5 cán bộ, lãnh đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc TP Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm nằm ngoài kháng nghị

Viện KSND TP Hà Nội kháng nghị không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 và khoản 1, 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đối với Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Thị Gấm và Nguyễn Thị Xuân Hương. Tăng mức phạt đối với bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Thị Gấm. Buộc bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Thị Gấm và Nguyễn Thị Xuân Hương có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Công ty TNHH Phát triển THT số tiền 25.638.759.840 đồng.

Bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Nguyễn Thị Gấm xin xem xét về tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Thị Xuân Hương kháng cáo xin xem xét về tội và  xin hưởng án treo.

22 hộ dân là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo về phần dân sự.

Lý do mà Viện KSND TP Hà Nội đã quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm vụ án bồi thường sai quy định tại dự án Tây Hồ Tây về áp dụng hình phạt và trách nhiệm dân sự  là do bản án chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Theo Viện Kiểm sát, tại phiên tòa, các bị cáo chỉ xuất trình được các giấy khen do UBND huyện Từ Liêm cấp, ngoài ra không có tài liệu chứng minh thêm về thành tích trong quá trình công tác. Theo quy định thì chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2, Điều 51, BLHS 2015. Bản án sơ thẩm áp dụng điểm v, khoản 1, Điều 51 cho tình tiết giảm nhẹ này là không có cơ sở.

Mặt khác, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm 8 năm tù, Nguyễn Thị Gấm 7 năm tù  là quá nhẹ, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.

Viện Kiểm sát cũng cho rằng, thiệt hại do chính các bị cáo gây ra. Do đó, cần phải buộc các bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo khoản 1, Điều 48, BLHS 2015. Bản án tuyên buộc 38 hộ dân đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ trái pháp luật và phải hoàn trả cho chủ đầu tư là Công ty THT là không phù hợp.

Trước đó, sau một tuần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm từ 3 - 10/7/2019, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với 8 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo UBND xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm có sai phạm trong quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại dự án Tây Hồ Tây.

Tòa đã tuyên án phạt các bị cáo: Nguyễn Hữu Khiêm (sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm) 8 năm tù, Nguyễn Thị Xuân Hương (sinh năm 1979, nguyên cán bộ địa chính UBND xã Xuân Đỉnh) 6 năm tù, Nguyễn Thị Gấm (sinh năm 1962, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Đỉnh) 7 năm tù về cùng tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281, khoản 3, BLHS năm 1999.

5 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Minh Công (sinh năm 1959, nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm) và Lục Văn Cường (sinh năm 1963, nguyên Phó Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội) cùng bị tòa tuyên phạt 36 tháng tù treo; Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1978, nguyên cán bộ Phòng Giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội) 24 tháng tù treo; Hoàng Minh Đức (sinh năm 1980, nguyên cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm) và Vũ Quý Dương (sinh năm 1967, nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm) đều bị phạt 30 tháng tù treo về cùng tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định định tại Điều 285, khoản 2, BLHS năm 1999.

Như vậy, toàn bộ 5 cán bộ, lãnh đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc TP và quận  Bắc Từ Liêm được hưởng án treo đều không kháng cáo và cũng không bị kháng nghị.

Nhiều bất cập tại phiên toàn sơ thẩm vẫn còn để ngỏ

Để thực hiện được bồi thường hỗ trợ phải có biên bản xác minh hiện trạng các thửa đất của tổ công tác với hơn 20 thành viên. Các thành viên này đều không ra thực địa song vẫn kí vào hồ sơ nhưng hoàn toàn không bị truy tố về việc thiếu trách nhiệm trong vụ án và cũng không bị kháng nghị.

Trong phiên tòa sơ thẩm một loạt vấn đề được các bị cáo và luật sư nêu ra vẫn chưa được làm rõ.

Luật sư Đỗ Anh Thắng, Công ty Luật Asem Việt Nam bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm tại phiên tòa sơ thẩm

Luật sư Đỗ Anh Thắng, Công ty Luật Asem Việt Nam (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm) cho rằng: Do sự vắng mặt của đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm nên chưa thể làm rõ được vai trò, trách nhiệm cá nhân những thành viên Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHT & TĐC) như: Bà Nguyễn Thị Huệ, bà Liên, bà Hương, ông Thái Minh Tuấn và ông Lê Văn Thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm... Các cá nhân này tham gia trực tiếp vào dự án với vai trò thành viên Hội đồng BTHT & TĐC. Chủ tịch UBND huyện là người đã ký vào các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án BTHT khi thu hồi đất. Đồng thời, chưa làm rõ được đối tượng thiệt hại là của Công ty TNHH Phát triển THT hay Nhà nước; số tiền thiệt hại cụ thể là bao nhiêu? bao nhiêu của Công ty THT và bao nhiêu của Nhà nước? Do cách tính áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa bóc tách được rõ xem cái nào các hộ dân được hưởng, cái nào UBND xã được hưởng, từ đó chưa xác định được Nhà nước và Công ty THT bị thiệt hại là bao nhiêu? Việc cho rằng bồi thường sai làm thiệt hại cho Nhà nước, thì tại sao thu hồi được 576 triệu đồng lại giao trả cho Công ty THT giữ?

Cũng theo luật sư Đỗ Anh Thắng: Bị cáo Khiêm bị truy tố với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" (Khoản 2 Điều 281 BLHS năm 2009) là không phù hợp với thực tế khách quan của hành vi phạm tội. Bởi các lẽ: Hành vi của bị cáo Khiêm không có dấu hiệu của việc tư lợi được quy định tại Điều 281, BLHS năm 1999. Bị cáo Khiêm không lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền hay bất cứ lợi ích vật chất nào từ người dân.

