Trong thập niên 2000, dưới thời của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva (2003 - 2010), Tập đoàn Dầu khí Petrobras, thuộc quyền quản lý của Chính phủ Brazil, đã bất chấp những quy định để ký kết một loạt hợp đồng với các tập đoàn, công ty xây dựng, trong đó có Odebrecht. Những đơn vị xây dựng này, ở thời điểm đó, gần như liên kết với nhau tạo thành một hệ thống mafia nhằm lũng đoạn thị trường xây dựng cũng như giành hầu hết các hợp đồng dự án của Petrobras. Đổi lại, số tiền "lại quả" cũng rất "khủng", lên tới hàng tỷ USD, dưới chiêu bài tài trợ cho các đảng phái chính trị, chủ yếu là liên minh đảng cầm quyền. Kết quả điều tra cho thấy, theo "luật ngầm", khoảng từ 1 - 5% tổng giá trị gói thầu sẽ phải được "lại quả", tức là khoảng 2 tỷ USD đã được "lại quả".

Theo thông báo của Tòa án Tối cao Liên bang Brazil, ít  nhất 77 cựu quan chức của Odebrecht bị triệu tập để phục vụ cho cuộc điều tra về các hành vi lập quỹ đen, tham nhũng, rửa tiền, gian lận tài chính...

Trong danh sách điều tra của Tòa án Tối cao Liên bang có tới 1/3 quan chức trong Chính phủ hiện nay của Tổng thống Michel Temer, trong đó nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn như Eliseu Padilha - Chánh Văn phòng Nội các, một chức danh được coi như gần tương đương với chức Thủ tướng trong hệ thống chính trị của Brazil, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes hay như Bộ trưởng Nông nghiệp Blairo Maggi (người bị vướng vào vụ bê bối "thịt bẩn" mấy tuần trước đây).

Không riêng Chính phủ, cơ quan hành pháp bị điều tra, mà cơ quan lập pháp của Brazil - Quốc hội cũng không thoát khỏi danh sách điều tra của Tòa án Tối cao Liên bang, khi có tới 29/81 thượng nghị sĩ và 40/513 hạ nghị sĩ bị điều tra. Thậm chí, trong danh sách điều tra còn có những cái tên thuộc hàng "khủng" nhất chính trường, đó là các cựu Tổng thống: Luiz Inacio Lula da Silva (nhiệm kỳ 2003 - 2010), Dilma Rousseff (2011 - 2016), José Sarney (1985 - 1990) và Fernando Henrique Cardoso (1995 - 2002).

Bên cạnh quyết định điều tra hơn 100 quan chức, chính trị gia, Tòa án Tối cao Liên bang cũng khẳng định sẽ sử dụng mọi quy định, pháp luật cần thiết để tiến hành điều tra và sẽ không có "quyền miễn trừ" đối với bất kỳ ai.

Biểu tình phản đối tham nhũng trước trụ sở chính của Petrobras ở TP Rio de Janeiro. Ảnh: AP/SIPA

 

Mặc dù đương kim Tổng thống không có tên trong danh sách điều tra chính thức của Tòa án Tối cao Liên bang (theo Hiến pháp Brazil, Tổng thống đương nhiệm không bị truy tố vì những sai phạm xảy ra trước khi nắm giữ chức vụ), nhưng quyết định của Tòa án đã giáng một đòn chí mạng vào Chính phủ của ông Michel Temer khi mà rất nhiều bộ trưởng bị điều tra, điều sẽ khiến việc điều hành Chính phủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh Brazil đang nỗ lực để vượt qua cuộc khủng hoảng.

Theo David Fleischer - giáo sư khoa học chính trị thuộc Trường Đại học Brasilia, mặc dù không chính thức bị điều tra, nhưng Tổng thống đương nhiệm đang phải chịu sức ép rất lớn trong điều hành. "Hậu quả nhãn tiền là Chính phủ sẽ mất đi sự trợ giúp quan trọng của Quốc hội, bởi ngay trong nội bộ Quốc hội cũng có rất nhiều nghị sĩ bị điều tra tham nhũng thì thử hỏi họ sẽ biểu quyết thế nào để ủng hộ được Chính phủ. Hơn nữa, kỳ bầu cử Quốc hội đang đến rất gần (năm 2018) nên các nghị sĩ chỉ tập trung vào việc vận động tái đắc cử, thời gian đâu để "giúp" Chính phủ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Chính phủ, và chỉ có cải cách nhanh chóng và triệt để mới mong vực dậy được Brazil thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, đặc biệt là thoát hẳn khỏi cái bóng của cuộc bê bối tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay ở Brazil", giáo sư David Fleischer nhấn mạnh.

Điều tra cựu Thị trưởng TP Rio de Janeiro

Chính trường Brazil đang rúng động vì quyết định điều tra tham nhũng của Tòa án Tối cao Liên bang đối với hàng trăm chính trị gia, tiếp tục thêm chao đảo khi cơ quan tư pháp mở cuộc điều tra đối với Eduardo Paes - cựu Thị trưởng TP Rio de Janeiro (nhiệm kỳ 2009 - 2016) vì liên quan đến bê bối tham nhũng trong quá trình chuẩn bị Thế vận hội Olympic 2016.

Cuộc điều tra được mở sau khi Benedito Barbosa da Silva, một cựu quan chức của Tập đoàn Odebrecht tố cáo hành vi tham nhũng, nhận hối lộ của Eduardo Paes.

Theo tố cáo, vào năm 2012, Eduardo Paes đã nhận hối lộ 15 triệu real (khoảng 4,8 triệu USD). Đổi lại, Eduardo Paes đã sử dụng quyền Thị trưởng của mình để giúp cho Odebrecht dễ dàng nhận được nhiều hợp đồng liên quan đến các dự án phục vụ Thế vận hội Olympic Rio 2016.

Trước thông tin bị điều tra tham nhũng, Eduardo Paes phủ nhận mọi lời cáo buộc, thậm chí còn gửi đơn thư đến cơ quan tư pháp Brazil lên án những cáo buộc phi lý cũng như lên án cuộc điều tra tham nhũng, hối lộ và cho rằng cuộc điều tra này là một "âm mưu chính trị".


Nhật Minh