Thiết kế bị thay đổi

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Trong quá trình thi công, thiết kế bị thay đổi so với được duyệt ban đầu. Trong khi thi công những hạng mục phát sinh cũng không trình duyệt và báo cáo kịp thời các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho nên chúng tôi chịu không biết làm thế nào. Sự việc xảy ra trước khi tôi lên làm Chủ tịch UBND xã”.

Điều ngạc nhiên, trạm y tế xã không phải là công trình phức tạp hay có những biến động phát sinh lớn, nhưng bản vẽ thiết kế ban đầu lại thiếu như phòng vệ sinh, ốp tường, khung cửa… Khi phát sinh những hạng mục này, dù chưa được phê duyệt nhưng cứ làm nên dẫn đến việc công trình đưa vào sử dụng trong nhiều năm vẫn không thể quyết toán được.

Theo tìm hiểu của PV, đơn vị thi công không làm các thủ tục hợp pháp khi phát sinh, cứ tự ý làm, rồi đến khi đề nghị duyệt quyết toán thì cấp trên không đồng ý, xã cũng không thể thanh toán được cho bên B (đơn vị thi công).

Trong khi đó, ông Vũ Văn Cửu, cán bộ địa chính kiêm Kế toán Trưởng lại lý giải: Việc thay đổi thiết kế do chính lãnh đạo xã yêu cầu chứ không phải đơn vị thi công tự ý...

Điệp khúc “không biết”, “không hiểu”


Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hào khẳng định: “Diện tích đất trên địa bàn xã có hơn 600ha, đất thổ cư và đất nhà ở không có biến động lớn, còn về đất nông nghiệp không có vấn đề gì và không có trường hợp sử dụng đất sai mục đích, nhất là đất nông nghiệp...”.

Trên thực tế, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở và các công trình nhà xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp. Nhà ông Sinh xây dựng nhà xưởng ngay trên đất nông nghiệp chênh vênh giữa cánh đồng. Khi tiếp xúc với PV, con trai ông Sinh thừa nhận: “Vợ chồng tôi chỉ biết đến ở rồi mở xưởng hàn xì, việc xin phép xây dựng là do bố tôi đã làm đơn lên xã... Chủ tịch UBND xã bảo nếu khi nào giải tỏa thì gia đình phải phá dỡ. Trong khi xây dựng cũng không có ai đến lập biên bản đình chỉ hay yêu cầu bắt phải phá dỡ”.

Gia đình anh Trường Giang lúc đầu xây dựng nhà xưởng sản xuất khung nhôm kính cũng nằm trên đất nông nghiệp diện tích khoảng 50m2. Khi PV có mặt thì công trình xây lấn thêm để làm nhà ở đang được hoàn thiện. Điều đáng nói là, công trình này chỉ cách UBND xã có vài trăm mét. Vậy mà, cả Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính khi được hỏi đều trả lời “không biết các công trình xây dựng lấn chiếm trên đất nông nghiệp”.

Hay như nhà ông Sang ở khu An Lão cũng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp làm nhà ở ổn định từ nhiều năm nay…

Tiếp tục xác minh PV được biết, tất cả công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã đều không bị xử phạt hành chính và không có văn bản nào yêu cầu phải dỡ bỏ. Nhà ông Ngưỡng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích khá lớn để cho Cty Xây dựng cầu 18 thuê làm văn phòng, lán trại cho công nhân ở. Về vấn đề này, ông Hào viện ra lý do: Lúc đầu gia đình ông Ngưỡng chỉ xây dựng tạm với diện tích nhỏ để làm văn phòng của Cty, sau đó đơn vị thi công cầu 18 thuê của nhà ông Ngưỡng tự ý xây để làm văn phòng, lán trại để ở trong thời gian thi công!

Một trường hợp đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là gia đình ông Hưởng, cán bộ công an xã (em ông Định - Chủ tịch UBND xã khóa trước) có 2 sổ đỏ trong tay. Ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hào cho biết: “Đất của gia đình ông Hưởng giáp với đất ao ven làng do nhu cầu làm đường điện, địa phương - hợp tác xã có phương án bán để lấy tiền làm đường điện và ông Hưởng có mua lại phần ao đó... Trước đây, gia đình ông Hưởng chỉ có 1 sổ đỏ 253m2, bây giờ có thêm sổ đỏ nữa, tôi không biết lý do gì. Chúng tôi mới được biết dư luận đang bàn tán về vấn đề này”.

Ông Hào cũng thừa nhận: “Không hiểu tại sao ông Hưởng lại hợp thức hóa đất canh tác làm được sổ đỏ? Tới đây, chúng tôi sẽ kiểm tra và làm rõ vấn đề hợp thực hóa đất canh tác nhà ông Hưởng là do đâu để xử lý. Trong diện tích đất nhà ông Hưởng xuất hiện cả đất nông nghiệp và đất canh tác đổi cho người khác cũng được làm sổ “đỏ”. Đất của gia đình ông Hưởng trước đó có 1 sổ, sau xuất hiện thêm 1 sổ đỏ nữa 657m2 thì tôi không rõ lắm”.

Thực tế, sau Luật Đất đai năm 1993, xã Vĩnh Thịnh đến năm 1997 mới kê khai làm sổ đỏ, nhưng sổ đỏ của nhiều người dân trên địa bàn xã đều được ghi cấp năm 1993. Việc chuyển đổi đất canh tác giữa gia đình ông Hưởng với một số hộ dân khác cùng với việc ông Hưởng mua đất ao của hợp tác xã sau năm 1993 nhưng diện tích đất canh tác này cùng với đất ao lại được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp sổ đỏ từ năm 1993.

Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai cũng như nhiều công trình mòn mỏi nằm chờ quyết toán đang là vấn đề nổi cộm trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh rất cần các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc để làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm.
 
Công trình nghĩa trang, dự toán 578 triệu đồng, sau đó được “vẽ” thêm để quyết toán thành 814 triệu đồng, hơn 10 năm nay vẫn không thể quyết toán. Hay công trình trường mầm non, được duyệt 1,518 tỷ đồng, khi quyết toán lại “phình” thêm gần 100 triệu đồng. Tương tự, công trình xây dựng trạm y tế xã cũng đang chờ mỏi mòn vì không biết phải quyết toán thế nào…
 
Đinh Lê