Sự chao đảo về nhận thức lý luận

Thực cảnh những góc khuất, những khoảng tối như đã phân tích trong các bài trước thể hiện sự non kém trong quản lý, sự phát tác không kiểm soát của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, sự thao túng của nhóm lợi ích khiến những bất công xã hội chưa được hạn chế, dân chủ chưa thực sự theo đúng nghĩa, giả dối lên ngôi, các giá trị truyền thống đang dần bị mờ nhạt... đã và đang tác động mạnh mẽ làm chao đảo về niềm tin của người dân.

Từ thực cảnh đó, một bộ phận người dân cho rằng, nước ta phải thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng... Bộ phận này có khuynh hướng không thừa nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác Lê-nin. Từ đó dẫn đến có không ít người tin theo, nghe theo các luận điệu sai trái, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Thậm chí có nhiều kẻ “trở cờ” phản bội Đảng, phản bội sự lựa chọn của chính mình, tiếp tay, tiếp sức cho các lực lượng “chiến tranh tâm lý” chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân cho rằng, nguyên nhân của thực cảnh xã hội nói trên không nằm ở chỗ độc đảng hay đa đảng, mà chính là bệnh chủ quan, duy ý chí và giáo điều. Đảng đề ra cương lĩnh, đường lối đúng, nhưng lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đôi lúc chưa đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, nặng chủ quan. Thông tin trong bộ máy lãnh đạo, tuyên truyền trong xã hội thường nêu về thuận lợi, thành tích, phản ánh thực tế còn hạn chế.

Không ít cán bộ quan liêu, có dấu hiệu ảo tưởng, nhận xét đánh giá tình hình chưa sát thực tế, say sưa ca ngợi các thành tựu của sự nghiệp đổi mới, chưa thấy hết những khó khăn, trở ngại, nguy cơ khôn lường mà Đảng và nhân dân đang phải đối mặt.

Trong khi đó, cũng còn nhiều cán bộ khác, khi phát ngôn có biểu hiện né tránh, họ hiểu thực tế, nhưng không dám nói đúng thực tế. Mặt khác, dường như các thông tin chỉ trích về ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình trên báo chí đều rất hạn chế, nhiều nơi còn tìm cách bưng bít, nói dối công chúng. Các thông tin phản biện chưa đủ sức thuyết phục, chi phối thay đổi nhận thức, tư duy chủ quan của đội ngũ cán bộ rường cột.

Trong bộ phận lớn này, đa số kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, thừa nhận tính khoa học của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác Lê-nin không sai, nhưng phương thức lãnh đạo của Đảng không rõ ràng, rành mạch, thể chế pháp luật của nhà nước chưa bảo đảm được thực chất dân chủ, chưa đủ sức để kiểm soát quyền lực và chưa thu hút được người có đức, tài trong xã hội vào bộ máy nhà nước để họ phục vụ, cống hiến. Số lượng cán bộ công chức không giảm được, chất lượng ngày càng kém. Suy thoái đạo đức xã hội, đạo đức công vụ, tha hoá quyền lực trong bộ máy chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi.

Cho đến nay, không có nghiên cứu nào trên thế giới có thể phủ định được những nguyên lý, nguyên tắc, quy luật, phạm trù cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lê-nin. Ngay cả các trường phái triết học đối lập với Chủ nghĩa duy vật thì cũng chỉ đưa ra những quan điểm tư tưởng đối lập, xung đột với Chủ nghĩa Mác, nhưng để phủ định Chủ nghĩa Mác, thuyết phục được giới khoa học là điều không thể. Tính khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác Lê-nin sẽ bảo đảm cho học thuyết này đứng vững và trường tồn. Nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần một thế kỷ bây giờ vẫn còn nguyên giá trị : “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin”

Giữa học thuyết và thực tế luôn có một khoảng cách nhất định. Ảnh minh hoạ

Học thuyết và thực tế

Trong đời sống chính trị, tinh thần của cộng đồng xã hội lâu nay có một biểu hiện nhầm lẫn giữa khái niệm về chủ nghĩa (học thuyết) và khái niệm về chế độ xã hội (hoặc là hiện thực học thuyết hoặc là cơ sở thực tiễn của học thuyết).

