Pháp luật đã quy định quyền lợi của người dân rõ ràng, chi tiết

Trở lại nội dung vụ việc, ngày 21/9/2006, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4168/QĐ-UB về việc thu hồi 161.892m2 đất tại xã Tây Tựu và xã Minh Khai (huyện Từ Liêm cũ, nay là quận Bắc Từ Liêm) để tạo quỹ đất xây dựng Đề pô xe điện thuộc D.A Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội).

Đã có hàng trăm hộ gia đình tại huyện Từ Liêm cũ đã bị thu hồi đất nông nghiệp để phục cho D.A này vào thời điểm năm 2007 và đặc biệt là trong thời điểm Nghị định (NĐ) 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định tại Điều 4, NĐ 17/2006/NĐ-CP (NĐ 17) ngày 27/1/2006 và Điều 8, NĐ 84, “các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bồi thường đất ở hoặc nhà tái định cư”.

Trong danh sách mà ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu ký ngày 27/9/2014, có 120 hộ dân bị thu hồi đất thì có tới hơn 80 hộ gia đình có tỷ lệ đất nông nghiệp bị thu hồi lớn hơn 30%.

Hàng trăm hộ gia đình đã hy vọng…

Ngày 16/9/2011, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 7911/UBND-KHĐT chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư của D.A xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại vị trí DD1, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (cũ) với diện tích là 1,65 ha và tổng vốn (dự kiến) là hơn 52 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP cấp để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất tại các xã Tây Tựu và Minh Khai (cũ nay là phường).

Thực hiện chủ trương của TP, ngày 31/10/2012, UBND huyện Từ Liêm đã có Quyết định số 8231/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho D.A xây dựng khu tái định cư này với diện tích đất thu hồi đã tăng lên 17.947,3m2. Kế hoạch thực hiện từ quý IV/2012 - quý II/2013.

Kế hoạch là như vậy, nhưng ông Nguyễn Khắc Kiên cho biết, với tư cách là Đại biểu HĐND của phường Tây Tựu, nhưng ông và những hộ dân bị thu hồi đất không hề hay biết vì không được cơ quan nào thông báo, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có người dân nào nhận được đất dịch vụ hay bằng tiền như quy định.

 

Khu đất DD1 (trong ô màu đỏ), phường Xuân Phương trước đây được quyết định để trả đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp tại D.A Ga Đề pô Nhổn. Ảnh: ND
 

… Để rồi thất vọng tràn trề

Theo báo cáo của liên ngành tại Văn bản số 180/BLN-BCĐ ngày 20/4/2018, TP Hà Nội chưa công nhận quyền lợi phải trao trả cho người dân.

Nội dung báo cáo cho hay: Ngày 25/5/2007, Chính phủ ban hành NĐ 84 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 thì từ thời điểm này đến trước ngày 1/1/2008, TP Hà Nội khi thực hiện chính sách bồi thường, GPMB để thu hồi đất đã thực hiện theo Quyết định số 26 ngày 15/2/2005 của UBND TP Hà Nội và NĐ số 197/2004/NĐ - CP của Chính phủ.

Đến ngày 30/11/2007, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 137 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2008.

Vẫn theo Văn bản số 180 của Llên ngành nhận xét: "Trong khoảng thời gian từ sau khi NĐ 84 có hiệu lực (từ 1/7/2007) đến ngày 1/1/2008, UBND TP Hà Nội không quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở và chính sách này vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 26/2005/QĐ - UBND tại tất cả các dự án thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội".

Theo lý giải của liên ngành là NĐ đã ban hành rồi, nhưng vẫn phải thực hiện theo quyết định của thành phố!

Xin được nhấn mạnh rằng: Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức giao đất dịch vụ, giao đất ở (hoặc bằng tiền) đối với các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trên 30% đất nông nghiệp được giao đã được Chính phủ quy định tại NĐ 17 ngày 27/1/2006 nên lý giải của Liên ngành là không đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tư pháp chỉ rõ việc thực thi pháp luật của Hà Nội là không đúng

Trước việc áp dụng quy định pháp luật có phần tùy tiện của TP Hà Nội, người dân đã có đơn gửi Bộ Tư pháp. 

Ngày 23/4/2014, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục Kiểm tra VBQPPL), Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 84/Ktr-VB, kết luận: "Để có thêm cơ sở, Cục đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan liên quan như: Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Sở TN&MT Hà Nội; Sở Tư pháp TP Hà Nội. Bước đầu nhận thấy rằng, ý kiến phản ánh nêu trên của công dân đối với Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 về việc ban hành quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội đã chậm trong khi NĐ số 17/2006 đã có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm là có cơ sở".

Để trả lời Bộ Tư pháp theo quy định, ngày 27/7/2014, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản 5611 gửi Cục Kiểm tra VBQPPL cho hay: Ngày 30/11/2007, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ - UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2008, trong đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được quy định: Hỗ trợ bằng tiền theo diện tích đất thu hồi, trường hợp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao việc thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 4, NĐ 17 và Điều 48, NĐ 84 sẽ theo hướng dẫn của các Bộ liên quan. "Như vậy, Quyết định số 137 được ban hành là để thực hiện NĐ 84 và tiếp tục thực hiện một số nội dung của Quyết định số 26/2005/QĐ - UBND và NĐ 17" - Văn bản 5611 khẳng định.

Tức là theo TP Hà Nội giải thích, việc người dân không được nhận đất tái định cư theo quy định tại NĐ 17 và NĐ 84 là do trong khoảng thời gian NĐ 84 có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2008, Quyết định 137 của UBND TP có hiệu lực thì TP không quy định có việc này.

Nhưng NĐ 17 của Chính phủ đã quy định việc này từ năm 2006 và TP phải thực hiện theo NĐ của Chính phủ và đã được thể hiện rõ tại Văn bản 5611 do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký gửi Bộ Tư pháp đã khẳng định.

 

Văn bản của TP Hà Nội về việc rà soát lại việc đền bù hỗ trợ cho người dân tại D.A Ga Dề pô Nhổn. Ảnh: ND
 

Thêm lần nữa người dân lại thắp lên hy vọng...

Mới đây, ngày 16/10/2019, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 9820 về việc rà soát chính sách chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện hạng mục Đề pô xe điện thuộc D.A Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội. Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra TP, UBND quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ đối với 135 hộ gia đình, cá nhân có tỷ lệ đất nông nghiệp thu hồi trên 30% đã được UBND huyện Từ Liêm (trước đây) phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong năm 2007, làm rõ kinh phí dự kiến phải trả đối với 135 hộ gia đình nêu trên; báo cáo UBND TP trong tháng 10/2019, đồng thời dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND TP xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy để tổ chức thực hiện.

Như vậy, sau nhiều năm gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi, nhiều cơ quan nhưng vẫn không có kết quả, thậm chí người dân đã nộp đơn lên Tòa án để khởi kiện, yêu cầu được trả lại quyền và lợi chính đáng của mình, đến bây giờ người dân quận Bắc Từ Liêm lại thắp lên hy vọng. Hy vọng pháp luật được thực thi và quyền lợi của mình được đảm bảo công bằng đúng quy định.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Dũng