Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình Vườn ươm này có tổng diện tích đất gần 11,5ha với hơn 150m2 nhà làm việc có đủ hệ thống điện, cấp thoát nước và chống sét; hàng nghìn mét tường rào; gần 3.000m2 dàn che vườn ươm, sân bê tông và bể chứa nước 100m3;… được UBND tỉnh Lai Châu giao cho UBND huyện Tam Đường làm chủ đầu tư có giá trị nhiều tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, ngày 8/8/2015, Ban Quản lý (BQL) Dự án (D.A) Đầu tư xây dựng huyện Tam Đường, đơn vị được UBND huyện giao đại diện chủ đầu tư thực hiện xây dựng D.A Vườn ươm, đã cùng với nhà thầu thi công, UBND xã Sơn Bình cùng ký biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình Vườn ươm cho BQL rừng phòng hộ huyện Tam Đường trực tiếp quản lý.

Cũng ngay trong ngày 8/8/2015, BQL rừng phòng hộ huyện Tam Đường đã ký biên bản bàn giao công trình Vườn ươm này cho Công ty Chè Tam Đường sử dụng trong thời hạn 3 năm (từ ngày ký đến 7/8/2018) để thực hiện sản xuất giống chè chất lượng cao và trồng thí điểm giống chè Nhật… nhưng điều lạ là nội dung bàn giao không nêu ràng buộc về trách nhiệm tài chính của Công ty khi khai thác, sử dụng vườn ươm.

Trước câu hỏi BQL rừng phòng hộ và Công ty Chè Tam Đường có ký kết hợp đồng hay thực hiện thủ tục nào trước khi ký biên bản bàn giao không và Công ty Chè Tam Đường phải thực hiện nghĩa vụ tài chính gì với Nhà nước, ông Phạm Danh Tuyên, Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ huyện Tam Đường trả lời "không biết, chỉ biết có biên bản bàn giao thôi".

Đem thắc mắc này đến gặp bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Tam Đường, bà Loan cũng đã xác nhận là Công ty mới chỉ nhận Vườn ươm để sử dụng và bảo quản chứ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nào với Nhà nước. 

Vì sao tài sản do Nhà nước đầu tư có giá trị nhiều tỷ đồng lại được giao cho một doanh nghiệp tư nhân sử dụng “miễn phí” và tiêu chí để lựa chọn cá nhân, tổ chức trong việc giao Vườn ươm là gì? Liệu sự việc này có liên quan đến lợi ích nhóm hay do buông lỏng quản lý gây lãng phí tiền của Nhà nước? Có phải Công ty Chè Tam Đường được “ưu ái” trong việc này?… Chúng tôi đã tìm đến UBND huyện Tam Đường để tìm hiểu sự việc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường phụ trách về nông nghiệp, ông Trần Văn Sứng biết, việc huyện Tam Đường hợp tác và bàn giao Vườn ươm xã Sơn Bình cho Công ty Chè Tam Đường là thực hiện theo Thông báo Kết luận số 44/TB-UBND ngày 28/7/2015 và Công văn số 1152/UBND-TN ngày 6/8/2015 của UBND tỉnh Lai Châu để thực hiện sản xuất giống chè chất lượng cao và trồng thí điểm giống chè Nhật phục vụ mục tiêu phát triển vùng chè chất lượng cao và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất giống chè theo Đề án Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. 

Về trách nhiệm tài chính của Công ty Chè Tam Đường đối với Nhà nước khi được nhận bàn giao sử dụng Vườn ươm ông Sứng cũng không trả lời rõ ràng mà chỉ cho rằng BQL rừng phòng hộ hạn chế về con người và kỹ thuật nên bàn giao Vườn ươm cho Công ty Chè Tam đường trên cơ sở hợp tác theo chỉ đạo của UBND tỉnh; còn thủ tục bàn giao chưa chặt chẽ là do thiếu kinh nghiệm vì việc này chưa có trong tiền lệ… 

Khi được hỏi về thực tế việc cung ứng giống chè của Công ty Chè Tam Đường cho huyện Tam Đường từ khi được nhận bàn giao Vườn ươm, ông Sứng cho biết năm 2016, Công ty Chè Tam Đường đã cung ứng đủ giống chè để huyện trồng mới 60ha theo chỉ đạo của tỉnh và năm 2017 là 76ha. Việc cung ứng cây chè giống thông qua hợp đồng kinh tế giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Đường và Công ty Chè Tam Đường. Được biết, hợp đồng năm 2016 có giá trị hơn 1,8 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty Chè Tam Đường được sử dụng “miễn phí” Vườn ươm nhưng huyện Tam Đường vẫn phải trả tiền mua cây chè giống của Công ty này, việc ưu đãi về giá cây giống không được thể hiện trong hợp đồng và cũng không được đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện nhắc tới.

Cũng theo công Công văn số 1152/UBND-TN của UBND tỉnh Lai Châu mà phóng viên đề nghị được cung cấp thì UBND tỉnh Lai Châu còn giao Sở Tài chính tổ chức đấu giá tài sản trên đất, Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức giao đất, cho thuê đất cho doanh nghiệp trúng đấu giá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu Công ty Chè Tam Đường có nhu cầu sử dụng đất lâu dài.

Vậy, có hay không việc lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước tại công trình Vườn ươm xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và UBND tỉnh Lai Châu có “ưu tiên” cho doanh nghiệp địa phương sử dụng Vườn ươm?… Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc để thông tin tới độc giả.

Trần Kiên - Bùi Bình