Chủ nghĩa là hệ thống những quan điểm, ý thức, tư tưởng làm thành cơ sở lí thuyết chi phối, hướng dẫn hoạt động của con người theo định hướng nào đó.

Chế độ xã hội là chỉnh thể chính trị, kinh tế, văn hoá hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định. Chủ nghĩa là một học thuyết, là phần lý thuyết, còn chế độ xã hội cụ thể (mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể ở một nước hoặc một số nước) là phần thực tế sự tồn tại của chính thể.

Bản thân một học thuyết ra đời đúng hay sai là do thực tiễn kiểm nghiệm. Khi tiếp cận, nghiên cứu học thuyết chúng ta chỉ phân tích, bình luận về sự đúng đắn hay sai lầm, khoa học hay phản khoa học, giá trị lý luận và thực tiễn của nó. Chúng ta có thể, nói Chủ nghĩa xã hội ở một nước sụp đổ, nhưng không thể nói Chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Sụp đổ một mô hình cụ thể làm theo học thuyết không có nghĩa là sụp đổ học thuyết.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là một bộ phận hợp thành Chủ nghĩa Mác  Lê-nin. Học thuyết này nó vẫn tồn tại trong các tuyển tập dày cộm nằm trong kho tàng tri thức của nhân loại, có giá trị lớn cho nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn, làm sao nó sụp đổ được.

Thế nhưng, khi nói về chính thể, người ta hay nhầm lẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế chủ nghĩa xã hội một số nước đã sụp đổ, nhưng học thuyết về chủ nghĩa xã hội thì vẫn tồn tại, vẫn sáng ngời tính khoa học, nhân văn và bản chất vị dân.

Đi tìm lời giải cho lòng yêu nước chân chính

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với quyết tâm chống "giặc nội xâm"

Nghiên cứu nguyên nhân sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô cũ, vấn đề không nằm ở nền tảng tư tưởng của chế độ. Vì vậy, nguyên nhân thực cảnh của đất nước hiện thời có nhiều nghịch lý, ngang trái không thuận chiều trên con đường đã chọn, không nên đặt vấn đề sai hay đúng từ nền tảng tư tưởng.

Đảng ta cần nghiêm túc nhìn nhận rõ thực trạng của căn bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều. Đồng thời phải đổi mới để khống chế, cương tỏa, kiểm soát được mặt trái, lề trái, mặt tiêu cực, mặt xấu trong quá trình xây dựng phát triển đất nước. Đảng muốn giữ được vai trò lãnh đạo xã hội, đảng phải được cũng cố xây dựng vững mạnh, đảng phải lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước đúng bản chất nhà nước do dân, của dân và vì dân. Muốn vậy, Đảng phải khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, đồng thời phải đổi mới triệt để phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng thể chế pháp luật phù hợp.

Điều cốt lõi để hoá giải được thực trạng yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội hiện nay, xoá bỏ được lợi ích nhóm, thực thi được dân chủ, thu hút được nhân tài, kiểm soát được quyền lực... chính là thể chế pháp luật và chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng lực lượng lao động trong hệ thống chính trị, trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công. Trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan công quyền, trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, nghề nghiệp đang có vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu thì Đảng phải đột phá từ khâu đổi mới xây dựng thể chế pháp luật.

Khi xây dựng được thể chế pháp luật đạt được yêu cầu sẽ tác động làm trong sạch bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức... được nâng lên. Khi chất lượng cán bộ, công chức được bảo đảm, thì việc hoàn thiện thể chế pháp luật sẽ ngày càng tốt hơn. Quan hệ biện chứng tác động qua lại giữa con người và thể chế pháp luật là chìa khoá để giữ vững ổn định, bảo đảm thắng lợi của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, củng cố xây dựng đất nước phát triển bền vững.Muốn xây dựng thể chế pháp luật đáp ứng được các yêu cầu trong điều kiện hiện nay có một số vấn đề cần phải được làm rõ để định hướng đúng. Thí dụ: Khi nói về quyền lực nhà nước, về bản chất là quyền lực của nhân dân trao cho bộ máy nhà nước. Nhưng trên thực tế, bên trao quyền thì chẳng có quyền gì, một thứ quyền chung chung, trừu tượng.

