>>Kỳ I: Hà Nội bỏ sót nội dung báo nêu

Sai phạm thứ nhất:
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có nội dung trái với hợp đồng mua, bán nhà.
 
Như Báo Thanh tra đã phản ánh trong bài “Sự thật chỉ có một”, số 115, ra ngày 25/9/2012 và Văn bản số 476/UBND-VP, ngày 9/5/2013 của UBND quận Hai Bà Trưng, ngôi nhà số 34, ngõ 105 phố Bạch Mai nguyên là của vợ chồng cụ Nguyễn Phúc Ước (bố chồng bà Tạ và ông nội chồng bà Liên). Thời kỳ cải tạo kinh tế tư bản tư nhân lần thứ nhất trên miền Bắc (1961, 1962), cụ Nguyễn Phúc Ước trong diện phải tập trung học tập, sau đó buộc phải bàn giao lại toàn bộ diện tích nhà 34 (gồm 4 gian, là nhà một tầng, mái bằng vỉa gạch) cho nhà nước (đại diện là Cty Nhà Hà Nội ngày nay) quản lý. Sau đó, Cty Nhà Hà Nội cho 4 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên thuê ở (mỗi hộ 1 gian), trong đó có hộ gia đình 2 cụ Nguyễn Nghị, Nguyễn Thị Năm (bố mẹ chồng bà Phùng Thị Biên). Sau khi về làm dâu, vì điều kiện nơi ở chật chội nên bà Biên đã cùng chồng mua thêm 1 gian liền kề, mở rộng nơi ở. 
 
Khi TP Hà Nội thực hiện Nghị định 61/CP, tại Hợp đồng mua bán nhà số 1700/HĐMB, ngày 10/7/2008 được thiết lập giữa Cty Nhà Hà Nội và bà Phùng Thị Biên, phần nội dung ghi rất rõ: “Diện tích đất ở: 33,1m2. Hình thức sử dụng: Riêng. Tổng giá trị mua bán 24.527.000 đồng, trong đó tiền nhà 9.346.000 đồng. Tiền đất ở chung: Không; đất ở riêng 15.181.000 đồng”. Ấy vậy mà tại phần 1 (về nguồn gốc nhà, đất tại số nhà 34 ngõ 105 phố Bạch Mai) Văn bản số 476/UBND-VP, ngày 9/5/2013, UBND quận Hai Bà Trưng đã “bóp méo” sự thật khi khẳng định: “Bà Phùng Thị Biên ký Hợp đồng mua bán nhà số 1700/HĐMB với diện tích sử dụng đất chung 33,1m2”. Phải chăng, UBND quận Hai Bà Trưng cố tình “thêm” nội dung này để “hợp lý hóa” cho sai sót của chính mình khi cấp GCNQSDĐ số hiệu BC 416947, ngày 30/12/2010 cho hộ bà Phùng Thị Biên với nội dung: “Đất sử dụng chung”?
 
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao trong hợp đồng mua bán nhà giữa Cty Nhà Hà Nội và bà Phùng Thị Biên, hình thức sử dụng đất là sử dụng riêng, nhưng khi cấp “sổ đỏ” (do lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng ký tên, đóng dấu), lại có nội dung “đất sử dụng chung”? Vậy gia đình bà Biên mua nhà mái bằng 1 tầng (cũng tương tự như mua nhà mái ngói cấp 4) mà phải sử dụng chung đất (nền nhà), thì sử dụng chung với ai? Và, người “bỗng dưng” được UBND quận Hai Bà Trưng “phù phép” cho sử dụng chung đất (nền nhà) với bà Biên, liệu có đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ và tài sản trên đất như bà Biên? Câu hỏi này, cần được UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo 2 đơn vị chức năng là Cty Nhà Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng xem xét, trả lời. Sai sót ở khâu nào, phải quy rõ trách nhiệm khâu đó cho từng tập thể, cá nhân và nghiêm túc sửa sai, bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà là bà Phùng Thị Biên.
Sai phạm thứ hai: Công nhận QSD nhà, đất cho người cơi nới trái phép trên nóc nhà người khác.
 
