Ngày 2/1/2019, ông Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa ký Tờ trình số 11/TTr-CT xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí. 

Nội dung Tờ trình của Cục Thuế Thanh Hóa nêu rõ: Trong điều kiện kinh phí, phân bổ dự toán chi hành chính năm 2019 theo định mức bình quân Tổng cục Thuế cấp cho Cục Thuế Thanh Hóa chưa được 19 triệu đồng/cán bộ biên chế, trong quá trình triển khai công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN)  gặp rất nhiều khó khăn.

Để động viên Cục Thuế tiếp tục cố gắng hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho ngành Thuế số tiền 4,5 tỷ đồng, nhằm mục đích phối hợp với các ngành, các cấp triển khai công tác thu NSNN và động viên khen thưởng kịp thời những tập thể và cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu.

Đề xuất hỗ trợ của Cục Thuế Thanh Hóa để sử dụng vào việc hỗ trợ kinh phí triển khai 2 đề án thực hiện tại 27 huyện thị, thành phố, như: Đề án “Giám sát khai thuế đối với hoạt động khai thác, tiêu thụ cát và đá tự nhiên tại các huyện, thị xã, thành phố” và Đề án “Tăng cường quản lý chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh”, theo chỉ đạo của UBND tỉnh với số tiền 2 tỷ đồng.

Hỗ trợ 300 triệu đồng cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ 700 trăm triệu đồng động viên cán bộ công chức; hỗ trợ 700 triệu đồng công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ thu năm 2019 và đôn đốc thu NSNN theo QĐ số 2273/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh và hỗ trợ 800 triệu đồng công tác phối hợp lập và phân bổ dự toán năm 2020.

Tờ trình xin tiền ngân sách của Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa để hỗ trợ cán bộ thu thuế. Ảnh: VT

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, trong kết luận thanh tra trách nhiệm việc thu, chống thất thu thuế công, thương nghiệp ngoài quốc doanh của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa công bố trong 2 tháng: Tháng 11 và tháng 12/2018 đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm của các chi cục thuế như: Chưa chủ động, phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, thị, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan, tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, thực hiện triệt để nguồn thu thuế công thương nghiệp trên địa bàn. 

Việc triển khai, thực hiện một số trình tự, thủ tục xác định mức thu, điều chỉnh mức thu đối với hộ kinh doanh trên địa bàn còn sai sót, chưa đảm bảo quy định của Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. 

Nợ đọng thuế công thương nghiệp tại một số địa phương còn rất lớn.

Tại huyện Tĩnh Gia, tính đến 31/8/2018 số thuế nợ đọng là hơn 91 tỷ đồng (trong đó, nợ khó thu hơn 52 tỷ đồng, tiền chậm nộp hơn 34 tỷ đồng). Thậm chí đến thời điểm thanh tra, Chi cục Thuế huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có biện pháp tham mưu, xử lý hiệu quả số thuế nợ đọng nêu trên.

Tại Chi cục Thuế thị xã Bỉm Sơn, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý: Hiện nay có 182 hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn; qua rà soát cho thấy có nhiều hộ có số doanh thu phát sinh trên hóa đơn lớn, ổn định, liên tục từ năm 2015 đến 2017.

Tuy nhiên, Chi cục Thuế chưa thực hiện việc khảo sát, điều chỉnh mức doanh thu khoán cho phù hợp với thực tế; Đối với một số hộ kinh doanh karaoke nộp thuế tiêu thụ đặc biệt: Theo báo số liệu do Chi cục Thuế đang quản lý, hiện nay có 12 hộ kinh doanh dịch vụ karaoke đang thực hiện khoán doanh thu từ 1.000.000 đồng/tháng đến 2.000.000 đồng/tháng …

Nhiều cán bộ đang bị đề nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm, thế nhưng ngày 2/1/2019, ông Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa vẫn ký Tờ trình số 11/TTr-CT xin UBND tỉnh hỗ trợ 4,5 tỷ đồng tiền ngân sách, trong đó có 700 triệu đồng để động viên cán bộ thu thuế, gây băn khoăn, thắc mắc trong dư luận xã hội mấy ngày nay.

Văn Thanh