Trong cuộc sống, nếu không nhận diện và phân biệt được thật, giả, con người không thể cải tạo thiên nhiên, làm chủ xã hội. Trong đó, sự thật và giả dối là những hiện tượng khách quan, phổ biến luôn tác động đến nhận thức, hành vi của con người. Sự thật khách quan do sự vận động của thế giới vật chất mà có, trong đó có những không gian và thời gian có cả hành vi của con người. Còn sự giả dối nó cũng tồn tại khách quan, cũng nằm trong quá trình vận động của thế giới vật chất, nhưng phải có con người và do chính con người tạo ra.

Sự giả dối mà con người có thể nhận thức được là từ ý chí chủ quan của con người. Thường thì con người tạo ra sự giả dối đều có mục đích riêng của nó.

Con người phải nhận biết được sự thật, bảo vệ sự thật, chấp nhận sự thật, đối diện với sự thật, tôn trọng sự thật, ứng xử khoa học với sự thật, lên án, bài trừ sự giả dối thì xã hội loài người mới vận động và phát triển theo quy luật tiến hoá của nhân loại. Ở đâu bảo vệ, nuôi dưỡng sự giả dối, ở đó tư tưởng dễ mất phương hướng, thiếu niềm tin chân lý, tâm lý luôn chìm ngập trong mơ hồ, ảo tưởng, và trong nhiều trường hợp lại làm nghiêm trọng thêm căn bệnh chủ quan, duy ý chí của con người.

Tuy nhiên, sự giả dối cũng có năm bảy đường. Có những giả dối đã thành thói quen, được con người chấp nhận như là lối sống hiển nhiên, thậm chí có những giả dối còn đem đến nguồn vui, khích lệ cuộc sống lạc quan của con người. Có những giả dối chỉ để làm yên, làm đẹp lòng người...

Ngược lại có những giả dối rất nguy hiểm. Có khi sự giả dối xung đột với giá trị thật, không chỉ làm lu mờ sự tốt đẹp, tiến bộ, làm lung lạc niềm tin, đảo chiều, đổi ngôi giá trị trong cuộc sống, mà còn giết chết hoài bão, khát vọng cống hiến cả một thế hệ.

Trong hoạt động của hệ thống chính trị mặt tốt, mặt tích cực, tính trung thực và sự tử tế của con người trong bộ máy đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hiện tượng giả dối đang phát triển gây trở ngại lớn cho xây dựng đảng và bộ máy nhà nước. Bài viết này bàn về sự giả dối đang lên ngôi trong hoạt động của bộ máy công quyền đang làm sai lệch bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ ta; làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị truyền thống; gây trở ngại, khó khăn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của tuổi trẻ, và là bằng chứng để các thế lực thù địch xuyên tạc sự thật, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì thế, giả dối cũng là một trong những yếu tố gây bất ổn tâm trạng xã hội Việt Nam đương thời.

Tuổi thơ đã ở trong môi trường giả dối

Sự thật trong các nhà trường, các em học sinh đều tự nhận biết được khả năng học tập của mình. Và cũng có một sự thật khác mà các em cũng biết được là có rất nhiều trường hợp học cùng lớp, học sinh có học lực vượt trội chưa hẳn đã được đánh giá ghi nhận kết quả học tập như những học sinh thực tế có lực học kém hơn. Việc đánh giá về đạo đức cũng vậy. Có nhiều trường hợp các em chưa ngoan, nhưng thầy cô vẫn chấm điểm hạnh kiểm tốt.

Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân làm cho đánh giá nhận xét việc rèn luyện, học tập của các em học sinh trong các nhà trường thiếu khách quan,trung thực.

Trong đó có hai nguyên nhân chính đó là sự tác động bằng tiền, bằng quyền, bằng tình cảm của phụ huynh đối với thầy cô giáo và căn “bệnh” thành tích quái gở lâu nay đang làm biến chất ngành giáo dục.

Vì thế, cả nước có vô số học sinh học lực yếu kém mà thi vẫn có kết quả giỏi và khá. Vì những học sinh này có đi học, có đi thi, nhưng thực chất hậu thuẫn đằng sau có phụ huynh “đi thi” hộ. Thậm chí có nhiều học sinh bỏ học, học tập gián đoạn vẫn được ghi nhận đánh giá có quá trình học tập tốt và khi ra trường cũng có tấm bằng “ đáng nể “ như nhiều học sinh chăm chỉ.

