Theo Báo cáo Nhân quyền năm 2018 được trình bày bởi Bộ Ngoại giao; Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao Động Mỹ: “Cảnh sát (Zimbabwe) thường xuyên bắt giữ các tội phạm tham nhũng cấp thấp, trong khi lại bỏ qua các tố cáo liên quan đến những doanh nhân và chính trị gia cấp cao".

Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Zimbabwe nhận định, quốc gia châu Phi này tồn tại cả tham nhũng lớn và tham nhũng nhỏ, được thấy nhiều ở hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn diễn ra hàng ngày của các quan chức công quyền từ cấp thấp đến trung bình và cả sự lạm dụng quyền lực của giới quan chức chính trị cấp cao.

Báo cáo của Mỹ cũng chỉ ra một thực tế rằng, Chính phủ Zimbabwe đã không thực thi các chính sách được đề ra, như yêu cầu các quan chức nhà nước phải kê khai tài sản, thu nhập và báo cáo về các khoản lợi ích có được trong các giao dịch. Đây lẽ ra phải là một phần nằm trong chức trách, nhiệm vụ mà những người này phải thực hiện.

“Vào tháng 2 (năm 2018) Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã yêu cầu khai báo tài sản bắt buộc đối với các quan chức cấp cao, dẫn đến việc bắt giữ các quan chức Chính phủ cấp cao sau đó. Tuy nhiên, hầu hết họ đều là các đối thủ chính trị của ông Mnangagwa, hoặc những người có tư tưởng ủng hộ cựu Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe thế hệ 40 (G-40)”, báo cáo viết.

Cũng theo báo cáo: “Hồi tháng 5, ông Mnangagwa đã thành lập một Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Văn phòng Tổng thống để thực hiện các cuộc điều tra, thông qua Ủy ban Chống tham nhũng được ủy quyền theo Hiến pháp Zimbabwe. Kể từ đó, Chính quyền đã ghi nhận một bản án liên quan đến tham nhũng, trong khi hầu hết những người bị bắt giữ đã được thả ra trong điều kiện được bảo lãnh một cách thoải mái".

Về quỹ chi trả lương, báo cáo cho thấy, mặc dù có kế hoạch loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn, nhưng thực tế họ vẫn còn ở trong Ủy ban Dịch vụ công, với đa số là cán bộ làm việc trong lĩnh vực thanh niên, giới và nhiều bộ, ngành, các cơ quan công quyền khác.

“Theo một cuộc kiểm toán gần đây nhất, các khoản thanh toán tiền lương bất hợp pháp đã được thực hiện cho một số lượng lớn những người đã nghỉ hưu, đã chết hoặc không có mặt ở nơi họ làm việc. Thông tin nhận dạng cá nhân bị trùng lặp trong các hồ sơ cho thấy, một số người đã được nhận nhiều lương", báo cáo trích dẫn.

Năm 2018, Zimbabwe đã giảm 3 bậc, xếp thứ 160/180 quốc gia theo đánh giá Chỉ số Nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Báo cáo còn tiết lộ, việc phân phối lại các trang trại kinh doanh được thu giữ từ người da trắng còn tình trạng thiếu minh bạch: “Các quan chức cấp cao của Đảng Zanu PF đã chọn nhiều trang trại và đăng ký chúng dưới tên của các thành viên trong gia đình mình để trốn tránh chính sách mà Chính phủ đề ra là mỗi quan chức được 1 trang trại... Chính phủ đã thực hiện một cuộc kiểm toán đất đai toàn diện bắt buộc vào tháng 10 để phản ánh chính xác quyền sở hữu đất đai. Chủ sở hữu đất đã kết nối với các quan chức Đảng Zanu PF thường xuyên bán đất cho công dân nhưng từ chối việc chuyển quyền sở hữu chính thức hoặc khai thác sử dụng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng".

Bên cạnh đó, một báo cáo Liêm chính Toàn cầu cũng cho biết, Zimbabwe đã mất khoảng 12 tỷ USD vì tham nhũng liên quan đến buôn lậu và các khoản tài chính bất hợp pháp từ năm 1980 - 2010.

Hoài Phương