Luật CTN hà khắc

Luật CTN Hàn Quốc (Luật Kim Young-ran) có hiệu lực từ ngày 28/9/2016 được đánh giá là đạo luật khắc nghiệt. Với 3 nội dung chính là cấm các hành vi nhờ vả không minh bạch; quy định mức trần quà tặng, thiết đãi và hạn mức về chi phí thuyết trình, giảng dạy của công chức ở bên ngoài cơ quan, Luật Kim Young-ran có thể coi là một biện pháp mang tính bước ngoặt trong nỗ lực quét sạch nạn tham nhũng tại Hàn Quốc.

Trọng tâm của luật là xử phạt các hành vi nhận quà tặng, thiết đãi vượt quá hạn mức quy định, bất kể hành vi đó có mang tính chất trao đổi hay không. Thậm chí luật còn xử phạt với cả những người hối lộ tiền, đưa quà tặng hay đề xuất chiêu đãi, nên không chỉ cán bộ mà cả người dân cũng chịu sự chế tài của luật này.

Đạo luật mới quy định khen thưởng lên tới 200 triệu won (khoảng 171.232 USD) cho người tố giác, bắt quả tang hành vi tham nhũng của các quan chức, nhân viên Chính phủ. Điều này đã khiến người dân Hàn Quốc đổ xô đến các lớp học kỹ năng làm thợ săn ảnh, tạo nên một làn sóng CTN “kiểu Hàn Quốc” độc đáo.

Ngày 8/12/2016, Tòa án Hàn Quốc đã xử phạt phạm nhân đầu tiên của đạo luật nghiêm khắc này là một phụ nữ 55 tuổi, với số tiền 90.000 won (77 USD) vì bị cáo buộc đưa cho cảnh sát số bánh gạo trị giá 45.000 won vào 28/9, ngày đầu tiên luật CTN có hiệu lực.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất trong danh sách các nước phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Sau Keangnam, Posco thì mới đây, Lotte đã trở thành tâm điểm của những bê bối liên quan tới vấn đề lập quỹ đen và tham nhũng.

Kể từ khi Luật CTN được áp dụng, nhiều sự biến chuyển tích cực trong CTN, lãng phí được ghi nhận. Số lượng người thuê sân golf giảm đáng kể, khách đến tham dự đám cưới ít hơn rất nhiều. Tại các bệnh viện, ban quản lý thậm chí còn dán thông báo yêu cầu không tặng quà cho bác sĩ…

Hợp tác quốc tế CTN

Cuối tháng 9/2016, tại Bắc Kinh, Nhóm G20 chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu CTN, truy bắt và thu hồi tài sản

 

Bắt tay hợp tác, tạo nên một "cây gậy" nối dài CTN trên phạm vi toàn cầu là một biện pháp hiệu quả, được nhiều quốc gia tích cực thực hiện trong năm 2016.

Đầu tháng 5/2016, tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về CTN đầu tiên tổ chức ở Thủ đô London, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố hợp tác cùng Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Australia, New Zealand và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) thành lập Trung tâm CTN quốc tế đặt trụ sở tại London.

Các chuyên gia từ Trung tâm CTN quốc tế, cùng chuyên gia từ Cơ quan Tội phạm quốc gia, sẽ hỗ trợ giúp các cơ quan thực thi pháp luật và công tố viên giữa các quốc gia hợp tác với nhau để điều tra và trừng phạt những đối tượng tham nhũng, đồng thời thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng.

Tiếp đó, cuối tháng 9/2016, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu CTN, truy bắt và thu hồi tài sản. Đây là cơ quan đầu tiên của G20 phụ trách triển khai các công tác nghiên cứu về CTN, truy bắt tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp từ các hoạt động kinh tế trái phép. Trung Quốc - nước chủ nhà G20 năm 2016 là quốc gia đưa ra sáng kiến này, cũng là quốc gia đặc biệt quan tâm đến hợp tác quốc tế trong CTN.

