Nhà nước, doanh nghiệp đều thiệt hại


Vài năm trước, giữa Công ty Smartdoor và Austdoor có nhiều tranh chấp về bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp của thanh kim loại định hình. Đỉnh điểm, tháng 4/2010, Công ty Smartdoor liên tục gửi văn bản khiếu nại Cục SHTT (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp bằng độc quyền cho Austdoor đối với chính kiểu mẫu đã cấp cho Smartdoor trước đó. Tuy nhiên, phải hơn 2 năm sau, ngày 23/10/2012, Cục này mới có Quyết định số 2679/QĐ-SHTT hủy bỏ một phần hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp mà Cục này đã cấp cho Công ty Austdoor.

 


Việc làm này của Cục SHTT đã khiến ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng ông Hoàng Văn Tân, ông Lê Ngọc Lâm đã vi phạm pháp luật. Cụ thể, ngày 19/2/2009, Công ty cổ phần Tập đoàn Austdoor đã nộp đơn số 3-2009-00148 kiểu dáng “Thanh kim loại định hình” gồm 2 phương án, đơn đã được chấp nhận hợp lệ và công bố. Ngày 2/2/2010, Công ty có đơn đề nghị ghép các đơn nộp sau là 3-2009-00272, 3-2009-00609, 3-2009-00828 và bổ sung 4 phương án mới thành 10 phương án. Đề nghị này đã được ông Lâm, Trưởng phòng Kiểu dáng công nghiệp chấp nhận, hành vi này trái với quy định tại các điểm 46.5 và điểm 48.5 Quy chế thẩm định đơn kiểu dáng công nghiệp. Việc “ghép”, bổ sung phương án cũng không được Phòng Kiểu dáng công nghiệp cho công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Đây là hành vi trái với quy định tại điểm 17.1.g Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, ngoài ra đơn này đã được xử lý rất vội vàng, đơn tố cáo nhấn mạnh.


Tiếp đó, ngày 18/3/2010, Cục SHTT ra Thông báo số 10460/SHTT-KDCN dự định cấp văn bằng bảo hộ và đề nghị nộp lệ phí; ngày 22/3/2010, Cục SHTT đã ra quyết định cấp Bằng độc quyền số 14163. Như vậy, việc xử lý đơn là trình tự rất đơn giản, được quy định rất rõ ràng, nhưng ông Tân, ông Lâm đã thực hiện ngược lại. Mặc dù ai cũng biết, ông Tân, ông Lâm được giao trách nhiệm xử lý đơn kiểu dáng công nghiệp, rất am hiểu các quy định của pháp luật và được coi là một trong những cán bộ giỏi về chuyên môn của Cục. Vì thế, việc làm sai quy định chỉ có thể được hiểu là cố ý làm trái, đơn tố cáo của ông Bình khẳng định. Đơn tố cáo cũng chỉ rõ, mức độ nghiêm trọng của vấn đề (như thất thoát lệ phí của nhà nước do các phương án ghép vào không hề được thu lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, uy tín của Cục SHTT…) còn chưa được ông Bình tính toán vào.


Lãnh đạo Cục “lừa dối” dư luận?!


Theo ông Bình, hành vi trên của ông Tân, ông Lâm còn thể hiện sự bao che, lừa dối dư luận. Cụ thể, ngay sau khi cấp Bằng độc quyền 14163 cho Austdoor, việc thực thi quyền đã gây dư luận trái chiều (nhiều báo đã đăng bài phản ánh sự việc này), thay vì nhìn nhận sửa chữa các lỗi lầm nêu trên, hai ông Tân và Lâm lại có những tuyên bố  đánh lừa dư luận, khỏa lấp khuyết điểm trên báo chí. Cụ thể, khi được một tờ báo phỏng vấn về việc cấp Bằng độc quyền cho Austdoor, ông Tân cho rằng: “Ngày 19/2/2009, Công ty Austdoor gửi đơn xin được cấp văn bằng bảo hộ. Thông thường, chỉ 7, 8 tháng sau, Cục phải có kết luận. Nhưng vì là loại sản phẩm đã từng có tranh chấp trước đó nên chúng tôi đã xem xét rất kỹ, và mất đúng hơn 01 năm thẩm định, thấy đủ tiêu chuẩn, tới 22/3/2010, Cục mới cấp Văn bằng 14163 cho Austdoor". Còn ông Lâm - người trực tiếp thẩm định hồ sơ cấp Văn bằng bảo hộ 14163 cho Austdoor lại khẳng định: “Mọi thủ tục để cấp Văn bằng 14163 đều được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật”.


Theo ông Bình, những phát biểu nêu trên cho thấy ông Tân, ông Lâm đã coi thường pháp luật và dối trá, việc làm trái pháp luật bỏ qua trình tự thì được các ông trên trình bày là “đã xem xét rất kỹ” và “theo đúng trình tự pháp luật”. Đặc biệt là nếu tính từ ngày đề nghị bổ sung 4 phương án mới (2/2/2010) đến ngày Cục SHTT ra Thông báo số 10460/SHTT-KDCN dự định cấp văn bằng bảo hộ và đề nghị nộp lệ phí thì thời gian trên chỉ mới gần 2 tháng (không phải hơn 1 năm như ý kiến của ông Tân). Đơn tố cáo nhấn mạnh, vào lúc cấp Bằng 14163 thì tranh chấp giữa các doanh nghiệp về kiểu dáng cửa cuốn rất căng thẳng, các văn bằng kiểu dáng được các cơ quan chức năng sử dụng để xử lý các doanh nghiệp vi phạm với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Điều đó đòi hỏi việc xét cấp văn bằng phải rất thận trọng và theo đúng quy định, nhưng điều đó không được thực hiện với Bằng 14163. Ông Bình khẳng định, việc Cục SHTT vội vàng cấp văn bằng này không khác gì đổ dầu vào lửa và không thể không có nghi vấn về một quan hệ mờ ám sau đó.


Do sự thiếu trung thực và chây ỳ trong việc nhìn nhận sai sót của hai ông trên   nên phải đến hơn 2 năm sau, tức cuối năm 2012, Cục SHTT mới có thể hủy bỏ được một phần hiệu lực của văn bằng này (dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ).


Ngày 18/7/2014, Bộ này đã có Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2563/TB-BKHCN do ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra ký. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình thì lẽ ra “thay vì tham mưu cho Bộ trưởng giải quyết vấn đề minh bạch để giúp Cục SHTT rút kinh nghiệm trong thi hành công vụ thì Thanh tra Bộ đã yêu cầu Cục phải sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, sửa đổi Quy chế thẩm định đơn KDCN để phù hợp với thực tiễn. Việc này chẳng khác gì hợp thức hóa các hành vi sai trái mà ông Hoàng Văn Tân và ông Lê Ngọc Lâm gây ra”, ông Bình chua chát nói. 


Vì lẽ đó, ông Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét mức độ sai phạm và xử lý kỷ luật đối với các ông Hoàng Văn Tân và Lê Ngọc Lâm về các sai phạm trong việc cấp Bằng số 14163 và công khai mức kỷ luật cho toàn thể cán bộ, viên chức của Cục SHTT biết và rút kinh nghiệm. Việc xử lý kỷ luật đối với các sai phạm nêu trên chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực đối với hoạt động của Cục SHTT, ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.


Congly.vn