Trong số 22.000 người đến từ 20 quốc gia tham gia cuộc khảo sát, có đến 2/3 cho rằng tham nhũng trở nên nghiêm trọng kể từ năm 2016. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ sự sụp đổ của chính quyền Venezuela, các vụ bê bối tại Braxin, nhưng ít ai ngờ rằng, mối liên hệ giữa ngành công nghiệp thuốc lá và giới chức châu Mỹ Latinh cũng là một phần của vấn nạn này.

Mỗi năm, doanh số ngành công nghiệp thuốc lá thu được từ hoạt động thương mại bất hợp pháp tương đương với 17% doanh số chính ngạch. Các báo cáo chỉ ra trong 5 năm gần đây, tỷ lệ này tăng từ 17% lên 25%, tương đương với 57 tỷ điếu thuốc lá. Các nhà quản lý thì đổ lỗi cho khả năng hoạch định chính sách yếu kém của Nhà nước, đặc biệt là quy định tăng giá bán thuốc lá và loại bỏ các nhãn hiệu thuốc lá cao cấp. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang hút các loại thuốc lá rẻ tiền tạo điều kiện cho nạn buôn lậu nhũng nhiễu. Ngoài ra, để hợp lý hóa các khoản chi phí đầu tư, các công ty kinh doanh đã tận dụng khe hở của pháp luật, vô hình chung tạo nên điểm buôn lậu thuốc lá lớn nhất thế giới là ngã ba biên giới giữa Paraguay, Argentina và Brazil.

Với dân số chỉ khoảng 6,9 triệu người, mỗi năm Paraguay sản xuất 60 tỷ điếu thuốc lá, 90% trong số đó được bán trên thị trường chợ đen, tạo ra khoản doanh thu không phải chịu thuế lên đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Paraguay chỉ giải quyết vấn đề này một cách miễn cưỡng, bởi nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất và sở hữu hầu hết các thương hiệu thuốc lá trên thị trường chợ đen là Tabesa - công ty thuộc Tập đoàn Cartesa do Tổng thống Horacio Cartes sở hữu. Hiện tập đoàn này đang bị cáo buộc cố ý sản xuất thuốc lá để buôn lậu. Một báo cáo do Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Đối ngoại còn chỉ ra rằng buôn lậu thuốc lá ở Paraguay được tiến hành bởi các nhóm tội phạm có tổ chức như FARC (đến từ Columbia) nhằm mục đích rửa tiền và tài trợ cho các nhóm khủng bố ở khu vực Trung Đông.

Chile cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Với 40,6% dân số trên 15 tuổi có thói quen hút thuốc lá và trung bình 46 người chết mỗi ngày vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, quốc gia này không chỉ là nơi tiêu thụ thuốc lá lớn nhất khu vực mà còn là tụ điểm buôn lậu thuốc lá lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Doanh thu từ bán thuốc lá trên thị trường chợ đen tăng 386% trong 5 năm, làm thất thu 190 triệu USD tiền thuế mỗi năm. Năm 2014, 0,8% GDP được sử dụng cho việc chữa trị các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm cắt giảm sản lượng thuốc lá đều vấp phải sự phản đối và thờ ơ của nhà sản xuất. Tháng 7/2015, công ty dẫn đầu thị trường thuốc lá British American Tobacco đe dọa đóng cửa trụ sở ở Chile ngay sau khi Thượng viện nước này thông qua luật sử dụng bao bì chung và cấm các loại thuốc lá có các chất phụ gia như menthol, đồng nghĩa với việc 20% khối lượng việc làm và khoản thuế lên tới 400 triệu USD mỗi năm của công ty này sẽ biến mất.

Điều này dẫn đến hệ lụy là Chính phủ Chile cũng không nỗ lực giải quyết nạn buôn lậu thuốc lá. Năm 2015, giới chức Chile nỗ lực thi hành hệ thống theo dõi, phát hiện và ngăn chặn việc buôn lậu, thu lại 500 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, hệ thống này đã bị các công ty thuốc lá ngấm ngầm phá hoại. Các công ty thuốc lá đã bắt tay chống lại các hiệp ước của quốc gia và quốc tế nhờ hai trong số ba công ty đấu thầu thực hiện dự án có liên quan đến việc sản xuất thuốc lá.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính mới Jorge Rodriguez, được cho là “người chống lưng”, từng là chủ tịch của British American Tobacco (tiền thân là Chile Tabacos - công ty nổi tiếng thế giới vì các khoản hối lộ quan chức Chính phủ để gây ảnh hưởng đến các quy định về thuốc lá).

Tổng thống Chile cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào công ty có 93% thị phần ở quốc gia này.

Các quốc gia châu Mỹ Latinh nên đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu thuốc lá, việc này không chỉ đảm bảo giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, thu về 31 tỷ USD cho ngân sách mà còn giảm lượng người tử vong do hút thuốc, đồng thời hình thành hệ thống giám sát độc lập, cung cấp đầy đủ và rõ ràng thông tin về hoạt động kinh doanh của ngành công nghiệp thuốc lá - những kẻ đứng sau giàu lên từ sự khốn cùng và chia rẽ giữa các quốc gia trong khu vực.

Võ Như Uyên