Tại phần 3, Văn bản số 476/UBND-VP, UBND quận Hai Bà Trưng khẳng định: “Theo báo cáo của UBND phường Thanh Nhàn, Thanh tra Xây dựng quận và qua kiểm tra xác minh, thì gian nhà tạm (của bà Liên trên nóc nhà bà Biên) đã xây dựng từ năm 2007, khi đó nhà do Nhà nước quản lý, trước khi Cty Nhà Hà Nội thực hiện bán nhà theo Nghị định 61/CP cho gia đình bà Biên”. Nội dung này hoàn toàn đúng thực tế. Có điều, theo chỉ đạo tại Văn bản số 9683; số 2847/UBND-TNMT, ngày 3/12/2012 và 22/4/2013 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là “kiểm tra, xử lý vi phạm…” thì lẽ ra, UBND quận Hai Bà Trưng phải thành lập đoàn thanh tra, xác minh rõ vì sao bà Liên ở nhà 36 mà lại xây dựng được gian nhà tạm trên nóc nhà 34 vào năm 2007? Ai cho phép bà Liên xây dựng (vì lúc này, nhà 34 vẫn do Nhà nước quản lý) và bà Liên có các giấy tờ đầy đủ tính pháp lý để chứng minh quyền quản lý, sử dụng của mình đối với gian nhà tạm này không? Nếu không thì tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và sẽ “xử lý” gian nhà tạm được xây dựng không phép như thế nào? Tuy nhiên, UBND quận Hai Bà Trưng đã không làm như thế mà lại viện vào nội dung không đúng với thực tế của một trong các văn bản liên quan đến vấn đề này của Sở Xây dựng Hà Nội để hợp lý hóa QSD gian nhà tạm do bà Liên tùy tiện cơi nới trái phép trên nóc nhà số 34 của bà Biên. 
 
Hơn nữa, theo chúng tôi, với sự tùy tiện, tính bảo thủ, né tránh trách nhiệm, sẵn sàng “qua mặt” cả UBND TP (thể hiện rõ trong nội dung Văn bản số 476/UBND-VP) UBND quận Hai Bà Trưng không thể làm khác, bởi trước đó, ngày 30/12/2010, đã “lỡ” cấp GCNQSDĐ số hiệu BC 416947 cho hộ bà Phùng Thị Biên với nội dung: “Đất sử dụng chung”. 
 
Như vậy, với việc cấp GCNQSDĐ gần 3 năm trước, UBND quận Hai Bà Trưng đã chính thức “cho không” gia đình bà Liên QSDĐ (chung với gia đình bà Biên). Bây giờ, với Văn bản số 476/UBND-VP, ngày 9/5/2013, tiếp tục công nhận tính hợp pháp đối với gian nhà tạm (xây trái phép trên nóc nhà 34 của bà Biên) cho bà Liên. 
 
Sai phạm thứ ba: Không xử lý vi phạm trước khi bán nhà theo Nghị định 61/CP.
 
Ngoài việc buông lỏng quản lý, để thất thoát tài sản Nhà nước sau đợt cải tạo nhà đất những năm 1960 - 1961 tại phần tài sản trước đây thuộc quyền quản lý, sử dụng của vợ chồng cụ Nguyễn Phúc Ước (10,33m2 phụ tại nhà số 36, ngõ 105, phố Bạch Mai), UBND phường Thanh Nhàn, Cty Nhà Hà Nội, mà trực tiếp là Xí nghiệp Nhà Hai Bà Trưng còn tiếp tục buông lỏng quản lý, để gia đình bà Liên ở số nhà 36 tùy tiện xây nhà không phép trên nóc nhà 34 mà không hề hay biết. Đến khi lập hồ sơ hiện trạng để bán nhà theo Nghị định 61/CP (ngày 29/11/2007, tức là chỉ sau khi bà Liên cơi nới trái phép trên nóc nhà 34 khoảng 4 - 5 tháng), Xí nghiệp Nhà Hai Bà Trưng đã phát hiện có gian nhà trái phép kể trên và đã báo cáo Cty Nhà Hà Nội. 
 
Thay vì cho kiểm tra, xử lý dứt điểm gian nhà xây trái phép trước khi bán nhà theo Nghị định 61/CP thì Cty Nhà Hà Nội lại “giữ nguyên hiện trạng”, lập hợp đồng bán nhà rồi “lập lờ đánh lận con đen”, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ với nội dung sai trái (buộc gia đình bà Phùng Thị Biên chỉ được phép sử dụng tầng 1, trong khi nhà bà Biên mua là nhà 1 tầng) và đất thì sử dụng chung rồi trình UBND quận Hai Bà Trưng ký.
 
Sai sót chồng sai sót kể trên đã xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của gia đình bà Phùng Thị Biên, gây khiếu kiện kéo dài. Trách nhiệm trước hết thuộc Cty Nhà Hà Nội, sau nữa, thuộc UBND quận Hai Bà Trưng. Vì thế, lẽ ra, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, UBND quận Hai Bà Trưng vẫn phải thành lập đoàn thanh tra để “làm cho ra lẽ”, yêu cầu Cty Nhà Hà Nội và tự mình khắc phục sai sót. Đằng này, UBND quận Hai Bà Trưng chỉ căn cứ vào mấy văn bản có tính chất “lảng tránh sự thật” của Cty Nhà Hà Nội và Xí nghiệp Nhà Hai Bà Trưng để tiếp tục “bịt mắt” UBND TP Hà Nội với nội dung: “Cty Nhà Hà Nội đã giải quyết hồ sơ bán nhà theo Nghị định 61/CP cho gia đình bà Phùng Thị Biên đúng các quy trình, thủ tục theo quy định”.
 
 
Trịnh Quang Vương