Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, từng là Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17.

Chu Vĩnh Khang được coi là "người hai mặt" điển hình tại Trung Quốc, ý chỉ "trước mặt công chúng tỏ vẻ thanh liêm nhưng sau lưng lại lợi dụng chức quyền, trục lợi cá nhân".

Quá trình điều tra và phiên xử kín Chu Vĩnh Khang

Ngày 29/7/2014, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin: "Xét thấy Chu Vĩnh Khang liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương lập án thẩm tra đối với Chu Vĩnh Khang, trên cơ sở quy định liên quan của Điều lệ ĐCSTQ và Quy chế công tác kiểm tra vụ án của cơ quan kiểm tra luật ĐCSTQ".

Ngày 5/12/2014, Hội nghị Bộ Chính trị ĐCSTQ kiểm tra và thông qua Báo cáo thẩm tra về vụ án Chu Vĩnh Khang vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, quyết định khai trừ đảng tịch đối với ông này, đồng thời chuyển các nghi vấn và đầu mối phạm tội của Chu sang cơ quan tư pháp để xử lý theo pháp luật.

Ngày 7/1/2015, Chu Vĩnh Khang bị di lý từ Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương sang cơ quan tư pháp chờ xét xử.

Phiên xét xử kín Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc gây bất ngờ cho người dân đất nước tỷ dân
Chu Vĩnh Khang (trái) khi còn đương chức và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp ở Bắc Kinh năm 2012. Ảnh: CNS

Ngày 3/4/2015, vụ án liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Chu Vĩnh Khang chính thức bị khởi tố.

Chi nhánh số 1 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thiên Tân chuyển hồ sơ khởi tố vụ án liên quan đến Chu Vĩnh Khang lên Tòa án nhân dân trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân.

Theo báo cáo, Tòa án nhân dân trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân đã tiếp nhận thụ lý vụ án sau khi có quyết định bằng văn bản chỉ định từ Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Một hội đồng xét xử chính thức được thành lập. Chu Vĩnh Khang khi đó cũng nhận được một bản sao cáo trạng và được thông báo rõ về quyền lợi và nghĩa vụ tố tụng liên quan.

Hai luật sư được Chu ủy quyền nhiều lần tiếp xúc ông này trong thời gian tạm giam và được tiếp cận với toàn bộ hồ sơ vụ án. Trước phiên tòa xét xử chính thức, tòa án đã triệu tập một cuộc họp với sự tham dự của công tố viên, bị cáo và người bào chữa để lắng nghe quan điểm của các bên về vấn đề xét xử liên quan.

Ngày 22/5/2015, Tòa án nhân nhân trung cấp số 1 Thiên Tân căn cứ vào một số chứng cứ phạm tội - do liên quan đến bí mật quốc gia - nên đã tiến hành phiên xét xử kín theo quy định pháp luật Trung Quốc.

Tại phiên tòa, hội đồng thẩm phán đã tuyên đọc lời chứng của các nhân chứng và công khai vật chứng, ý kiến giám định để chứng thực việc Chu Vĩnh Khang lợi dụng chức vụ trục lợi.

Ngoài ra, tình tiết Chu Vĩnh Khang đưa năm văn kiện cấp tuyệt mật, một văn kiện cấp cơ mật cho Tào Quốc Chính - cựu giáo sư trường đảng Trung Quốc, người được Chu coi là "quốc sư" thân tín và không có nghĩa vụ được biết về các tài liệu trên tại văn phòng riêng - cũng được thẩm tra.

Đến ngày 11/6, Tòa án nhân dân trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân tiếp tục tiến hành xét xử và tuyên án đối Chu Vĩnh Khang. Tại phiên tòa, Chu bị kết án với ba tội danh nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền, cố ý tiết lộ bí mật quốc gia.

Cụ thể, ông này bị kết án chung thân đối với tội danh nhận hối lộ, tước bỏ quyền lợi chính trị trọn đời và tịch thu tài sản cá nhân. Đối với tội danh lạm dụng chức quyền, Chu bị phạt bảy năm tù giam và đối với tội danh cố ý tiết lộ bí mật quốc gia là 4 năm tù giam.

