Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank), cháu gái của bà Phấn, chính là người đầu tiên ký bán 84% cổ phần của Trustbank cho Hà Văn Thắm. Sau đó, bà Hứa Thị Phấn bán cho Phạm Công Danh.

Hàng chục cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - chia thành nhiều tổ để thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 14 bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Trustbank.

Trong số 14 bị can có bà Hứa Thị Phấn vừa bị khởi tố bổ sung về hành vi cố ý làm trái quy định tại Trustbank. 

13 bị can còn lại, có nhiều người là người nhà, họ hàng của bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank). Cụ thể như Ngô Nguyễn Đoan Trang, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguồn vốn tại ngân hàng là cháu ruột của Hứa Thị Phấn. Lâm Hứa Huỳnh Trinh, cháu bà Phấn là cán bộ cao cấp tại Trustbank. Bùi Thị Kim Loan, người thân cận của bà Phấn được xem như người có vai trò tay hòm chìa khoá và ra chỉ thị cho các cán bộ ngân hàng làm theo chỉ thị của bà Phấn. Loan còn có chồng cũng là cháu bà Phấn người đứng tên trong 29 hồ sơ vay tiền tại Trustbank.

Các bị can bị khởi tố vì giúp sức cho bà Hứa Thị Phấn, người nắm giữ hơn 84% cổ phần Trustbank trước khi bán cho Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm. Những bị can này đã nhận chỉ đạo của bà Phấn và ký các biên bản họp Hội đồng quản trị chấp nhận cho Trustbank mua nhiều bất động sản bất hợp lý, trái quy định gây thiệt hại cho Trustbank hàng nghìn tỷ đồng

Trước đó, tháng 3/2017, C46 cũng đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở của bà Phấn (ngụ tại quận Thủ Đức,TP HCM) về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...

Được biết, ngay sau khi các bị can bị bắt, C46 đã dẫn giải các bị can bị bắt tạm giam ra trại giam T16 (Bộ Công an, Hà Nội) để phục vụ việc điều tra vụ án.

Nghiêm Lan