Sai phạm của ông Ngô Hữu Quang, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt được Ủy Ban kiểm tra Quận ủy quận 7 xác định là lặp đi lặp lại, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm sút uy tín của cá nhân, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của nhà trường. Thế nhưng, mức kỷ luật được áp dụng cho ông Ngô Hữu Quang, tại Quyết định số 08/QĐ/UBKTQU do Chủ nhiệm Ủy bản Quận ủy quận 7 Châu Xuân Đại Thắng ký ngày 22/3/2017, chỉ là cảnh cáo. Về mặt chính quyền, đến ngày 11/4/2017, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình đã ký Quyết định số 1114/QĐ-UBND, điều động ông Ngô Hữu Quang đến nhận công tác tại Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 7, là đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7. Trong khi đó, trách nhiệm của ông Ngô Xuân Đông, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7, đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động của Trường THCS Hoàng Quốc Việt, vẫn chưa được đề cập đến trong quá trình xử lý sai phạm.

 Hiện tượng người đứng đầu vô can khi xảy ra sai phạm cũng là câu chuyện cần làm rõ về đường dây hợp thức hóa nhà xây dựng sai phép tại quận 7 với mức chi phí là 150 triệu đồng. Sau khi báo chí phản ánh thì các cơ quan chức năng ngành Tài nguyên và Môi rường TP đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nhanh chóng ký quyết định đình chỉ công tác với ông Lê Văn Tấn, nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7. Trong khi đó, trách nhiệm của các cán bộ quản lý Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 vẫn không được làm rõ. Hay nói khác hơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP phải giao thanh tra xác minh trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách của nhân viên cấp dưới đối với ông Nguyễn Ngọc Út, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 vì thời gian qua, nhiều người dân khi làm thủ tục nhà đất tại quận 7 đã kêu rất nhiều về việc phải nhờ cò môi giới thì mới xong việc, còn nếu không hồ sơ sẽ “bị ngâm tôm” không biết lúc nào xong.

Sau nhiều năm kêu cứu, hàng chục hộ dân là cán bộ hải quân, gia đình chính sách có đất nền tại phường Phú Hữu, quận 9, mới thở phào nhẹ nhõm khi Thanh tra TP có báo cáo kết luận với nội dung khu đất 1A được phép tồn tại vì là khu dân cư hiện hữu, không nên thu hồi để đấu giá như tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường. Lý do là sai phạm tại khu đất này không thuộc về người dân mà là trách nhiệm quản lý Nhà nước của nhiều cơ quan có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng.

Cần có quyết tâm cao hơn để xử lý hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng liên quan đến nhà đất tại các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Giang Tú

 

Điều này đã được Báo Thanh tra phản ánh qua nhiều tin, bài trong năm 2016 về câu chuyện tại sao phải thu hồi khu đất 1A để bán đấu giá trong khi hàng trăm khu đất khác dù sai phạm đã rõ thì lại nằm ngoài danh sách cần đấu giá để trình HĐND TP. Đến nay, Thường trực UBND TP đã có văn bản phê bình, rút kinh nghiệm với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Phát triển quỹ đất, cá nhân ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), cá nhân bà Đặng Thị Hồng Liên (nguyên Chủ tịch UBND quận 9, nay là Bí thư Quận ủy quận 9), cùng một số các bộ, công chức các phòng ban có liên quan.

Thế nhưng dư luận vẫn chưa đồng tình với cách xử lý này, vì rằng chỉ cán bộ cấp sở, cấp quận bị phê bình còn hệ quả của việc công dân phải chịu cảnh sống tạm bợ trong nhiều năm tại khu đất 1A từ thái độ chậm trễ trong điều chỉnh văn bản chấp thuận chủ trương đấu giá đất của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín vẫn chưa được làm rõ. Nếu ngay từ đầu, lãnh đạo UBND TP chủ động đối thoại với công dân để làm rõ các vấn đề liên quan đến khu đất 1A, thì sẽ không xảy ra hàng loạt sai phạm có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến chính sách chuyển quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng để hàng loạt cán bộ bị phê bình, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhiều cơ quan quản lý, nhưng trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao hơn vẫn chưa được xử lý.

Nhận định về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho rằng: Thực tiễn đã cho thấy những vụ việc liên quan đến sai phạm, thậm chí đủ dấu hiệu của hành vi tham nhũng trong thực thi công vụ của cán bộ công chức, viên chức có thể phát sinh ở nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, giao thông, đất đai, xây dựng cho đến hải quan, công an, thuế... Điều khiến dư luận, người dân quan tâm và bức xúc là sau mỗi vụ việc được phát hiện, mặc dù lãnh đạo các đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm đều khẳng định sẽ điều tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định, quy trình, nhưng án kỷ luật mà hầu hết cá nhân sai phạm bị xử lý chỉ là khiển trách, cảnh cáo hoặc thuyên chuyển công tác. Hình thức kỷ luật như bị cách chức hay cho thôi việc đối với cán bộ công chức sai phạm, trong đó trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước để xảy ra sai phạm bị xử lý nghiêm túc vẫn còn hiếm hoi. Đây là những vấn đề cần được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng phòng, chống tham nhũng tại cơ sở trong điều kiện toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang quyết tâm thực hiện công tác này với việc nhiều cán bộ cao cấp đã bị kiểm điểm, xử lý trong thời gian qua.

Giang Tú