Tổng khung hình phạt được áp dụng đối với cả ba tội danh của Chu Vĩnh Khang là tù chung thân, tước quyền lợi chính trị suốt đời và tịch thu tài sản cá nhân.

Tại phiên xét xử, Chu Vĩnh Khang tuyên bố nhận tội và không kháng cáo đối với bản án trên.

Những tình tiết gây thắc mắc

Trái ngược với cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai được xét xử công khai và được cập nhật trực tiếp trên Weibo thì trường hợp Chu Vĩnh Khang lại được xét xử kín, không thông báo trước cho dư luận và truyền thông. 

Cụ thể, ngày 6/11/2015, dư luận Trung Quốc và thế giới bất ngờ khi Tân Hoa Xã thông báo cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân với ba tội danh gồm nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và cố tình tiết lộ bí mật quốc gia.

Sau thông báo của Tân Hoa Xã, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV mới công khai hình ảnh Chu Vĩnh Khang với mái tóc bạc trắng đứng trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án.

Dư luận và truyền thông Trung Quốc khi đó đã rất bất ngờ trước phiên xét xử không công khai, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, mức án phạt trên là "quá nhẹ" đối với Chu Vĩnh Khang.

Tại sao lại xử kín Chu Vĩnh Khang?

Về vấn đề này, ông Ngô Pháp Thiên, chuyên gia pháp luật - Giáo sư Đại học Hành chính Pháp luật Trung Quốc cho biết, do vụ án liên quan đến tình tiết tiết lộ bí mật quốc gia nên theo quy định, có thể không cần tiến hành xét xử công khai.

Ông này cũng cho hay, nếu xét xử công khai, thông tin phiên tòa cần thông báo trước ba ngày, trong khi đó, không có quy định đối với phiên xử kín.

Tại sao Chu Vĩnh Khang không bị xử tử hình?

Theo Ngô Pháp Thiên, Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc ba tội danh là nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và cố ý tiết lộ bí mật quốc gia.

"Với tội danh nhận hối lộ, mức án cao nhất có thể áp dụng là tử hình. Nhưng trong phiên tòa này có một số quy định pháp luật hoặc tình tiết cụ thể như thành thật khai báo, chủ động yêu cầu người thân giao nộp tang vật hối lộ, đều là những tình tiết giảm nhẹ cho nên mức án chung thân phù hợp với quy định pháp luật", Ngô Pháp Thiên nói.

"Đối với tội lạm dụng chức quyền, Chu Vĩnh Khang phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị kết án bảy năm, mức án cao nhất theo quy định của pháp luật cũng là bảy năm. Chu Vĩnh Khang đã bị kết án ở khung hình phạt cao nhất về tội danh này", Ngô lý giải.

"Cố ý tiết lộ bí mật quốc gia, thông thường bị kết án ba năm tù giam trở xuống, đặc biệt nghiêm trọng bị phạt tù từ ba đến bảy năm, đặc biệt nghiêm trọng ý chỉ việc tiết lộ bí mật gây hậu quả nghiêm trọng tới quốc gia. Trong trường hợp của Chu Vĩnh Khang, do chưa gây ảnh hưởng lớn tới quốc gia nên bị kết án bốn năm cũng là phù hợp với pháp luật", chuyên gia pháp luật Trung Quốc cho biết thêm.

Tại sao Chu Vĩnh Khang bị xử tù chung thân?

Ông Ngô Pháp Thiên nói: "Luật hình sự Trung Quốc có nguyên tắc tổng hợp hình phạt khi bị kết án chung thân, tử hình. Theo hồ sơ cáo trạng [của vụ án liên quan đến Chu Vĩnh Khang], nhận hối lộ phạt tù chung thân, lạm dụng chức quyền phạt tù bảy năm, cố ý tiết lộ bí mật quốc gia phạt tù bốn năm, do đó, Chu Vĩnh Khang bị kết án chung thân là hợp lý".

Theo Thủy Thu (Soha/Thời Đại)