Cùng với mong muốn sai lầm của phụ huynh, "bệnh" thành tích trong ngành giáo dục trở thành một “phong trào”, một hiện tượng phổ biến đã làm cho sự gian dối trong thi cử ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều trường vì đua nhau chạy theo thành tích nên đã “khoanh vùng “ nội dung ôn tập, ôn gì thì nấy. Vì vậy, bây giờ điểm thi của học sinh phần lớn là giỏi và khá, cao hơn thời kỳ trước rất nhiều.

"Căn bệnh" thành tích chưa thuyên giảm, Ảnh:TL

Sự thật về lực học của học sinh, dù nhà trường dạy tốt đến mấy, thì phần tỷ lệ học sinh giỏi không thể cao hơn học sinh khá và trung bình. Thế nhưng trong mấy thập kỷ qua, trên sổ điểm và văn bằng chứng chỉ của phần lớn các trường, nhất là bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh giỏi lại cao ngất, thường là trên 80% trong tổng số học sinh. Thậm chí có nhiều trường thường xuyên có tỷ lệ học sinh giỏi cao, trên 90%.

Ở đây có một nghịch lý là, đánh giá kết quả học ở nhà trường chỉ nằm trên giấy, còn các em lớn lên có việc làm hay không, trưởng thành như thế nào, cuộc sống có thuận lợi hay không nó lại không phụ thuộc vào tờ giấy ghi nhận về quá trình học tập. Không hiểu vì lý do gì mà người lớn cứ đua nhau bằng mọi cách để rồi nhân cách của con trẻ lại được hình thành trong chi phối của sự giả dối. Rồi từ đó, nguồn nhân lực tương lai của đất nước không còn có được một lực lượng tâm huyết, hy sinh cống hiến vì đồng bào đồng chí, thay vào đó là có một bộ phận thanh niên có lối sống vị kỷ, thấp hèn, cơ hội, thực dụng ... Điều đó có nguyên nhân từ môi trường gian dối của nhà nhà trường, của phụ huynh và thầy cô giáo tạo ra.

Gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình là tiếng chuông báo động với công tác dạy và học hiện nay

Câu chuyện thi cử gian dối không chỉ có ở các nhà trường phổ thông. Các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề, các trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, thậm chí là các lớp học chương trình sau đại học... ở nước ta gian dối trong thi cử đã trở thành vấn nạn phổ biến. Hành vi đối phó với các kỳ thi, kiểm tra như việc sản xuất ra các loại “phỏm “ giờ đây vẫn thịnh hành trong tất cả các loại hình đào tạo. Học thuộc lòng, học vẹt và thi cử như “người máy” đã tạo ra trong xã hội đương thời ở Việt Nam. Chúng ta có một lực lượng lao động, trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức về mặt học vị, học hàm là “hữu danh vô thực “.

Gian dối trong việc học và thi ở nước ta đã tạo ra một lớp cán bộ công chức, viên chức có nhiều bằng, nhưng không biết làm việc hoặc làm việc kém hiệu quả. Mặc dù thực chất không ít cán bộ, công chức không đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực nghiệp vụ để đáp ứng nhiệm vụ được giao, nhưng họ lại có vị trí và có quyền thực thi công vụ. Vì thế, nhiều trường hợp cụ thể khi thực hiện chức trách họ đã góp phần làm sai lệch chủ trương, chính sách, làm mất niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Giả dối có nơi làm "khuynh đảo" chính sách

Trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, khi giao tiếp trao đổi thông tin với cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng... phát ngôn phổ biến của cán bộ, công chức, viên chức là nói ra những gì có lợi cho cơ quan, đơn vị, cá nhân, người thân của mình.

Có những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quyết định, ý kiến chỉ đạo... nếu có lợi thì khai thác triệt để, ngược lại thì lờ đi các quy định, thậm chí lờ đi cả các điều nằm trong các văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hoặc có những văn bản được cơ quan có thẩm quyền ban hành ra, nếu có lợi thì triển khai thực hiện đến nơi đến chốn, còn ngược lại thì coi như văn bản đó không tồn tại.