Khi cơ quan cán bộ nhà nước thực hiện quyền được trao có dấu hiệu vi phạm, người dân chất vấn, phản ánh, tố giác thì việc giải quyết không theo bản chất quyền lực nêu trên, có khi thậm chí kể cả ý kiến của người đại biểu nhân dân vẫn không được tôn trọng. Hoặc khái niệm về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Đây cũng là một nguyên nhân gây những phức tạp, khó khăn  cho công tác quản lý đất đai.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhưng sau khi nhà nước giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân, quyền sở hữu đôi khi bị lu mờ. Hoặc vấn đề xoá bỏ cơ chế xin cho, xoá bỏ nhóm lợi ích, làm sao để hạn chế tối đa tiêu cực. Hoặc những vấn đề về quyền con người, về dân chủ, luật quy định như thế nào cho thực chất, không hình thức, không thể bị biến thái.Hiến pháp nước ta quy định đầy đủ về quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Nhưng thể chể hoá vào các văn bản luật, dưới luật có nhiều nội dung còn bất cập. Luật Bầu cử là một đạo cơ bản nhằm bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước, nhưng quy định hướng dẫn thực hiện Luật và cách thức triển khai quy trình ứng cử, đề cử, bầu cử trên thực tế là rất hình thức, không đảm bảo thực chất.

Hoặc Luật tổ chức Quốc hội, kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khoá XIV đang diễn ra, chuẩn bị thông qua sửa đổi Luật này. Câu chuyện giám sát tối cao, kiểm soát quyền lực thời gian qua nói rất nhiều, nhân dân rất bức xúc về cơ chế xin cho, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “lợi ích nhóm” nhưng bản dự thảo luật tổ chức Quốc hội không có gì mới để giải quyết bức xúc nói trên.

Cơ cấu đại biểu chuyên trách theo Luật tổ chức Quốc hội hiện hành là 35%. So với yêu cầu, tỷ lệ này còn rất thấp. Vậy tại sao không nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 70 - 80%. Nâng lên như vậy, vừa để hạn chế tối đa cán bộ hành pháp, tư pháp làm Đại biểu Quốc hội, vừa để thu hút những người có đức tài trong cộng đồng xã hội, họ là những nhà khoa học, những nhà hoạt động thực tiễn, những người có kiến thức sâu rộng, có trình độ giám sát sự vận hành của bộ máy, theo sát các vụ việc nổi cộm để chất vấn các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Đây là một thể chế rất quan trọng để phát huy dân chủ, kiểm soát quyền lực, thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền nhằm xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ... xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN do dân, của dân và vì dân. Tại sao chúng ta không mạnh dạn đổi mới theo hướng này. Trong khi nhiều quy định của các đạo luật khác vừa chồng chéo, vừa sơ hở, là điều kiện để nhóm lợi ích thao túng.

Mặt khác khâu tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, có rất nhiều nơi không bảo đảm được quyền dân chủ, thậm chí có nhiều nơi vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của người dân. Còn dân chủ hình thức thì diễn ra khá phổ biến. Ngay việc Đại biểu Quốc hội thực hiện việc tiếp xúc cử tri hiện nay đôi khi cũng chỉ tiếp xúc được những người dân được cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở “cử đi”.

Lời giải cho lòng yêu nước chân chính hiện nay là bảo đảm nhiệm vụ chống “giặc nội xâm” thắng lợi triệt để, mà cốt lõi là phải đột phá từ xây dựng thể chế pháp luật và thực hiện thể chế đó. Có những đạo luật phải thay đổi, có những đạo luật phải sửa đổi. Trong bất cứ giai đoạn nào, chúng ta phải triệt để chống bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, chính trị mà trọng tâm là xây dựng thể chế pháp luật. Đây là nguyện vọng của người dân mong đẩy lùi các nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là lòng yêu nước chân chính của đội ngũ cán bộ rường cột của nước nhà.

Theo Nguyễn Hòa Văn/nguoilambao