Trong 5 năm trở lại đây, một trong những chủ đề được quan tâm trên hầu hết các phương tiện truyền thông là các vụ tham nhũng trong khu vực hành chính công và tư nhân. Để có được một chuỗi “tin tức nóng hổi” mỗi tuần không chỉ đòi hỏi sự gia tăng trong việc chia sẻ thông tin, mà còn cả những chuẩn mực đạo đức đưa ra bởi Chính phủ và các nhà cung cấp thông tin. 

Thông tin về các vụ bê bối như đại án tham nhũng tại FIFA, vụ rò rỉ hồ sơ Panama hay nhiều vụ khác được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Quá trình kiểm tra và giám sát tài chính đang có sự thay đổi. Ngày nay, việc các nhân viên tài chính và kiểm toán phát hiện nhưng lại không công bố các dấu hiệu tham nhũng và hối lộ là một thách thức trong việc theo dõi các khoản thanh toán và chỉ số tham nhũng.

Cuối những năm 1970, Bộ Quy tắc chống tham nhũng và hối lộ (ABC) ra đời và được điều chỉnh bởi Luật Chống tham nhũng nước ngoài (FCPA) của Mỹ. Ban đầu, ABC được xây dựng để chống lại việc hối lộ nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Từ năm 1977 đến năm 2007, mặc dù các tổ chức bắt đầu áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức cụ thể hơn trong việc chống hối lộ và tham nhũng, nhưng mức độ thực thi của bộ luật vẫn còn khá thấp.

Chỉ sau vụ hối lộ của hãng công nghệ Đức Siemens vào năm  2008, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới bắt đầu thúc đẩy việc thực thi ABC tại các nước G20, trong đó Anh là nước đi đầu với việc thông qua Luật Hối lộ (UKBA).

Sau Anh, mặc dù đã có thêm gần 60 quốc gia khác thực thi bộ quy tắc này, thế nhưng những “buổi gặp mặt bí mật” vẫn được Petrobras, Samsung, Shell, Rolls Royce, Unaoil, Embraer, Pfizer và nhiều tổ chức khác thực hiện để tranh giành những hợp đồng có giá trị hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD.

Kiểm toán viên: Người hùng của ABC

Vai trò của kiểm toán độc lập cũng như nội bộ là phát hiện, điều tra và cảnh báo các trường hợp vi phạm ABC.

Trong nhiều thập kỉ, kiểm toán nội bộ và bộ phận tài chính đã giải quyết nhiều vấn đề. Thông thường, nhân viên tài chính là người đầu tiên phát hiện ra những điểm đáng ngờ trong các khoản thanh toán, giá bán hoặc chi phí thu mua, nhưng lại không thể xử lý chúng.

Trong khi đó, kiểm toán nội bộ có thể tìm kiếm và dùng những mô hình phân tích các giao dịch của công ty nhằm phát hiện ra những sai phạm. Nhược điểm của phương pháp này là được thực hiện một cách thủ công, tốn thời gian và ảnh hưởng đến những nhiệm vụ khác của kiểm toán nội bộ trong tổ chức.

Vì vậy, kiểm toán độc lập xuất hiện. Thông qua việc kiểm tra kỹ lưỡng và phân tích sổ sách của công ty, kiểm toán viên độc lập sẽ cung cấp thông tin về các vi phạm ABC một cách chi tiết nhất. Tuy nhiên, kiểm toán độc lập không diễn ra thường xuyên, chi phí cao và cũng được thực hiện một cách thủ công.

Bên cạnh đó, chỉ có những kiểm toán viên có kinh nghiệm cùng với một chút may mắn mới có thể phát hiện ra những sai phạm. Rõ ràng, sự xuất hiện của các công cụ chuyên sâu nhằm khắc phục hạn chế của quá trình thu thập thông tin thủ công và nhận diện các vi phạm là thực sự cần thiết.

Đẩy mạnh quá trình kiểm toán

3 lợi ích mà các công cụ phân tích có thể đem lại cho việc kiểm toán là:

Tích hợp tự động hóa: Nếu như các nhân viên kiểm toán dùng kinh nghiệm và kiến thức để phát hiện ra những vi phạm, thì các công cụ phân tích sử dụng các thuật toán phức tạp để tìm kiếm các sai phạm một cách liên tục dựa trên các thông tin được cung cấp.

Liên tục cập nhật: Tội phạm ngày càng trở nên tinh vi với những phương thức hoạt động mới. Tuy nhiên, áp dụng các mô hình nghiên cứu hành vi đối với các nhà cung cấp, khách hàng và thậm chí cả nhân viên có thể giúp tổ chức nâng cao cảnh giác, lường trước các vấn đề có thể xảy ra.

Thu thập bằng chứng: Cùng với lượng thông tin đầu vào như trước, ngày nay, các công cụ phân tích hoàn toàn có thể thu thập các chứng cứ sai phạm - phần công việc vốn chiếm một lượng thời gian đáng kể của kiểm toán viên một cách chính xác - mà không dựa trên sự may mắn. 

Bằng cách áp dụng các công cụ phân tích, thời gian kiểm toán có thể được rút ngắn, đồng thời những cảnh báo và giải pháp có thể được đưa ra nhằm nâng cao khả năng quản lý.

Mặc dù việc áp dụng kỹ thuật trong kiểm toán còn chưa phổ biến trong vài thập kỷ qua, nhưng với công nghệ nhận diện tội phạm tham nhũng cùng với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của các kiểm toán viên, chúng ta có thể hi vọng vào một tương lai khác trong vòng 5 năm tới khi tham nhũng và hối lộ được phát hiện, xử lý một cách hiệu quả hơn.

Phạm Thục Trinh