Viện KSND cho rằng, bị cáo Khiêm đã ký vào biên bản điều tra xác minh hiện trạng đất, phiếu xác nhận nguồn gốc đất cho bà Hoàng Thị Tý cho đất bà Phượng và cho rằng, đây là họ hàng nhà bị cáo Khiêm.

Tuy nhiên, tại phần xét hỏi tại tòa và tại các lời khai của bị cáo Khiêm tại cơ quan điều tra, Viện KSND đều cho thấy, ông nội của bị cáo Khiêm và ông nội của bố chồng bà Tý là họ hàng rất xa. Bà Tý chỉ làm dâu bên họ nhà bị cáo Khiêm.

Hơn nữa, tại Bút lục số 6782 lời khai của bà Tý xác nhận rằng, không có họ hàng với bất kỳ ai trong tổ công tác, Hội đồng Bồi thường. Việc cho đất là do bà Dung, Đội trưởng Đội Sản xuất số 1 đã hướng dẫn bà và con gái là Lan viết đơn. Sau đó, bà Lan ký thay chữ bà Tý vào bên cho. Đặc biệt, bà Lan là cán bộ Ban Kiểm soát của Hợp tác xã.

Bị cáo Khiêm không nhận bất kỳ đồng tiền nào từ các gia đình bên cho và nhận nêu trên nên không có dấu hiệu của tội tư lợi.

Đối với việc xác nhận của bị cáo Khiêm vào giấy xác nhận nguồn gốc đất và ký vào biên bản kiểm tra xác minh cho bà Oanh (là mẹ vợ bị cáo Khiêm) thì cũng chỉ là thủ tục hành chính như bao hộ dân khác. Việc bà Tuyết là con dâu bà Oanh, chị dâu vợ bị cáo Khiêm xin đất của bà Trà, Đội trưởng Đội Sản xuất số 2 từ năm 2005. Sau đó tự canh tác, nộp sản lượng, tiền dịch vụ vào Hợp tác xã (theo sổ theo dõi năm 2007) thì cá nhân bà Oanh cũng không hề biết, bị cáo Khiêm lại càng không, chỉ đến khi UBND xã gọi ra nhận tiền thì bà Tuyết mới nói với bà Oanh (mẹ chồng bà Tuyết đồng thời là mẹ vợ bị cáo Khiêm). Đồng thời, bà Tuyết chở mẹ chồng là bà Oanh ra UBND xã để ký nhận tiền và ngay sau đó giao lại cho bà Tuyết.

Sau khi có được tiền bồi thường thì bà Tuyết cũng không chia cho bà Oanh hay biếu, cảm ơn bị cáo Khiêm. Ở đây, bà Oanh chỉ làm vì để bà Tuyết xin ruộng và nhận tiền. Do vậy, không có căn cứ chứng minh việc bị cáo Khiêm tư lợi.

Đối với hộ bà Nguyễn Thị Kim là thông gia của bà Oanh (mẹ vợ bị cáo Khiêm) thì bị cáo Khiêm kết hôn năm 1993, trong khi đó con gái bà Oanh là đã li hôn với chồng là Tiến (con bà Kim) từ năm 1992, trước thời điểm bị cáo Khiêm kết hôn.

Cũng như hộ bà Oanh, Tý, Phượng, hộ bà Kim cũng không hề chia tiền, biếu, tặng, cho bị cáo Khiêm tiền hay lợi ích vật chất nào khác. Như vậy, không có căn cứ khẳng định bị cáo Khiêm tư lợi ở đây.

Từ những phân tích trên, luật sư Thắng cho rằng: Việc Viện KSND truy tố bị cáo Khiêm với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" là không đúng với sự thực khách quan, không thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm, không cấu thành tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

Đối với tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn" thì dấu hiệu tư lợi/vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không có dấu hiệu này thì sẽ không cấu thành tội phạm.

Văn bản 557/UBND-ĐC ngày 7/10/2010 gửi 05 cơ quan nói rõ việc điều chuyển đất thừa tại dự án: UBND huyện Từ Liêm và Hội đồng BTHT &TĐC huyện Từ Liêm có vô can?

Trong lời bào chữa trước tòa, luật sư bào chữa của bị cáo Lục Văn Cường và Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Việc cân đối đất là rất công khai và UBND xã Xuân Đỉnh đã báo cáo bằng Văn bản số 557/UBND-ĐC ngày 7/10/2010, cho 5 cơ quan là UBND huyện, Hội đồng BTHT & TĐC, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lí đô thị huyện, cũng như đã công khai tại các cuộc họp giải quyết vướng mắc.

Đồng thời, luật sư cũng đã viện dẫn văn bản chỉ đạo của ông Lê Văn Thư tại cuộc họp ngày 10/10/2011, về việc cân đối đất tại dự án Tây Hồ Tây thể hiện rõ lãnh đạo huyện đã biết việc này. Nếu nói thiếu trách nhiệm thì phải là trách nhiệm của lãnh đạo huyện, các phòng tham mưu của huyện và Hội đồng BTHT & TĐC.

Từ những lập luận đưa ra, các luật sư đề nghị tòa sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra lại nhưng tòa sơ thẩm vẫn tuyên án.

Hiện nay vẫn chưa xác định được thời điểm mở phiên tòa phúc thẩm.

Nhóm PV