Trong quá khứ, chiến tranh xâm lược và giặc ngoại xâm đều bị đánh bại hoàn toàn, kết thúc vĩnh viễn.

Nhưng hôm nay và trong mai sau, cuộc chiến chống tham nhũng, giặc nội xâm sẽ rất cam go lâu dài, không dễ dàng triệt tiêu và dứt điểm hẳn.

Sự thật này, đã được Tổ chức Minh bạch Quốc tế tổng kết, cho biết: Ngay như ở New Zealand, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Singapore… được vinh danh là những quốc gia sạch, chính quyền trong sạch nhất, vẫn còn tham nhũng, dù là ít nhất, ở mức thấp nhất, tham nhũng không đáng kể.

Kinh nghiệm của những nước này giúp chúng ta nhận rõ muốn phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả như ý Đảng, lòng dân mong muốn, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp về tuyên truyền, giáo dục, về quản lý, về thượng tôn pháp luật, nhất là phải có cơ chế, chính sách thật sát hợp, mới đạt được cái đích: Không thể, không dám, không cần tham nhũng.

Nhưng vấn đề đặt ra là: Tại sao trong cùng một hoàn cảnh, điều kiện chung về kinh tế, xã hội, về luật định và về cơ chế, chính sách… nhưng có người tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ, hoặc không tham nhũng? Vậy nguyên nhân chính do đâu? tập trung giải quyết chủ yếu vấn đề gì?

Như chúng ta đã biết, tham nhũng là một hình thức bóc lột dã man do lòng tham vô đáy của con người, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Còn chủ nghĩa cá nhân là còn tham nhũng. Do vậy, chính con người là nhân tố chủ yếu của tham nhũng. Và phòng, chống tham nhũng, trước hết và quan trọng nhất là tập trung bài trừ chủ nghĩa cá nhân, vì nó là nguồn gốc của những thói hư, tật xấu và vô vàn tội ác.

Liều lượng tham những nhiều, ít; mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa nặng, nhẹ, tùy thuộc vào trình độ giác ngộ cao thấp, nông sâu của con người về chính trị, đạo đức cách mạng và về thấm nhuần văn hóa Đảng, văn hóa dân tộc.

Chính vì thế, trong khi thường xuyên đề cập, căn dặn nhiều vấn đề về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm, Bác Hồ đã dồn tâm huyết viết tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, coi đây là một trong những vấn đề sinh tử của người cách mạng và sinh mệnh của Đảng.

3 bài thuốc chữa trị tham nhũng hiệu nghiệm của Bác Hồ không có gì xa lạ. Nó chính là 3 bài học kinh điển, trường tồn của minh triết Hồ Chí Minh, hướng con người sống chân, thiện, mỹ, không rơi vào vòng lao lý của chủ nghĩa cá nhân và tham nhũng.

1. Dĩ công vi thượng:

Nói đến Bác Hồ, chúng ta không ai không kính yêu và biết rất rõ Bác sống chỉ vì Đất nước, Nhân dân. Bác không có một tài sản riêng lớn nào khác ngoài tài sản lớn nhất là Đất nước, Nhân dân.

Suốt 30 năm ròng (1911 - 1940), Bác bôn ba qua 4 châu lục không mưu sinh hạnh phúc cho mình, chỉ cốt tìm đường cứu nước, cứu dân; vào sinh ra tử với xiết bao gian lao, khổ hạnh.

24 năm làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước (1945 - 1969), ở cương vị cao sang nhất, chưa từng thấy Bác đòi hỏi bất cứ một đặc ân, đặc lợi, đặc quyền nào cho cá nhân, dòng họ. Bác chỉ nguyện làm người công bộc, người đầy tớ thật trung thành, tận tụy phục vụ quyền lợi của dân, của nước. 

Bác đã làm như Bác đã nói: Chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân… không dính gì tới vòng danh lợi.

Đến khi về cõi vĩnh hằng, trong những lời Di chúc cuối cùng, một lần nữa, Bác chỉ tiếc là không được phục vụ nhân dân, Đất nước nhiều hơn nữa. Bác còn căn dặn sau khi Bác qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân.