Trung Quốc đã triển khai nhiều chiến dịch như: “Lưới trời”, “Săn cáo” nhằm truy bắt các nghi phạm tham nhũng đang bỏ trốn. Tính từ năm 2014 đến hết tháng 11/2016, Trung Quốc đã truy bắt được 2.442 đối tượng phạm tội bỏ trốn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có gần 400 quan chức, tịch thu số tài sản lên tới 8,54 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,25 tỷ USD. Trong các chiến dịch truy bắt nghi phạm lẩn trốn ở nước ngoài, Trung Quốc chú trọng thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác tư pháp với các nước trên thế giới, với quyết tâm không để bất cứ nơi nào trên thế giới có thể trở thành “thiên đường” cho các quan chức tham nhũng ung dung ẩn náu ngoài vòng pháp luật.

Tính đến cuối tháng 9/2016, Trung Quốc đã ký với gần 60 quốc gia với khoảng 80 điều ước hỗ trợ tư pháp và ký với 46 quốc gia điều ước dẫn độ tội phạm.

Tăng cường lực lượng CTN

28 thẩm phán Kenya được tăng cường, với hy vọng là nguồn sống mới cho cuộc chiến CTN

 

Để CTN hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng bổ sung lực lượng, tăng cường sức mạnh cho đội quân đặc biệt này. Tại Indonesia, tháng 10/2016, Ủy ban CTN (KPK) đã được bổ sung ít nhất 30 điều tra viên từ lực lượng Cảnh sát Quốc gia nhằm xử lý kịp thời số lượng vụ việc tham nhũng. Trước khi được bổ sung, KPK đã có 209 điều tra viên bao gồm 91 cán bộ điều tra ở khâu đầu và 118 thám tử.

Cuối tháng 12 vừa qua, tại Kenya, 28 thẩm phán được tăng cường, với hy vọng là nguồn sống mới cho cuộc chiến CTN. Tại lễ tuyên thệ của các tân thẩm phán, Tổng thống Uhuru Kenyatta bày tỏ sự lạc quan rằng, các án tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc liên quan tới đất đai đang bị treo tại các tòa án, sẽ được khẩn trương giải quyết hơn, tạo thuận lợi cho chương trình nghị sự của Chính phủ nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế đất nước.

Tháng 11/2016, Ukraine cũng đã bổ nhiệm một nữ luật sư trẻ vào vị trí lãnh đạo chiến dịch CTN. Bà Anna Kalynchuk, 23 tuổi, được giao nhiệm vụ khó khăn và nặng nề là thanh trừng các quan chức thoái hóa biến chất bởi tham nhũng. Theo các nhà phân tích, tại quốc gia có tình trạng tham nhũng tràn lan như Ukraine, việc bổ nhiệm các tài năng trẻ thay thế các chính trị gia lớn tuổi có thể được xem như một "liều thuốc giải độc" cho quãng thời gian nhiều thập kỷ đất nước bị tàn phá. Thực tế cho thấy, Chính phủ Ukraine đang chủ ý trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo đất nước. Sau cuộc cải tổ Nội các hồi tháng 2/2016, các bộ trưởng của Ukraine hầu hết đều ở độ tuổi ngoài 30.

Hủy tiền mệnh giá cao

Ngày 8/11/2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hủy bỏ giá trị của tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee để CTN, rửa tiền

 

Một trong những động thái bất ngờ, quyết liệt nhưng cũng được nhiều người dân đồng tình ủng hộ là việc ngày 8/11/2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hủy bỏ giá trị của tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee với chủ ý CTN, rửa tiền, lao động chui và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Ấn Độ được xem là điển hình của nền kinh tế tiền mặt. Ước tính 86,4% giá trị tổng số tiền giấy rupee lưu thông ở Ấn Độ là loại tiền 500 và 1.000 rupee (tương ứng khoảng 7,5 và 15 USD).

Theo các nhà phân tích, những người Ấn Độ đang giữ tiền tệ từ các nguồn hợp pháp - và trên đó họ phải trả thuế thu nhập - sẽ không gặp phải khó khăn, nhưng những người đang ngồi trên đống tiền từ các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm từ tham nhũng, sẽ lộ diện. Khi doanh nghiệp và người dân mang tiền đi đổi, vài nghìn rupee sẽ không có vấn đề gì, nhưng với những trường hợp lên đến cả trăm nghìn hoặc hàng triệu rupee thì ngân hàng sẽ lưu tâm và điều tra khách hàng kỹ hơn, qua đó giúp cơ quan thuế nắm được thông tin, giúp Chính phủ chống nạn trốn thuế và tham nhũng.

