Pakistan đã thực sự bị rúng động khi sau sự ra đi của 2 nhà lãnh đạo Muhammad Ali Jinnah (người sáng lập nên Cộng hòa Hồi giáo Pakistan) và Liaqat Ali Khan (Thủ tướng đầu tiên của Pakistan). Kể từ đó, tham nhũng đã sinh sôi nảy nở trong lòng đất nước này, Báo The Nation nhận định.

Theo giới phân tích, cả Chính phủ dân sự lẫn quân sự đều của Pakistan đã không thực hiện đủ và nghiêm túc các bước để có thể kiềm chế được mối đe dọa có tên “tham nhũng”. Các biện pháp được đưa ra một cách miễn cưỡng, không đủ sức nặng để chống lại vấn nạn tham nhũng tràn lan. Giống như "giặc nội xâm", tham nhũng khiến người ta lo lắng, khi mà nội bộ bất ổn, thì làm thế nào để đập tan được những mối nguy hiểm rình rập bên ngoài?

Tham nhũng ở Pakistan đã dẫn đến vô số các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị. Vì vậy, cần thiết phải có thời gian để đất nước này giải quyết tham nhũng một cách nghiêm túc và hiệu quả. Nếu không, Nhà nước sẽ tiếp tục lao vào vực sâu của sự bất công bằng, chủ nghĩa cực đoan và hình ảnh đất nước trở nên xấu xí trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Gần đây, vụ bê bối Hồ sơ Panama đã mang tới những lo ngại trên khắp Pakistan. Tập đoàn Luật Mossack Fonseca, có trụ sở ở Panama, đã tiết lộ, nhiều người Pakistan đã thành lập các công ty ở nước ngoài để trốn thuế. Tham nhũng của gia đình Thủ tướng bị lật đổ đã bị vạch trần. Hầu như các "con cá cỡ bự" của đất nước Hồi giáo này đều có tên trong nguồn tin rò rỉ.

Điều này cho thấy rõ vấn nạn ở Pakistan, những kẻ có chức quyền tham nhũng tiền của của người dân thông qua các biện pháp bất hợp pháp. Không còn nghi ngờ gì nữa, bê bối Hồ sơ Panama đã giải thích và chỉ ra mức nghiêm trọng và nguy hiểm của tham nhũng. Đảng cầm quyền và phe đối lập đấu nhau trong vấn đề này. Sự không nhân nhượng của cả 2 bên cầm quyền và đối lập đã khiến Pakistan bị đưa tới bờ vực thẳm.

Ở một khía cạnh khác, quản trị xấu là nguyên nhân trực tiếp khiến tham nhũng tràn lan. Các quan chức cấp cao bị sa lầy vào các bê bối tài chính. Hậu quả là, người dân bị tước mất các tiện nghi cơ bản và tình trạng bất ổn lửng lơ trên đầu họ...

Theo “Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) 2018”' do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua, Pakistan giữ nguyên vị trí 117/180 quốc gia, với số điểm 33/100.

Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế Pakistan, Sohail Muzaffar, cho rằng, Pakistan phải hành động nghiêm túc để kiểm soát "tham nhũng tràn lan". “Tình trạng kinh tế ở nước này sẽ không thể cải thiện cho đến khi mối đe dọa tham nhũng được khắc phục”, ông nói.

Cũng theo ông Muzaffar: "Pakistan cần cải thiện thứ hạng trong các cuộc điều tra quốc tế khác nhau để thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP”.

Ông nói thêm rằng, những hình phạt nghiêm khắc cần được đưa ra cho tất cả những ai liên quan đến tham nhũng. Luật Chống tham nhũng cần được tăng cường và các cơ quan pháp luật cần được cung cấp đủ thẩm quyền dễ dàng truy tố những kẻ tham nhũng.

Ngọc Anh