Tóm lại là ý chí chủ quan của một tập thể, một nhóm người, thậm chí là một cá nhân có thể có lúc, có nơi còn làm khuynh đảo chủ trương, chính sách. Đôi khi sức nặng của người đứng đầu có quyền lực lớn còn làm thui chột cả tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đầu năm 2019, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ. Cụ thể, khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm. Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt...Nguồn: HàNộiMới

Riêng lĩnh vực đấu thầu thì phổ biến là gian dối. Triển khai các quy định, quy trình đều đúng quy định của luật. Nhưng trên thực tế, lựa chọn nhà thầu lại do ý chí chủ quan bởi sự chi phối của tiền, quyền và tình cảm. Sự dàn xếp quân xanh quân đỏ, lập hồ sơ, đóng thầu, mở thầu, chấm thầu có vẻ như là minh bạch, nhưng thực chất việc lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn, thi công...thường là đã được định đoạt từ trước.

Có nhiều doanh nghiệp bỏ tiền ra để lập dự án, có trường hợp là sân sau của những quan chức có quyền lực cao, đương nhiên họ là bên B, không ai có thể tranh giành, thay thế họ được. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều dự án, thi công chậm tiến độ, chất lượng công trình, sản phẩm không bảo đảm, thậm chí có những dự án không hoàn thành, đổ bể, vị phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong lập kế hoạch, xin cấp, giải ngân, chi tiêu, thanh quyết toán ngân sách thì ở nước ta luật, hướng dẫn thi hành luật quy định đầy đủ, chi tiết nhưng lại để thất thoát ngân sách quá lớn. Ngay khi lập kế hoạch xin cấp ngân sách hàng năm hoặc xin cấp ngân sách cho một nhiệm vụ cụ thể, thường chủ thể xin cấp thuyết minh rất hợp lý về nhu cầu chi. Trong đó, cơ quan, đơn vị nào thuyết minh nghe phù hợp và giỏi “chạy" thì việc xin ngân sách rất thuận lợi.

Vì thế mà tình trạng có nơi, có việc cần tiền thì không được cấp, có nơi, có việc cần ít thì được cấp nhiều, có nơi, có việc cần nhiều thì được cấp ít. Nhiều nơi nghĩ ra cách để giải ngân cho hết kinh phí được cấp. Cuối năm còn nhiều kinh phí không biết tiêu vào đâu, thế là các kế hoạch, hợp đồng kinh tế, hoá đơn, chứng từ ... được dựng khống để giải ngân.

Ngoài việc lập thủ tục, hồ sơ khống hoàn toàn để giải ngân, thì việc gian dối còn thể hiện, như nhu cầu chi ít, thanh toán lên nhiều, giá thị trường thấp, thanh toán lên cao, chi thật thì không có hoá đơn, không chi lại có hoá đơn... đây là những hành vi tham nhũng phổ biến trong sử dụng ngân sách.

Cho đến nay, mặc dù phong trào chống tham nhũng đang lên, nhưng thực tế gian dối nói trên vẫn còn phổ biến, chỉ mới hạn chế được một phần. Nơi nào, việc gì gian dối được, nguy cơ bị phát hiện thấp thì vẫn cứ gian dối để tư túi, còn nơi nào, việc gì có nguy cơ bị phát hiện cao thì không được tích cực giải ngân, nhiệm vụ bị đình trệ. Có nhiều cơ quan, nhiều cán bộ, công chức trước đây hăng hái, tích cực, nay không làm việc, hoặc làm việc thiếu nhiệt tình, trách nhiệm cũng do không kiếm được nhiều tiền bỏ túi như trước.

Được biết, 9 tháng đầu năm 2019 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân chậm cũng là nguyên nhân đình trệ sản xuất kinh doanh, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp.

Có nhiều người nhận định rằng, do cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang nóng, việc bòn rút, đục khoét ngân sách của nhóm lợi ích, của các đường dây lập, thẩm định, phê duyệt, giải ngân các dự án đầu tư công không thuận lợi như trước đây, hành vi lập khống hoá đơn, chứng từ không còn “an toàn” như trước nên tỷ lệ giải ngân thấp là điều dễ hiểu. Đây là điều vừa mừng vừa lo. Mừng là đã có chuyển biến tích cực trong quản lý tài sản công, lo là vì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội sẽ chững lại do chậm tiến độ giải ngân.

