Ứng khẩu 16 chữ vàng - kế sách phục hưng quốc gia

Khi thi đỗ đại khoa, được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, nhà vua đề nghị mỗi vị hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đã dâng 4 câu:

Tôn tộc đại quy

Tôn lộc đại nguy

Tôn tài đại thịnh

Tôn nịnh đại suy

Trần Đại Vinh tạm dịch 4 câu trên như sau:

Tôn trọng nòi giống, ắt đại hoà hợp

Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan

Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh

Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong.

Tuy Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm không gặp được vận hội tốt lành để trí quân, trạch dân (giúp vua, chăm lo cho dân), nhưng đạo đức và nhân cách và 4 câu châm ngôn của cụ mà hậu thế thường gọi là “tứ tôn châm” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

“Tôn tộc” là đề cao dân tộc. Có “tôn tộc” mới quy được lòng mọi người về một mối (đại quy), mới biết đặt dân tộc, Tổ quốc, nòi giống lên trên hết. Có được sự đồng tâm nhất trí đó thì nhất định hoàn thành mọi sự nghiệp, chiến thắng mọi kẻ thù. 

Lịch sử dân tộc ta chứng minh hùng hồn chân lý mà cụ Nguyễn Khắc Niêm đã khẳng định. Nêu lên “tôn lộc đại nguy”, cụ Niêm không hề có ý xem thường sự phát triển kinh tế của đất nước, quyền lợi chính đáng của người dân. “Lộc” ở đây là chỉ những lợi ích, bổng lộc, đặc quyền phi lí và phi pháp, đặt lợi ích vị kỉ của cá nhân, của bè phái lên trên lợi ích cộng đồng. Xu hướng “tôn lộc” khuynh loát thì nhất định lẽ công bằng bị vi phạm, tham nhũng hoành hành, làm nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn, giành giật trong xã hội, dẫn tới hiểm hoạ khôn lường cho quốc gia.

“Tôn tài đại thịnh”, nói như Thân Nhân Trung, “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” - đây cũng là một chân lý vĩnh hằng. Coi thường, thậm chí gạt bỏ những trí thức có tài năng và đức độ ra khỏi hành trình của đất nước thì nhất định đất nước sẽ suy vong… Trí thức, nhất là những trí thức thực sự có tài năng, thường là những người có chủ kiến mạnh mẽ, có cá tính nổi bật, không phải là loại người “gọi dạ, bảo vâng”, lại là những người hay nêu ý kiến phản biện nên dễ làm cho người cầm quyền định kiến, thậm chí oán ghét. Chỉ có người cầm quyền, nhà lãnh đạo tài giỏi mới biết trọng người tài, tập hợp được người tài và nhất là phát huy được trí tuệ của người tài để phục vụ cho sự nghiệp chung, làm cho đất nước hưng thịnh.

“Tôn nịnh”, cũng là một tín hiệu “đèn đỏ”, một cảnh báo hết sức có ý nghĩa đối với người cầm quyền, vì “trung ngôn, nghịch nhĩ” (lời nói trung thực thường làm chối tai), bề trên không hiếm người chỉ thích nghe những lời nịnh hót của những kẻ xum xoe nịnh bợ. Qua miệng lưỡi của chúng, chân lý sẽ đảo lộn, phải biến thành trái, xấu biến thành tốt, mọi sự thực khách quan đều bị bưng bít, xuyên tạc. Chỉ những người lãnh đạo chí công vô tư, cương trực, khiêm tốn, nhạy cảm mới nhận ra nhanh chóng, chính xác những lời nói, hành vi siểm nịnh, có khi rất tinh vi của bè lũ nịnh thần. Trong lịch sử, không khó tìm ra những tấm gương phản diện minh chứng cho việc bè lũ nịnh thần làm cho một triều đại từ chỗ cực thịnh nhanh chóng lâm vào cảnh suy vong.

