>> Kỳ 2: Đẩy hàng trăm hộ dân vào tình cảnh thiệt thòi
>> Kỳ 1: Bí thư, Chủ tịch xã “bán” đất trái luật

Nội dung tố cáo đúng

Văn bản số 10 ngày 28/1/2011 thông báo kết luận của ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm về việc giải quyết đơn tố cáo (TC) gửi ông Lê Xuân Dũng, thôn Mậu Lương cho biết: Việc kiểm tra trách nhiệm giải quyết đơn TC của UBND xã Lương Tài đối với vụ việc công dân thôn Mậu Lương TC lãnh đạo các thôn trên địa bàn vi phạm pháp luật về đất đai đã được UBND xã Lương Tài thụ lý, xác minh, giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục. Người TC đã đồng ý với kết quả xác minh của xã Lương Tài về việc cán bộ thôn vi phạm pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, 8 hộ vi phạm trong việc san lấp, xây tường trên đất được giao trái thẩm quyền tại thôn Bến và thôn Ấp chưa được UBND xã tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo qui định. UBND xã không tổ chức tháo dỡ công trình trên đất được giao trái thẩm quyền. Nội dung TC này của công dân là đúng.

Nội dung TC ông Nguyễn Mạnh Hùng, công dân thôn Đinh Khuốc lấn chiếm, xây dựng nhà trên đất máng là có phần đúng. Năm 2003, hộ ông Hùng đã san lấp, xây bếp trên diện tích 24m2 về phía Đông giáp nhà ông Lư, vi phạm qui định của Luật Đất đai. Việc TC UBND xã Lương Tài kết luận đất của hộ ông Toản, công dân thôn Phú Nhuận là giao đất trái thẩm quyền nhưng UBND xã không tháo dỡ công trình gia đình ông Toản trên đất đó là đúng.

Về nội dung TC UBND xã Lương Tài bán đất cho Cty Cổ phần Đầu tư Đại Phát Lợi (Cty Đại Phát Lợi) để sản xuất lò gạch, ông Nguyễn Văn Thịnh khẳng định là TC sai. Văn bản cho biết, Cty Đại Phát Lợi triển khai thực hiện dự án đầu tư sản xuất gạch tuynel tại xã Lương Tài là thực hiện đúng Quyết định số 1926/QĐ-UBND ngày 15/10/2010 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Nghiên cứu kỹ trả lời này cùng với việc trực tiếp về UBND huyện Văn Lâm làm việc, trao đổi thông tin, chúng tôi lý giải được vì sao công dân xã Lương Tài bức xúc gõ cửa các cơ quan Trung ương.

Thứ nhất, văn bản trả lời của Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm không hề đề cập đến các bằng chứng (mà chúng tôi đã phân tích trong bài viết đầu tiên) về việc Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Tài đã “bán” đất cho doanh nghiệp trước khi có Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên cả năm trời. Và, diện tích “bán” cũng lớn hơn diện tích mà UBND tỉnh quyết đến 4ha. 

Thứ hai, tài liệu này cho thấy, chính ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cũng “triện” dấu và ký tên vào văn tự “bán” đất đó. Do vậy, trả lời trên của ông Thịnh không chỉ không thuyết phục mà còn không… đáng tin cậy.

Làm việc với chúng tôi, ông Đỗ Thế Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm cho biết, ông có nắm được việc khiếu nại, TC của công dân xã Lương Tài. Việc này thuộc quyền của Chủ tịch UBND huyện. Ông Phúc cũng cho biết, huyện thực hiện đúng trình tự văn bản pháp luật còn người dân không hiểu đúng văn bản. Ông khẳng định “qui trình chúng tôi làm là chuẩn luôn vì đây là thẩm quyền của tỉnh, huyện và xã chỉ là đồng ý, chẳng có vai trò gì trong chuyện này”!

Khi chúng tôi đưa ra các tài liệu cho thấy việc UBND xã “bán” đất trước khi có văn bản của tỉnh Hưng Yên thì ông Phúc thừa nhận đúng là có sai sót về mặt trình tự, thủ tục thực hiện dự án, nhưng đến nay, hồ sơ dự án đã đầy đủ. Theo ông Phúc, việc sai sót về trình tự thủ tục nói trên là “không nghiêm trọng” và là việc “vận dụng” trong giải phóng mặt bằng. Nghĩa là, ở nhiều chỗ, người dân đồng tình nhận tiền hết rồi mới có quyết định thu hồi đất. Và, khi người dân nhận tiền (tiền đền bù) rồi thì đất được giao cho doanh nghiệp quản lý luôn, tránh việc dân lại làm nhà, trồng cây hàng loạt sau một đêm. Câu chuyện ở Lương Tài có vẻ là như thế. Ông cũng chia sẻ thêm: Câu chuyện này phức tạp lắm, không phải đơn giản như thế đâu. Bởi lẽ, ở đây có chuyện dự án này chia làm 2 phần, 1 phần cho thuê làm nhà xưởng và một phần cho phép khai thác khoáng sản nên mới có chuyện đó. Lý giải nguyên nhân, ông Phúc cho biết: Dân thì nhiều khi phức tạp lắm, “dân thì gian” mà. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Tài tự ý ký cam kết giao đất cho doanh nghiệp đang làm dấy lên dư luận có bóng dáng của một vụ việc tiêu cực, tham nhũng, ông Phúc chia sẻ: Chắc là có chuyện dân đánh giá về cán bộ tham nhũng. Nhưng, “tớ khẳng định là không có chuyện ăn tiền để làm thế đâu. Bọn tớ cũng chẳng bao giờ được điếu thuốc của doanh nghiệp này”, ông Phúc khẳng định.

Chia sẻ của ông Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm giúp chúng tôi có thêm một góc nhìn khác về quản lý đất đai tại địa phương. Có lẽ, chính việc quản lý kiểu duy tình và xa rời các văn bản qui phạm pháp luật nói trên đã khiến người dân bức xúc và cho rằng mình bị thiệt thòi. Tuy nhiên, nhiều tháng đã trôi qua, các câu hỏi đó không nhận được trả lời chính thức của các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Tuy, thanh tra nhân thôn Tảo C đau đáu: Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Hưng Yên nhiều tháng nay mà không nhận được một văn bản trả lời nào. 

Còn ông Lê Xuân Dũng, đảng viên thôn Mậu Lương cũng bức xúc: Không nhất trí với quyết định giải quyết TC của Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm, tôi đã gửi đơn TC tiếp đến Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phân tích rõ việc vi phạm các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quản lý của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua, đơn thư của tôi không có hồi âm.

Chúng tôi mong sớm nhận được trả lời của UBND tỉnh Hưng Yên xung quanh nội dung TC, khiếu nại của nhân dân xã Lương Tài, tránh việc biến đây thành một điểm nóng về khiếu nại, TC.

Thúy Nhài