Bác ngày đêm dốc lòng lo cho dân, cho nước. Bởi lẽ với Bác: Dân là gốc của nước. Dân là chủ thể làm nên lịch sử, là sức mạnh vô địch của Đảng, là bà đỡ của cách mạng. Nhất quyết phải đặt quyền lợi của dân, của nước, của tập thể lên trên quyền lợi của cá nhân. Đặc biệt, phải hết lòng yêu thương, kính trọng, nhất là tin tưởng vô bờ tài trí sáng tạo của dân, dựa hẳn vào dân như Bác đã dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Dĩ công vi thượng là triết lý xã hội - nhân văn cao đẹp, là bài học tư tưởng - đạo đức quý báu vô giá của Hồ Chí Minh đối với người cách mạng và là chân lý sáng ngời cho muôn đời. Bác luôn thường trực tu dưỡng và nhắc nhở đảng viên, cán bộ, nhất là các lãnh tụ phải sống như người xưa đã răn dạy: “Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (tạm dịch ý: Phải lo trước điều thiên hạ lo, vui sau điều thiên hạ vui).

Mọi người vì mình, thì mình phải biết sống vì mọi người. Nếu ai cũng biết sống mang lại hạnh phúc cho nhiều người, cho cộng đồng xã hội, không đam mê tự tư tự lợi cho cá nhân, thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao! Bài thuốc quý dĩ công vi thượng là một bài học quan trọng hàng đầu giúp bài trừ chủ nghĩa cá nhân. Chính vì một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và do Trung ương quản lý đã học tập hời hợt tư tưởng của Bác, học tập mang tính hình thức, vướng vào tham nhũng, làm cho nền kinh tế - xã hội chậm phát triển và nhân dân mất lòng tin vào Đảng.

Thấm nhuần sâu sắc bài học dĩ công vi thượng và biến thành hành động mạnh mẽ, nhất định sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi từng bước, tiến tới hạn chế xuống mức thấp nhất tệ nạn tham nhũng như mong muốn.

2. Sống thanh bạch, giản dị:

Sống thanh bạch, giản dị là lối sống cao thượng, văn minh, ưa chuộng của các bậc hiền nhân, quân tử. Họ cho việc dốc lòng phục vụ hạnh phúc cộng đồng xã hội mới là giá trị đích thực, là mục đích của cuộc sống. Còn đời sống vật chất và hưởng thụ vật chất chỉ là phương tiện để phục vụ cho mục đích. Vì vậy, họ chọn lối sống hưởng thụ vật chất vừa đủ cho những nhu cầu thiết yếu. Họ không bận tâm lo toan cuộc sống cao sang quá mức và coi việc chỉ lo làm giàu cho cá nhân là điều đáng xấu hổ của kẻ trượng phu. 

Sống thanh bạch, giản dị đồng nghĩa với việc luôn phấn đấu vươn mình lên tầm cao của trí tuệ, tầm cao của lý tưởng cách mạng tốt đẹp. Còn về đời sống vật chất, phải luôn nhìn xuống cuộc sống của quảng đại quần chúng, nhân dân để sống cho phải đạo làm người.

Lối sống thanh bạch, giản dị của Bác Hồ đã trở thành một biểu tượng cao đẹp huyền thoại của nhân loại thời hiện đại. Đây là bài học quý hiếm thứ hai giúp con người không sa chân vào vũng bùn lầy của chủ nghĩa cá nhân, không vướng vào tội ác tham nhũng.

3. Tự giác nêu gương:

Là một lãnh tụ lão luyện, từng trải, Bác thấy trước rất sớm, rất xa một khi Đảng giành được chính quyền và bắt tay trực tiếp điều hành chính quyền là có điều kiện chủ quan, khách quan xuất hiện nguy cơ tha hóa. Đảng viên, cán bộ nào đam mê vun quén cho mình có cuộc sống vật chất giàu sang tột bậc, cách biệt quá xa  đời sống của thường dân, sớm muộn cũng thoái hóa. Bác chỉ rõ: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Nói một đường làm một nẽo là đạo đức giả”. “Lời nói phải đi đôi với việc làm, coi trọng việc làm hơn lời nói”. “Chức tước càng lớn thì phẩm chất đạo đức phải càng cao”…

Bác nói sao là làm vậy. Chúng ta, ai mà không biết Bác là một tấm gương tiêu biểu rực rỡ nhất của đạo lý cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư.

