Tham nhũng không còn được chấp nhận

Theo bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI, khi chúng ta kỷ niệm những cột mốc thời gian nêu trên, cũng là lúc chúng ta thấy được mình đang sống trong một thời điểm bùng nổ quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn thế giới.

Cùng với cộng đồng chống tham nhũng toàn cầu, TI đã có những bước tiến lớn trong ngăn chặn và xử phạt tham nhũng, tham ô. Ngày nay, chống tham nhũng không chỉ là nội dung nằm trong các chương trình nghị sự quốc tế, tham nhũng không còn được chấp nhận như một "phí tổn" của hoạt động kinh doanh ở nhiều quốc gia.

Nhờ sự đấu tranh không ngừng nghỉ của nhiều nhà hoạt động chống tham nhũng, chúng ta có các công ước chống tham nhũng quốc tế, khu vực và quốc gia; có các luật, bộ luật thúc đẩy quyền truy cập, tiếp cận các thông tin quan trọng để phơi bày và chấm dứt tham nhũng; và, có các cơ quan, tổ chức chống tham nhũng quốc gia để thực thi các biện pháp chống tham nhũng.

“Tuy nhiên, trong khi nhiều tiến bộ đã được thực hiện, vẫn còn rất nhiều việc chúng ta cần phải làm trong cuộc chiến cam go này”, bà Delia Ferreira Rubio khẳng định.

Đã đến lúc hành động

Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia hình sự hóa tội hối lộ, tăng cường tính minh bạch trong mua sắm công, thực hiện yêu cầu đối với các công ty vạch trần chủ sở hữu đích thực của mình, và mở rộng các quy tắc, quy định cho khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, trong khi các chính sách, tiêu chuẩn, quy định là rất cần thiết, thì bản thân chúng không đủ để xoay chuyển tình trạng tham nhũng tràn lan. Điều quan trọng là, Chính phủ và các doanh nghiệp cần thực hiện và báo cáo về các nỗ lực chống tham nhũng, thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của công dân và tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn, nguyên tắc đã đặt ra, đã cam kết.

TI và các chi nhánh đại diện tại hơn 100 quốc gia đang nỗ lực theo dõi sự tuân thủ của các Chính phủ và doanh nghiệp trong việc giữ các cam kết cũng như báo cáo về bất kỳ sự cải thiện hay thất bại nào trong các nỗ lực chống tham nhũng.

Chủ tịch TI nhấn mạnh: “Thời gian cho các lời hứa mới, các cam kết chưa thực hiện và các tuyên bố đã hết - đối với cả các Chính phủ và khối doanh nghiệp! Công dân cần thấy những điều xứng đáng hơn là những lời nói đầy thiện chí, đây là thời gian cho hành động, để hành động”.

Những điểm lùi

Mặc dù chúng ta ghi nhận một số tiến bộ đáng kể của cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng đâu đó trên thế giới, nhiều quốc gia hiện đang được lãnh đạo bởi những nguyên thủ vẫn còn bảo vệ các cá nhân tham nhũng, ban lệnh ân xá hay thông qua các luật đặc biệt để có lợi cho một số người được nhắm tới. 

Thậm chí, đáng báo động hơn, nhiều người trong giới tinh hoa chính trị cố gắng ngăn cản các nhà báo điều tra cũng như các nhà hoạt động, các tổ chức chống tham nhũng lên tiếng.

Theo bà Delia Ferreira Rubio, là một cộng đồng toàn cầu, chúng ta cần phải hợp tác để bảo vệ những người tố giác, các nhà hoạt động, nhà báo hay các tổ chức xã hội dân sự vào bất cứ vào lúc nào, ở bất kỳ nơi nào, khi họ bị tấn công, đe dọa, hoặc quấy rối vì tố giác tham nhũng. Khi chúng ta bảo vệ quyền của họ, cũng là chúng ta bảo vệ quyền và tự do của mọi người.

Công thức chống tham nhũng

Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến đấu cho tương lai, đòi hỏi một cách tiếp cận đa phương và đồng bộ để ngăn chặn kịp thời và xử phạt hiệu quả những người dính líu tham nhũng.

Chúng ta sẽ không thể chiến thắng tham nhũng mà không có sự phối hợp hành động từ doanh nghiệp, Chính phủ, cộng đồng và các nhà hoạt động.