Ngay sau khi thực hiện đổi, hủy tiền giấy mệnh giá cao, ngày 22/11, Thủ tướng Modi đã kêu gọi người dân cho biểu quyết thông qua ứng dụng Narendra Modi được thiết lập để sử dụng trên điện thoại di động.

Người dân đã rất nhiệt tình tham gia cuộc khảo sát và có quan điểm đánh giá tích cực. 90% trong số hơn 500.000 người từ 2.000 địa điểm khắp thế giới tham gia cuộc khảo sát tin rằng hành động của Chính phủ sẽ đẩy lùi tham nhũng và tiền bẩn.

Mặc dù bên cạnh hiệu ứng tích cực, việc thu đổi tiền cũng mang lại không ít rắc rối trong nước, nhưng Thủ tướng Ấn Độ khẳng định quyết định trên là vì lợi ích của người nghèo và tầng lớp trung lưu. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ để bài trừ tham nhũng, tiền bẩn đã ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong suốt 70 năm qua. Và, đây cũng mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc đấu tranh sâu sắc, không ngừng nghỉ của Chính phủ với tiền bẩn, nhằm mang lại cho Ấn Độ một nền kinh tế trung thực.

Đưa công nghệ vào CTN

Giải pháp “mũ bảo hiểm CTN” là một cách làm hay đã được thực hiện tại Ma-rốc

 

Trong thời đại của công nghệ cao, nhiều nhà cầm quyền trên thế giới đã sử dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ vào cuộc chiến CTN.

Giải pháp “mũ bảo hiểm CTN” là một cách làm hay đã được thực hiện tại Ma-rốc. Theo đó, mũ bảo hiểm của cảnh sát nước này, ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người sử dụng còn được trang bị máy quay video với mục đích CTN. Những máy quay nhỏ đồng hành với các sỹ quan cảnh sát nhằm ghi lại những chứng cứ, tư liệu về quá trình thực thi nhiệm vụ của họ.

Cơ quan cảnh sát vốn bị "mang tiếng" là một bộ phận nhiều tham nhũng trong xã hội Ma-rốc. Hệ thống camera đã giúp cho việc kết nối giữa nghĩa vụ của cá nhân các sỹ quan với trách nhiệm phải giải trình. Bằng cách này, không những tham nhũng và lạm dụng quyền lực được kiềm chế mà còn giúp tăng cường ý thức trách nhiệm của lực lượng an ninh. Thực tế cho thấy, kể từ đầu năm 2016 đến nay, tại Ma-rốc số lượng các cuộc điều tra về tham nhũng tăng lên đáng kể, số lượng sỹ quan cảnh sát phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn cũng tăng lên rất nhiều.

Tại Camphuchia, thông qua Facebook cá nhân, Thủ tướng Hun Sen đã kịp thời can thiệp 1 vụ việc hối lộ khiến người dân vô cùng cảm kích. Một thanh niên tên Chamroeun bị tạm giam chờ xét xử vì tội trộm tài sản của công ty. Tuy nhiên, phía gia đình khẳng định anh này không phạm tội. Sau 10 ngày bị tạm giam, một cảnh sát đã gợi ý cho bạn gái của anh chi 2.000 USD nếu muốn Chamroeun không bị truy tố.

Cô gái đã dùng điện thoại thông minh quay lại cảnh gợi ý hối lộ này và đăng đoạn video lên Facebook của Thủ tướng, khẩn cầu ông can thiệp. Ngay sáng hôm sau, Chamroeun đã được thả tự do và không bị truy tố.

Sau khi giải quyết xong vụ việc, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng bằng cách gửi thông tin đến Facebook của ông. Trong bài phát biểu gần đây, ông Hun Sen cũng nói, nếu không có Facebook, ông không thể nào phục vụ nhân dân một cách hiệu quả như vậy.

Hoài Phương