậy năm 2010 và sự sụp đổ của chế độ Ben-Ali năm 2011, toàn bộ hệ thống ở Tunisia đã thay đổi. Cũng đã có những thất bại, nhưng phải ghi nhận, cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua đã cho thấy nhận thức của công chúng về sự cần thiết phải là một phần của hệ thống, tham gia và yêu cầu sự thay đổi từ nhữn đại diện của họ. Điều này chứng minh con đường phía trước đang được thiết lập quy tắc dân chủ vững chắc”.
 
Ngày 23/10 vừa qua, tân Tổng thống Tunisia Kais Saied đã tuyên thệ nhậm chức. Chiến thắng của ông Saied phản ánh thông điệp của cử tri Tunisia đến Quốc hội. Người dân đã lựa chọn ứng viên với cam kết cải tổ hệ thống chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và trao thêm quyền lực cho các cơ quan địa phương.
 
Còn tại Algeria, các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra hồi đầu năm 2019 đã khiến Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức, mở ra cơ hội cho một xã hội có nhiều người tham gia xây dựng hơn. Tuy nhiên, quân đội cũ vẫn nắm quyền lực, và những người biểu tình tiếp tục yêu cầu sự thay đổi. Người dân sẽ không ngừng xuống đường cho đến khi có sự thay đổi mang tính hệ thống, bảo đảm quản trị tốt, trách nhiệm giải trình cao trong nền chính trị Algeria và tham nhũng đặc hữu của chế độ trước bị xóa bỏ.
 
Mùa hè năm nay, các cuộc biểu tình cũng đã đã lật đổ thành công Chính phủ Sudan. Sudan chỉ đạt 16/100 điểm CPI, nằm trong top những quốc gia tham nhũng nhất theo đánh giá của TI. Omar Al Bashir, cựu lãnh đạo độc tài bị quân đội phế truất sau các cuộc biểu tình, hiện đang ở trong tù đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Các cuộc biểu tình gần đây nhất đã kêu gọi đảng của ông giải tán, trong khi một chính quyền quân-dân sự đang nỗ lực chuyển đổi đất nước theo hướng dân chủ.
 
Mùa Đông đang tới?
 
Năm 2019 chứng kiến một thời cơ khác về sự thay đổi trên toàn khu vực MENA, bắt nguồn từ tiếng kêu gọi của cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” gần một thập kỷ trước. Câu hỏi đặt ra là, liệu lần này các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ lắng nghe những yêu cầu của người dân hay tiếp tục đi theo các con đường tương tự? Những cải cách hời hợt sẽ không làm hài lòng những công dân mệt mỏi vì hàng chục năm vẫn duy trì sự miễn trừ đối với các nhà lãnh đạo, và rất có thể sẽ chỉ là sự trì hoãn của cơn giận dữ tiếp theo.
 
Theo TI, trên hết, các Chính phủ phải tôn trọng quyền được lên tiếng trong sự ôn hòa của người dân và tham gia xây dựng với các phong trào xã hội dân sự mới nổi.
 
TI cũng cho biết, tháng 12/2019, cơ quan này sẽ cho ra mắt Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu cho - khu vực MENA, nghiên cứu về vấn đề nhận thức và trải nghiệm của người dân về tham nhũng ở Jordan, Lebanon, Morocco, Palestine, Tunisia và Sudan.

Hoài Phương