Vì 4 điều trên hàm chứa chân lý vĩnh hằng nên chúng cũng mang đầy đủ tính hiện đại. Trong hoàn cảnh hiện nay, vận dụng vào hoàn cảnh nào ta cũng thấy “tứ tôn châm” vẫn còn đầy ý nghĩa cập nhật. Cam Ly, nhà báo lão thành, khi nói về “tứ tôn châm”, đã tôn xưng, đây là “mười sáu chữ vàng” và khẳng định: “Cụ Nguyễn Khắc Niêm chỉ với 16 chữ  đã diễn đạt một cách súc tích sự minh triết Việt Nam… Mười sáu chữ vàng của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm nay vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa giáo dục nhân sinh sâu sắc và lay động tâm can tất thảy những ai vì sự trường tồn của dân tộc”.

 

Con cháu cụ Nguyễn Khắc Niêm bên Bia Tiến sĩ Văn Miếu Huế (bia số 5 bên trái, tính từ ngoài vào, có khắc tên cụ). Ảnh: NL

 

Uất ức vì “bị” dân… tặng quà

Học giả Nguyễn Khắc Dương - con trai Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm - kể chuyện về cha mình lúc sinh thời: “Một hôm thầy tôi đi vắng, có người mang một gói quà đến nói là biếu cụ. Người giúp việc mới đến làm chưa biết tính thầy nên đã nhận và đặt lên bàn. Lúc về nhà thấy gói quà, thầy hỏi: “Cái gì đấy”. Người giúp việc trả lời: “Có người tìm cụ và gửi cụ món quà nên con đã nhận và để đấy ạ”! Thầy tôi nổi nóng mắng: “Ai cho phép mày nhận quà biếu của người ta”. Người này biết cụ đang nóng nên chạy vội ra ngoài. Tôi vào phòng và hỏi: “Thưa thầy có việc gì đấy ạ”. Thầy tôi nói trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Con ơi, làm quan mà để cho người dân nghĩ đến là họ có thể tặng quà cho mình là đã xấu lắm rồi, đằng này lại để họ mang đến và nhận nữa chứ con xem thế có nhục nhã, vô liêm sỉ không? Nhục ơi là nhục... Ngày mai các con tìm chủ nhân gói quà và mang trả lại cho người ta, không cần biết là quà đó có gì”...

Những người con của cụ Nguyễn Khắc Niêm đều thừa hưởng được rất nhiều từ phong cách ứng xử của người cha.

Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện từng bộc bạch: “Thầy tôi không lấy sách Khổng, Mạnh dạy chúng tôi, nhưng bao quanh cuộc sống của chúng tôi thời tấm bé là một không khí đặc biệt. Ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng. Đứng về góc độ tâm lý học mà nói, tôi đã tự đồng nhất với hình ảnh của bố tôi về nhiều mặt từ lúc còn nhỏ, một cách vô thức”.

Còn về mặt xã hội? Đến vùng đất Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cho đến nay khi cụ đã mất trên 60 năm, khi chúng tôi hỏi chuyện về “cụ Hoàng Hương Sơn”  bà con nơi đây vẫn dành cho cụ nhiều “kính nể, thiện cảm”, vẫn được nhân dân kể lại nhiều điều tốt đẹp. 

Khó kể hết những chuyện tốt đẹp về cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Chỉ xin được mượn 4 câu thơ của cụ Nguyễn Chưởng, 90 tuổi, giáo viên hưu trí, xã Sơn Thịnh, để thay lời kết:

Thế thượng chỉ anh/Nho môn đẩu tinh/ Đại khoa khôi giáp/Thảo gia lưu danh.

(Trần Đại Vinh dịch: Anh hoa đáng mặt trên đời/Là sao Bắc Đẩu giữa trời Nho gia/Rõ ràng đầu bảng đại khoa/Lưu danh muôn thuở nếp nhà thanh cao).

Cụ là thân phụ của 15 người con, trong đó có nhiều người nổi tiếng thành đạt như: Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện; học giả Nguyễn Khắc Dương (nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn - Triết Đại học Đà Lạt, 1965 - 1975); GS Nguyễn Khắc Phi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước).

                                                                                                         
Nghiêm Lan