Tây An là 1 trong 4 Thủ đô trong lịch sử của Trung Quốc, hiện là trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất ở vùng Tây Bắc nước này.
 
Hiện, ông Hồ Hải Phong (46 tuổi) là Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, một thành phố ở tỉnh ven biển Chiết Giang (phía Đông Trung Quốc), có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Tây An.
 
Theo SCMP, Tây An là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, nếu việc đề bạt trở thành hiện thực, ông Hồ Hải Phong sẽ trở thành một thành viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Thiểm Tây. Ông sẽ có vị trí ngang hàng thứ trưởng. Và đây sẽ là một bước tiến lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Hồ Hải Phong.
 
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của SCMP, việc trở thành Bí thư Thành ủy Tây An cũng sẽ là một thách thức lớn đối với ông Phong, khi thành phố này đang bị rúng động bởi một vụ bê bối chính trị.
 
Một loạt quan chức của Tây An bị điều tra bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan giám sát chống tham nhũng Đảng Cộng sản Trung Quốc - với các cáo buộc: tham nhũng, thiếu trách nhiệm khi "phớt lờ" không tuân thủ chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc phá hủy các biệt thự bất hợp pháp được xây dựng trái phép trong khu bảo tồn thiên nhiên ở vùng núi Qinling.
 
Nếu có thể vượt qua "bài toán lớn" này, sự nghiệp chính trị của ông Phong sẽ vững chắc, uy tín của ông sẽ được nâng cao .
 
Một nguồn tin cho biết, công tác chuẩn bị đã được tiến hành ở Tây An để chính trị gia trẻ tuổi này đảm nhận vai trò mới.
 
Một nguồn tin khác cho biết, ban đầu, ông Phong được phân công làm Trưởng Phòng Tổ chức tỉnh Phúc Kiến, nhưng sau đó kế hoạch được thay đổi.
 
Nhà phân tích chính trị Zhang Lifan cho rằng, việc đề bạt ông Hồ Hải Phong có thể được coi là một động thái mang tính làm hòa của Chủ tịch Tập Cận Bình với những người ủng hộ ông Hồ Cẩm Đào, trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt với những thách thức lớn ở cả trong và ngoài nước.
 
“Ông Tập đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn", nhà phân tích Zhang nói, trong sự đề cập đến cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự tăng trưởng kinh tế trì trệ trong nước.
 
Ông Hồ Hải Phong tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, Đại học Giao thông Bắc Kinh. Ông không tham gia chính trị cho đến năm 2013.
 
Ông làm kỹ sư cấp cao tại doanh nghiệp Nhà nước Tsinghua Holdings và sau đó trở thành Chủ tịch của Nuctech, một công ty sản xuất thiết bị an ninh, là công ty con của Tsinghua Holdings.
 
“Ông Hải Phong ban đầu không hào hứng lắm với việc trở thành "quan chức", mà dự định trở thành một kỹ sư và một giảng viên", SCMP dẫn lời một người quen của ông Phong.
 
Cùng theo nguồn tin này, "Ban Tổ chức Đảng đã chọn ông Phong vì chính quyền Trung ương cần những người trẻ tuổi xuất sắc sinh trong thập niên 1970".
 
Trước ông Phong, Bắc Kinh cũng đã đề bạt hàng chục cán bộ sinh vào những năm 1970 lên cấp Thứ trưởng.
 
Ông Hồ Hải Phong bắt đầu sự nghiệp chính trị với vị trí Phó Chủ tịch thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang vào năm 2013, chỉ vài tháng sau khi cha ông là ông Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu.
 
Sau đó, ông là Chủ tịch thành phố Gia Hưng (năm 2016), và Bí thư Thành ủy Lệ Thủy (tháng 7/2016), trở thành lãnh đạo Đảng trẻ nhất của tỉnh Chiết Giang.
 
Khi làm việc tại Lệ Thủy, ông Phong đã thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường và ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, phù hợp với thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, "những ngọn đồi xanh và những dòng nước trong lành là những mỏ vàng, mỏ bạc thực sự".
 
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng công khai khen ngợi chiến lược phát triển xanh của ông Phong vào tháng 4 năm ngoái, tại Diễn đàn về phát triển Vành đai kinh tế sông Dương Tử.
 
Tháng trước, ông Phong đã viết một bài báo trên Tạp chí Đảng ở Chiết Giang, với lời hứa sẽ xem lời khen ngợi của Chủ tịch Tập Cận Bình là động lực hành động và đạt được sự cân bằng lành mạnh giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
 
Giống như cha mình, ông Hồ Hải Phong được miêu tả là người kín đáo, không phô trương.
 
Một trong những lần hiếm hoi khi tên của ông xuất hiện trên truyền thông nước ngoài là vào năm 2009, khi Nuctech bị kéo vào một vụ bê bối tham nhũng ở Namibia.
 
Ông Phong là Chủ tịch của Nuctech cho đến năm 2008 và trở thành Bí thư Đảng bộ của công ty mẹ - Tsinghua Holdings. Vào thời điểm đó, chính quyền Namibia cho biết, ông Phong không phải là nghi phạm nhưng họ muốn ông ra để làm chứng. 

Hoài Phương