Luật Chống tham nhũng Gambia vẫn đang chế độ… đèn vàng
 
Để phù hợp với các mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) nhằm làm giảm thiểu tham nhũng, Chính phủ Gambia đã cam kết với UNCAC xem xét lại các quy trình trong năm 2015, bao gồm các nghĩa vụ của Gambia trong việc đưa UNCAC vào luật pháp nước này và đánh giá việc thực hiện một cách nghiêm ngặt.
 
UNCAC cũng yêu cầu cuộc chiến chống tham nhũng của Gambia phải có sự tham gia tích cực của các nhóm xã hội dân sự, thông qua các cuộc thảo luận, lấy ý kiến và thu thập các đề xuất để giải quyết nạn tham nhũng trong nước.
 
Tuy nhiên, đã 38 tháng qua kể từ khi được đệ trình, Luật Chống tham nhũng Gambia vẫn chưa được thông qua, hiện đang nằm chờ tại Bộ Tư pháp. Không ai ở thời điểm này có thể trả lời, khi nào đạo luật quan trọng này sẽ được thảo luận trước các nhà lập pháp tại Quốc hội, dù dự luật đã được công bố công khai 2 lần.
 
Cuộc chiến cam go
 
Cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn không phải mới ở Gambia. Nó được công nhận bởi Hiến pháp năm 1997 và trong luật pháp của Gambia. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức, cả trong khu vực công và tư nhân, dẫn đến những hậu quả tàn phá nền kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.
 
Cái mới trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Gambia hiện nay là quy mô và bản chất của thách thức. Số người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tham nhũng đang ngày một gia tăng, tỷ lệ thuận với sự gia tăng thái độ thờ ơ và phủ nhận cuộc chiến. Các nỗ lực chống tham nhũng của Gambia được đánh giá là còn hạn chế. Về cơ bản, nó thiếu ý chí trính trị. Trong khi, đây là vấn đề chính yếu quyết định đến sự thắng lợi của cuộc chiến.
 
Do đó, cần phải khẩn cấp tìm cách thức mới để liên kết mọi người và thực hiện một cơ chế chống tham nhũng như những quy định mà UNCAC đề ra. Một khía cạnh quan trọng khác là huy động được sự tham gia của xã hội dân sự, làm sao để họ hiểu và chung tay giải quyết nạn tham nhũng, quan liêu, bên cạnh việc hỗ trợ về chính trị và tài chính cần thiết cho cuộc chiến cam go này.
 
Khu vực công và tư nhân ở Gambia hiện đang phải đối mặt với cách thức quản lý mang nhiều tính rủi ro, nhất là trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa thân hữu, gia đình trị, gây ảnh hưởng trong các hợp đồng mua sắm... Bên cạnh đó là việc tiếp cận các dịch vụ công không dễ dàng, thiếu công bằng với đa số người dân.
 
Nhiều người dân Gambia phải trả mức phí cao hơn thông thường cho các quan chức để có sự thuận lợi trong việc được cung cấp các dịch vụ. Điểm chung của tham nhũng trong giới quan chức nhà nước được nhấn mạnh là: Gian lận tài chính, rửa tiền và các hoạt động của bên thứ 3.
 
Phổ biến trong môi trường hoạt động của các quan chức nhà nước là tình trạng đút lót, mua sắm gian lận. Các dạng thức tham nhũng khác là các quan chức nhà nước cố tình làm suy yếu việc điều tra tham nhũng, dẫn đến các tuyên bố sai và nhận quà trái quy định. Những món quà này, nhiều người Gambia cho rằng nó là bình thường, nhưng chiếu theo quy định, nó được coi là vật hối lộ.
 
Cũng bởi các nỗ lực chống tham nhũng của Gambia bị xem nhẹ, nên dẫn đến tạo cơ hội cho các quan chức lợi dụng vị trí của mình để thu các khoản phí "bôi trơn" trong khi bán đấu giá các thiết bị của Chính phủ mà không có sự giám sát. Hay hỗ trợ, tạo thuận lợi hoặc trao hợp đồng cho bạn bè và các thành viên trong gia đình. Đây được gọi là các "giao dịch nội gián" trong mua sắm công, là xu hướng đáng lo ngại đang nổi lên, cần phải hành động ngay để dập tắt.
 
Ở khía cạnh khác, mặc dù Chính phủ tuyên bố giải quyết nạn tham nhũng, nhưng lại không có kết luận nào được công khai hoặc thực hiện nghiêm túc, cũng không có ai bị truy tố trước tòa án Gambia theo luật định.
 
Lấy ví dụ, tháng 7/2004, một Ủy ban của Tổng thống được thành lập để điều tra các tài sản và hành vi của những người đã có thời gian phục vụ tại cơ quan công quyền từ ngày 22/7/1994, nhằm mục đích nghiên cứu về tham nhũng và làm việc với các bộ, ban, ngành khác để tìm nguyên nhân, giải pháp cho các vụ việc tham nhũng ở Gambia. Vào thời điểm đó, nỗ lực này được gọi là "Chiến dịch không thỏa hiệp" và được ngợi ca, khi mà lần đầu tiên, một chính phủ nước châu Phi điều tra chính mình.
 
Tháng 3/2005, Ủy ban này đã có báo cáo đệ trình lên Tổng thống Yahya Jammeh, nhưng báo cáo không có sự xuất hiện của Tổng thống hay bất kì đại biểu Quốc hội nào!
 
Mới đây, Ủy ban Janneh cũng được thành lập để xem xét các giao dịch kinh doanh liên quan đến cựu Tổng thống Yahya Jammeh và các cộng sự thân cận của ông. Như lệ thường của Gambia, báo cáo không được công khai mà chỉ có một văn bản tóm tắt dạng thông cáo báo chí được đăng tải. Chính phủ cho biết, phải mất 6 tháng nữa mới có báo cáo đầy đủ về các phát hiện của Ủy ban Janneh. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc giữ báo cáo "trong bóng tối" là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng phát triển.
 
Một vấn đề quan trọng khác trong nỗ lực quốc gia nhằm kiềm chế tham nhũng là cách quản lý thu hồi tài sản. Câu hỏi đặt ra là, nên thu hồi tài sản vào kho bạc nơi tiền bị đánh cắp, hay chuyển trực tiếp đến nhu cầu của công chúng, như thuốc cho bệnh viện, hoặc thức ăn cho các trường học? Bên cạnh đó là các hoạt động nghiên cứu sửa đổi, ban hành các đạo luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Chống rửa tiền, Luật Mua sắm và các luật chống tham nhũng khác để cung cấp thêm vũ khí cho cuộc chiến chống tham nhũng ở Gambia. 

Hoài Phương