>>Ban PMUTH (Thanh Hóa): Cần làm rõ khuất tất dưới thời ông Thành

Cho ứng tiền mặt và chưa thể hoàn ứng

Ngày 9/9/2010, Ban PMU Thanh Hóa đã chi cho Sở Công thương phí thẩm tra di chuyển đường điện dự án tiêu úng Đông Sơn. Trong khi đó, hồ sơ thiết kế và dự toán mới trình lên Phòng Kinh tế nhưng bị trả lại do chưa có chủ trương của TP Thanh Hóa.

Ban PMU Thanh Hóa ứng 80 triệu đồng cho ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Cty Thiết kế CDC; ứng 20 triệu đồng cho ông Trịnh Kim Dũng, cán bộ tư vấn giám sát thuộc Cty Đông Bắc (nhà thầu TVGS); ứng 5 triệu đồng cho ông Lê Ứng thuộc Cty Môi trường & Công trình Đô thị để chặt hạ cây xanh, thi công gói thầu số 18. Nguồn chi ứng bằng tiền mặt này lấy từ hợp phần giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án hệ thống tiêu úng Đông Sơn, hiện nay Ban PMU Thanh Hóa đòi nợ nhưng không có kết quả do nhiều lý do phức tạp.

Ngoài ra, Ban PMU Thanh Hóa còn tạm ứng hàng trăm triệu đồng cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến việc GPMB. Nguyên nhân của tồn tại này theo Ban PMU Thanh Hóa là do từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Thành đã ký hợp đồng kinh tế với một số nhà thầu, sau đó cho các nhà thầu ứng tiền mặt tại Ban, đến nay chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền, chưa có các quyết định phê duyệt dự toán, chỉ định thầu… nên không thể hoàn ứng và thanh toán theo quy định.

Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ban PMU Thanh Hóa lên cấp trên, ngày 18/7/2011, Ban này đã cho ông Lê Anh Tuấn thuộc Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng phát triển nhà và Đô thị Hà Nội tạm ứng tiền mặt 1 tỷ đồng để thi công gói thầu 20 dự án nạo vét, gia cố sông Thọ Hạc thuộc tiểu dự án tiêu úng Đông Sơn. Nguồn tiền cho ông Tuấn ứng là tiền Ban vay của Tổng Cty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa 2,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2014 đã nhiều lần yêu cầu ông Tuấn hoàn ứng nhưng vẫn chưa được. Nguyên nhân là do vi phạm nguyên tắc tài chính.

Cũng theo báo cáo, dưới thời ông Thành làm Giám đốc Ban PMU Thanh Hóa đã vay, phải trả cho các đơn vị nhà thầu tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng, một số đơn vị, nhà thầu đã phát văn bản đòi nợ. Cụ thể: Tổng Cty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa 2,2 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Thành Hà 2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dạ Lan (nợ tiền ăn từ năm 2011, 2012) hơn 95 triệu đồng; Cty ô tô 19/5 triệu đồng 5 (nợ tiền sửa chữa ô tô). Nguyên nhân là từ năm 2009 - 2011, Trưởng ban PMU Thanh Hóa vay của các nhà thầu bằng hình thức phát công văn đến nhà thầu đề nghị vay tiền, nhà cho vay tiền bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chi hành chính của Ban PMU Thanh Hóa tại ngân hàng. Sau đó, Trưởng ban, Kế toán trưởng ký séc và giao cho thủ quỹ đến ngân hàng rút tiền, số tiền này không hạch toán theo quy định.

Được biết, ngày 27/10/2014, Ban PMU Thanh Hóa đã họp để xem xét, bàn cách xử lý các công văn đòi nợ của các đơn vị nói trên. Tại hội nghị này, ông Thành đã chịu trách nhiệm trả nợ trước tập thể ban đối với 3 nhà thầu nêu trên với tổng cộng 4 tỷ 410 triệu đồng.

Ngoài ra, hiện Ban PMU Thanh Hóa còn nợ hợp đồng tư vấn 4 tỷ 50 triệu đồng không có nguồn thanh toán, bao gồm chi phí hội họp, giao dịch đi công tác hơn 566 triệu đồng; chi phí thẩm định hơn 167 triệu đồng; chi phí tư vấn lập dự án đầu tư hơn 2 tỷ 996 triệu đồng; chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hơn 320 triệu đồng (dự án xây dựng đường gom quốc lộ IA tránh TP Thanh Hóa). Trong các khoản nợ này thì có hơn 733 triệu đồng Ban đã chi bằng nguồn ứng của dự án tiêu úng Đông Sơn mà chưa hoàn ứng được, còn lại hơn 3,3 tỷ đồng là chi phí tư vấn đã hoàn thành nhưng Ban chưa có nguồn để trả...

Liên quan đến những khuất tất tại Ban PMU Thanh Hóa, Báo Thanh tra sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh