Khoảng trống nguy hiểm

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, có thể nói, sự bùng nổ về số lượng, quy mô của hệ thống NH đã thu hút một nguồn lực lớn của cải xã hội, đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực cho ngành này chưa theo kịp nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, nhất là đội ngũ nhân sự cốt cán, dẫn tới chất lượng hoạt động NH không đảm bảo.

Bên cạnh đó, “công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, mà cụ thể là NHNN lơi lỏng, tất yếu dẫn đến sai phạm”, ông Thành đánh giá.

Tình trạng của NH Đại Tín không phải là ngoại lệ.

Khi nắm trong tay tỷ lệ sở hữu lên tới 84,92% vốn điều lệ NH Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã hoàn toàn có thể quyết định các quyết sách của NH. 

Bà Phấn đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên NH này, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt; thực hiện hạch toán khống trên hệ thống SmartBank; giải ngân các khoản vay nhưng không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho khách hàng, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục... 

Từ những hành vi này bà Phấn đã rút ruột NHNN một khoản tiền “khủng” hơn 5.200 tỷ đồng.

Theo PGS.TS. Ngô Hướng, giảng viên Trường Đại học NH, một quy trình hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và NH, từ khi ký hợp đồng đến giải ngân rất chặt chẽ, gồm nhiều khâu: Ký hợp đồng tín dụng, căn cứ vào hợp đồng sẽ ký nhận nợ, giải ngân cho ai… "Phải có ít nhất 2 bộ phận khác nhau của NH tham gia một hợp đồng tín dụng với NH, có kế toán, ngân quỹ… Bên cạnh đó các bước thực hiện có sự giám sát của các bộ phận, như bộ phận kiểm soát nội bộ của NH, bộ phận kiểm soát Hội đồng Quản trị (HĐQT) do Đại hội đồng cổ đông bầu, bộ phận kiểm soát của NHNN. Do đó, dù bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo cán bộ, nhân viên "phù phép" chiếm đoạt tiền của NH hoặc đẩy nợ khống cho khách hàng vay, thì lỗ hổng kiểm soát của NH phải rất lớn bà Phấn mới có thể lợi dụng được ", ông Hướng phân tích.

Với “quyền lực” của mình, bà Phấn còn rút ruột hơn NHNN hơn 1.100 tỷ đồng từ “trò ma” nâng khống căn nhà của mình lên gấp 8 lần rồi bán lại cho NH Đại Tín

Cũng theo PGS.TS. Ngô Hướng: “Nếu mua căn nhà bị nâng khống hơn 1.100 tỷ đồng thì chính HĐQT là những người bị thiệt hại về tài chính nhiều nhất, vì mỗi người nắm giữ gần 5% cổ phần NH và đây là tiền của họ. Nhưng ở đây, số cổ phần này không phải họ bỏ tiền mua mà do bà Phấn chi tiền cho họ đứng tên, nên họ không lo đến thiệt hại, mà chỉ làm theo chỉ đạo của bà Phấn”.

Chính vì vậy, ông Hướng cho rằng, NHNH cần phải xác minh tài sản của người tham gia vào HĐQT xem sở hữu cổ phiếu của họ có đúng không, “phải là tài sản của chính họ, thì họ mới lo lắng và kiểm soát chặt chẽ”, ông Hướng nhấn mạnh và cho biết, ở nước ngoài xác minh bằng cách, họ căn cứ vào việc nộp thuế thu nhập trên khoản tiền đem đi mua cổ phiếu. Ở Việt Nam Nhà nước cũng nên quản lý việc nộp thuế thu nhập, xuất trình biên lai khoản tiền thu nhập mà họ mua cổ phần.

Thúc đẩy tính minh bạch của NH

Câu chuyện bà Hứa Thị Phấn đã dùng thủ đoạn thu, chi khống đẩy dư nợ hơn 5.200 tỷ đồng cho khách hàng, mà bắt đầu từ việc khách hàng ký trước hồ sơ vay, ký trước chứng từ giải ngân và chứng từ rút tiền mặt, là bài học cay đắng cho doanh nghiệp.

Khi phát hiện, tháng 2/2012, doanh nghiệp này đã gửi đơn khắp nơi tố cáo hành vi của bà Phấn, nhưng đến 9/2013, NHNN lại có văn bản chấp thuận chủ trương cho NH Đại Tín được tái cơ cấu. 

Mãi đến tháng 3/2018, Viện KSND Tối cao mới có cáo trạng, truy tố bà Phấn cùng 27 đồng phạm.

Qua vụ việc trên, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, hệ thống phòng ngừa, giám sát từ xa, mà cụ thể là của NHNN cũng gần như tê liệt, nhất là khi sai phạm lại được chỉ đạo bởi chính người đứng đầu. 

Rất nhiều vụ án lớn nhỏ gần như chưa được phát hiện sớm, cũng như kiến nghị xử lý từ cơ quan quản lý này, mà phần lớn là từ cơ quan Công an, khi sai phạm đã khá rõ và để lại những hậu quả rất nặng nề. 

“Tôi cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa tính minh bạch của hệ thống NH, bởi liên quan đến tài sản toàn dân. Lâu nay, nhiều thông tin trong lĩnh vực này bị né tránh vì được cho là “nhạy cảm”, nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống. Song, một số NH dễ vin vào đó để che giấu yếu kém, sai phạm, nên khi bị phát hiện thì hậu quả đã khá  nặng nề, khó khắc phục”, ông Thành đưa ý kiến.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Thành cho rằng: "Phải rà soát lại hoạt động giám sát, từ khuôn khổ pháp lý lẫn thực tiễn áp dụng. Nhưng tôi cho rằng, vượt trên những vấn đề trên, cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người. Khi người quản lý, chịu trách nhiệm đã không đảm bảo năng lực, trách nhiệm, thậm chí cố ý làm sai thì mọi quy định, chuẩn mự... cũng là vô nghĩa. Do vậy, chuẩn mực nhân sự vẫn là yếu tố cốt lõi nhất".

Nghiêm Lan