Nhiều câu chuyện hàng ngày đã lan tỏa trong đời sống văn học - nghệ thuật, cho thấy Bác Hồ luôn tự giác nêu gương bằng hành động cụ thể. Mùa Đông, Bác vẫn mặc cái áo ấm cũ có khâu vá vai. Anh chị em phục vụ đề nghị thay áo mới cho Bác. Bác vui vẻ cười bảo: Làm Chủ tịch mà mặc áo khâu vá vai là cái phúc lớn đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi.

Văn phòng định thay chiếc ô tô mới, sang trọng cho Bác. Bác hỏi tình hình chiếc xe Bác đang dùng, người phụ trách kỹ thuật chuyên lo việc đi lại của Bác trả lời các bộ phận của xe còn rất tốt, xe còn bền lắm. Bác bảo: Vậy thì thay xe mới để làm gì? Bác từ chối ý định của Văn phòng, vẫn dùng chiếc xe cũ cho đến cuối đời.

Một lần đi làm việc. Có tín hiệu đèn đỏ. Anh lái xe ô tô định tranh thủ vượt nhanh. Bác ngăn lại. Nhường đường cho người đi bộ qua hết và có tín hiệu đèn xanh, Bác mới cho xe chạy. Bác thường bảo Bác làm Chủ tịch nước nhưng Bác cũng là một công dân như mọi người dân khác, phải chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật.

Không ít lần đi thăm, làm việc với các địa phương, Bác không cho báo trước và mang theo cơm ăn trưa. Bác thăm nhà dân trước, tìm hiểu đời sống của bà con rồi mới làm việc với lãnh đạo địa phương. Bác làm vậy là để tránh tổ chức tiếp đón rầm rộ, hoang phí. Thậm chí, Bác biết có địa phương, có các “quan chức” còn lợi dụng việc “thượng khách” của Trung ương về thăm, làm việc, đã tổ chức liên hoan, chè chén linh đình, khiến nhân dân rất chê trách.

“Nhà 67”, nơi Bác trút hơi thở cuối cùng, mang tên “67” vì được xây dựng trong năm 1967. Ngày ấy, Bác hỏi: Xây ngôi nhà để làm gì? Người phụ trách đành thưa thực với Bác: Bộ Chính trị thấy sức khỏe Bác có phần yếu đi. Không nên để Bác lên xuống cầu thang nhiều. Xây ngôi nhà để khi cần, mời Bác xuống ở tạm và làm việc, tiện cho các bác sỹ ở nhà sát bên cạnh chăm sóc sức khỏe Bác. Nghe thấy phải, Bác dặn: Đã có nhà sàn rồi, thì xây nho nhỏ thôi. Đừng làm gì to tát lãng phí tiền bạc của dân.

Nhà 67 là ngôi nhà cấp 4, rộng khoảng 20m2. Bàn thờ Bác giản dị, bình dân như bàn thờ của đông đảo bà con ta, không bày biện gì to lớn, sang trọng khác thường.

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII, cuộc đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả nổi bật bước đầu rất quan trọng. Nó mở ra một cục diện mới, một thời cơ mới; làm nên một chuyển biến mới, một sức bật mới, đòi hỏi phải chống tham nhũng, tiêu cực liên tục mạnh mẽ hơn nữa.

Giai đoạn mới này hơn bao giờ hết, toàn thể đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và do Trung ương quản lý cần thấm nhuần sâu sắc 3 bài học kinh điển của minh triết Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng - sống thanh bạch giản dị  - Tự giác nêu gương. Biến chân lý vĩnh cửu này thành hành động thiết thực, coi trọng việc làm hơn lời nói, nhất định sẽ bài trừ được tham nhũng, mang lại lòng tin yêu, sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đối với Đảng. Gột rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, góp phần tích cực xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh làm tròn sứ mệnh với dân tộc là trách nhiệm, nghĩa vụ và là mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của chúng ta. Có thường xuyên quan tâm gột rửa sạch chủ nghĩa cá nhân như rửa sạch mặt hàng ngày, mới có cơ may phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công như mong muốn.                             


Hơn 70 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lýđã bị kỷ luật

Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật. “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, chiều 12/10.

Tại hội nghị này, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 4 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Trung ương cũng xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Tổng Bí thư, như vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.

Trong đó có, 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức Đảng (Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc).

“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Hương Giang

                                              

 Đại tá Hồ Ngọc Sơn