Tây Tựu được chọn làm xã điểm của huyện Từ Liêm, Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Xây dựng nông thôn mới là một chính sách quốc gia, việc chọn Tây Tựu làm xã điểm, mục đích để các xã khác trên địa bàn huyện cũng như địa bàn thành phố học tập mô hình xây dựng nông thôn mới ở đây.

Đến xã Tây Tựu bây giờ, ai cũng nhận ra một điều, đường xá, các công trình công cộng đều khang trang hơn, to đẹp hơn. Đại đa số trong 19 tiêu chí của nông thôn mới, Tây Tựu gần như đã đạt được hết.

Thế nhưng, bên cạnh vẻ ngoài đẹp đẽ ấy, gần đây người dân xã Tây Tựu mới "ngã ngửa" trước thông tin: Hàng tỉ đồng Nhà nước rót về địa phương, bao công trình bạc tỉ lại được lãnh đạo xã "bật đèn xanh" cho một số doanh nghiệp năng lực yếu kém, dùng thủ đoạn gian dối, ăn bớt nguyên vật liệu, làm sai thiết kế ban đầu để trục lợi cá nhân.

Cơ quan chức năng huyện Từ Liêm đã khẩn trương vào cuộc và kết luận: Công dân tố cáo Chủ tịch UBND xã Tây Tựu là ông Lê Văn Việt có một số hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện giải phóng mặt bằng là có căn cứ.
 

Theo báo cáo của tổ xác minh tố cáo, UBND huyện Từ Liêm, báo cáo giải trình của chủ đầu tư và đơn vị thi công cho thấy, về dự án xây kè đá, cải tạo môi trường ao Gồ, việc thi công đào đất hố móng bờ kè và chiều cao tường kè sai thiết kế được phê duyệt. Đây là công trình có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 5 tỷ đồng.

Theo hồ sơ thiết kế móng kè có thép phi 16 liên kết móng tường kè, nhưng trên thực tế, thép phi 16 đã được nhà thầu ăn bớt hết, dẫn đến các liên kết tường kè và móng kè không có thép.

Nghiêm trọng hơn, về nạo vét bùn ao, hồ sơ thiết kế thể hiện dự tính tổng khối lượng đào bùn ao là gần 2593,07m3, nhưng thực tế chỉ nạo vét 852m3.

Cọc tre gia cố móng kè theo thiết kế dài 2,5m, mật độ 25 cọc/m2. Thực tế thi công cọc tre dài 1,7m, mật độ 20 cọc/m2.

Hàng loạt hạng mục khác như móng kè, thép giằng bê tông trên dưới con tiện lan can tường kè, đá dăm đầm chặt móng bờ kè... cái thì bị ăn bớt, cái thì tự ý thay đổi thiết kế.

Trong quá trình thi công gian dối này, đơn vị tư vấn giám sát không có cán bộ giám sát thường xuyên tại công trình, nhưng ở các biên bản nghiệm thu lại ký nhận đầy đủ, điều này thể hiện dấu hiệu "bắt tay" nhau khá rõ ràng giữa các doanh nghiệp. Và tất nhiên, để các doanh nghiệp "bắt tay" đục khoét công trình nông thôn mới khó mà không nói đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Tây Tựu.

Mặc dù mới đưa vào sử dụng, nhưng công trình ao Gồ đã có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: ND


Dư luận đang đặt câu hỏi: Con số nhiều tỷ đồng được đầu tư vào các dự án đã bị thất thoát bao nhiêu. Những dự án đã thi công xong và nghiệm thu, quyết toán như ao Gồ, hạng mục mua sắm, lắp đặt trạm bơm thôn 1, 2, 3… Những dự án đang trong quá trình hoàn thiện như: Ao Gò cũng là dự án lớn với số tiền tương đương ao Gồ cũng đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng cũng bị rút ruột khá nhiều.

Tại kết luận thanh tra, UBND huyện Từ Liêm khẳng định, ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Tây Tựu để đơn vị thi công sai hồ sơ thiết kế đã phê duyệt là có cơ sở. UBND huyện cũng đề nghị UBND xã Tây Tựu tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân ông Lê Văn Việt.
 

Công trình ao Gò đang thi công hoàn thiện, nhưng cũng như ao Gồ, cũng bị rút ruột, sắt phi 16 chỗ có chỗ không như thế này. Ảnh: ND


Tuy nhiên, việc thi công sai thiết kế như trên gây thiệt hại cho Nhà nước bao nhiêu tiền thì chưa được UBND huyện Từ Liêm kết luận rõ ràng. 

"Hành vi của họ có dấu hiệu tham ô, phạm pháp hình sự, không thể chỉ xử phạt hành chính rồi kiểm điểm là xong. Bao nhiêu tiền của Nhà nước và nhân dân đầu tư đã bị tư túi như thế thì “bao che” quá", một người dân bức xúc.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về nội dung vụ việc.

Nam Dũng