Công thức đơn giản cho một kế hoạch chống tham nhũng bao gồm 4 dòng hành động: Nhiều thông tin hơn + Liêm chính hơn + Ít miễn trừ hơn + Ít thờ ơ hơn.

nh minh họa: Tuyengiao.vn

 

Ưu, nhược điểm của công nghệ với chống tham nhũng

Việc thúc đẩy tiếp cận thông tin sẽ không đạt được bằng cách đơn giản là thông qua các dự luật, thành lập các cơ quan chuyên ngành hay tăng quyền truy cập dữ liệu. Trong khi, các hành động đó sẽ khiến chúng ta phải đi cả chặng đường dài để thúc đẩy tính minh bạch, thì cách hiệu quả nhất là khi chúng được kết hợp với các kỹ thuật quan trọng khác.

Công nghệ cung cấp cho chúng ta công cụ mới mạnh mẽ có thể tăng cường khả năng tiếp cận thông tin. Điều tốt nhất là công nghệ có thể giúp mọi người chống lại tham nhũng trong cuộc sống hàng ngày. Điều này bao gồm từ việc cải thiện sự dễ dàng báo cáo các vấn đề nảy sinh hay đánh giá đối với các dịch vụ công, cho tới khả năng giám sát thu - chi chính trị hay lấy chữ ký cho các đơn trực tuyến.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức được những thách thức mà công nghệ đặt ra đối với quyền tự do cá nhân, bầu cử trong sạch và công bằng, tham gia vào công tác chính trị và các khía cạnh quan trọng khác của nền dân chủ. Công nghệ cũng có thể bị chiếm dụng, sử dụng theo các cách tinh vi để che giấu tiền hay các giao dịch bất hợp pháp.

Chấm dứt miễn trừ và thúc đẩy tư pháp độc lập

Mặc dù điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng lại cần thiết và cấp bách trong thời điểm này để buộc các cá nhân tham nhũng phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình và phải đối mặt với các hậu quả mình gây ra. Nếu không, sẽ chẳng có gì ngăn cản các cá nhân đó tiếp tục hành động tham nhũng, cũng không có gì ngăn cản các cá nhân khác làm điều tương tự.

Bên cạnh đó, chúng ta cần các nỗ lực để bảo đảm công tố viên, thẩm phán được hành động độc lập và đủ nguồn lực cũng như thẩm quyền pháp lý để điều tra, truy tố và xử phạt một cách hiệu quả những người liên quan đến các thỏa thuận tham nhũng.

Nâng cao tính liêm chính

Ngay cả những quốc gia có điểm số CPI (chỉ số nhận thức tham nhũng) cao nhất cũng không tránh khỏi tham nhũng. Nhiều quốc gia trong sạch lại đang hoạt động giống như những thiên đường an toàn cho những kẻ rửa tiền, khiến dòng tiền bẩn trên toàn cầu khó bị phát hiện. 

Các tiêu chuẩn kép không nên tồn tại ở những quốc gia "xuất khẩu" tham nhũng ra ngoài biên giới hoặc bảo vệ tham nhũng, gia đình, tài sản của họ thông qua các chương trình Visa Vàng.

Cùng hành động để tạo sự khác biệt

Để giải quyết tham nhũng thành công, chúng ta phải hành động cùng nhau. Cần huy động nhiều hơn lực lượng phụ nữ và thanh niên. Và, chúng ta cần củng cố, xây dựng lại niềm tin với các công dân bình thường, những nạn nhân thực sự của tham nhũng.

Các cá nhân tham nhũng cướp đi những nguồn lực cần thiết của các quốc gia để hỗ trợ cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học, vệ sinh và các cơ hội phát triển. Các nguồn quỹ bị đánh cắp không chỉ làm đầy ví những kẻ tham nhũng, mà còn phá hỏng cuộc sống của người dân khi ngăn cản họ được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Kêu gọi hành động vì mọi người

Bà Delia Ferreira Rubio cảnh báo, sự thờ ơ đối với xã hội là mảnh đất sản sinh ra tham nhũng. Bên cạnh việc cải cách thể chế, cần thiết có cam kết và sự tham gia của người dân. Nếu các cá nhân tham nhũng tiếp tục giành được phiếu bầu và được lựa chọn, họ sẽ tiếp tục lạm dụng quyền lực và sử dụng vị trí của mình để bảo vệ cho chính họ.

“Các công dân trên toàn cầu cần gửi tới các nhà lãnh đạo của mình một thông điệp rõ ràng: Không dung túng cho tham nhũng trong đất nước. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng là cuộc chiến cho minh bạch, liêm chính, bình đẳng, quản trị tốt, pháp trị và một nền dân chủ mạnh mẽ. Không phải vì quyền của riêng ai, mà vì phúc lợi và an ninh của hàng tỷ công dân toàn cầu” - Chủ tịch TI kết luận.

Hoài Phương