Ai tốt thực với ai, hay chỉ bằng mặt không bằng lòng? Ảnh minh họa

Giả dối trong quan hệ ứng xử

Giả dối của công chức, viên chức không chỉ nằm trong hoạt động thực hiện chức trách nhiệm vụ, trong quản lý sử dụng tài sản công, mà trong quan hệ ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp giờ đây lời nói thật ngày càng ít, lời nói dối đang lên ngôi.

Trong các hội nghị, hội thảo, sự khen chê, phân tích, bình luận, nhận định vấn đề, nhân vật, sự kiện không còn như trước.

Lời khen không đúng đôi khi vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Còn nếu có chê thì cũng nói đến cho ra vẻ khách quan nhưng nói ở chừng mực vừa phải. Lượng thông tin và thái độ biểu cảm không đủ để nhận rõ sự thật, thực chất những yếu kém, hạn chế. Động cơ những phát ngôn trong các hội nghị, hội thảo thường nghĩ đến chuyện lấy lòng nhiều hơn là đi tìm chân lý, tìm tiếng nói chung.

Hệ quả là tiêu tốn một lượng tiền lớn, nhưng mục đích đặt ra không đạt được, tình trạng “ăn theo, nói leo” dường như đang là vấn nạn hiện hữu trong các nghị trường lớn, nhỏ. Phát ngôn ra chủ yếu để thuận tai người nghe, người chủ trì, chứ không phải là sự phản biện nhằm mục đích tìm ra những định hướng, những giải pháp, biện pháp đúng đắn.

Còn trong quan hệ làm việc hằng ngày, cũng như trong giao tiếp giữa cán bộ, công chức với nhau, lời nói thật phần nhiều ở trong các quan hệ cá nhân thân tình, hoặc trong lúc tụm năm, tụm ba, “xì xào” về chuyện cơ quan đơn vị. Giờ đây có những cán bộ lởm khởm, thậm chí rất đểu cáng, nhưng những phẩm chất “tốt” “ảo” của ông ta vẫn được tâng bốc lên mây, còn sự thật về ông ta thì chỉ được nói ra ở quán trà, quán nhậu, trong không gian mạng khi kết nối giữa hai người...

Trong bước đường tiến thân của quan chức hiện nay, nhiều người nghĩ rằng, nói một đường, làm một nẻo, hoặc nghĩ khác, nói khác, làm khác sẽ thành công hơn nói thẳng, nói thật, làm thật.

Do sự giả dối lên ngôi mà giờ đây trong các hội nghị chi bộ, cấp ủy sự thẳng thắn, chân tình không còn được như trước. Người có tâm huyết, có trách nhiệm thì ngại phát biểu, còn kẻ cơ hội thì phát hay không đều nằm trong sự tính toán, mưu cầu lợi ích cá nhân.

Sự giả dối trong quan hệ ứng xử đã làm thui chột các giá trị tốt đẹp, cái đáng tôn vinh, điều đáng tôn vinh, người đáng tôn vinh có khi không được xã hội thừa nhận, còn kẻ đáng chê trách, phỉ báng có khi không dám chỉ trích, thậm chí có trường hợp còn được tô điểm như là những người có hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung.

Cũng là lãnh tụ, cũng là chính khách, nhưng khi đương chức, đương quyền, có vị thì được người dân ngưỡng mộ, ngợi ca, nhưng có vị, mặc dù giữ chức vụ to, nhưng tín nhiệm lại rất nhỏ, thậm chí cá biệt có vị hình ảnh của họ trong lòng dân là “hoà đại nhân” tham lam, hại nước, hại dân. Thế nhưng khi về cõi vĩnh hằng, nội dung bài điếu văn tại lễ truy điệu của người được dân ngưỡng mộ và người mất uy tín trong dân đều không khác nhau là mấy. Đúng là đến khi chết, lời nói dối vẫn còn được sử dụng để “thuận” lòng người.

Theo Nguyễn Hòa Văn/nguoilambao