>> Xử lý, thu hồi hơn 28,5 tỷ đồng tiền ưu đãi thuế đất

Năm  2002, trong cơn lốc thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trịnh Đình Dũng (nay là Bộ trưởng Bộ Xây dựng) đã ký Quyết định số 2475 ban hành qui định ưu đãi đầu tư trên địa bàn.

Ngoài các ưu đãi theo Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn ưu đãi các dự án (D.A) về giá thuê đất, miễn tiền thuê đất, hỗ trợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… Mức ưu đãi cao nhất có thể là miễn 100% tiền sử dụng đất hay lên đến nhiều tỷ đồng. Ưu đãi này sẽ được cụ thể hóa bằng giấy chứng nhận (GCN) ưu đãi đầu tư cho từng D.A.

Trước “làn sóng” ưu đãi đầu tư tràn lan ở các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1387 về việc xử lý các qui định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật do UBND các tỉnh, TP trực thuộc ban hành.

Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đình chỉ hiệu lực thi hành các qui định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật do UBND 31 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư ban hành. UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm hủy bỏ, bãi bỏ ngay các qui định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật đã ban hành; tự rà soát, đình chỉ việc thi hành, đồng thời bãi bỏ, hủy bỏ ngay các qui định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư đã ban hành… 31 địa phương được điểm danh gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang (tách tỉnh), Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.

Điều 2 Quyết định 1387 nêu rõ: Các qui định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật, gồm cả văn bản được nêu và chưa được nêu trong danh mục tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này đã được UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư ban hành văn bản khác để bãi bỏ, hủy bỏ hoặc thay thế trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì hiệu lực thi hành của các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật được chấm dứt theo các qui định tại các văn bản bãi bỏ, hủy bỏ hoặc thay thế.

Tuy nhiên, xem ra lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã… “bỏ ngoài tai” Quyết định 1387. Thực hiện chỉ đạo về việc rà soát, năm 2006, Vĩnh Phúc điểm danh 148 D.A được ưu đãi đầu tư trái luật để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, có nhiều tên tuổi được ưu đãi vượt khung so với qui định của pháp luật tới 49 năm như: Cty TNHH Kim Long với D.A sản xuất giống dứa tạo Tam Dương; Cty TNHH Hoàng Qui với D.A xây dựng trung tâm văn hóa thể thao giải trí tại thị xã Vĩnh Yên; Cty TNHH IDA, Doanh nghiệp Tư nhân Suối Tiên với D.A xây dựng điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí tại Tây Thiên, Tam Đảo; Cty TNHH Quốc Minh, Cty TNHH Đá quí Thế giới với D.A xây dựng khu vui chơi giải trí Tam Đảo; Cty Cổ phần (CTCP) Xây dựng và Dịch vụ thương mại Vạn Niên, CTCP Thương mại Sông Hồng Thủ đô…

Như trên chúng tôi đã phân tích cụ thể Quyết định số 1387 của Thủ tướng Chính phủ về đình chỉ hiệu lực của các giấy phép đầu tư. Để thực hiện quyết định này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành công văn tạm dừng cấp ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, “trật tự” này không kéo dài.

Chúng tôi xin dừng ở D.A xây dựng sân golf và biệt thự nhà vườn Mậu Lâm, Đầm Vạc để phân tích. Theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị được giao đất thực hiện D.A với tiến độ khởi công tháng 3/2005, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2007. D.A được cấp GCN ưu đãi đầu tư số 3047 ngày 5/10/2005. Khi Luật Đầu tư (mới) có hiệu lực, CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị làm công văn hỏi về hiệu lực của giấy phép.

Ông Tô Quang Cương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ký Văn bản số 198 ngày 12/6/2007 khẳng định: Việc bãi bỏ các nghị định (hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư - PV) không có nghĩa là bác bỏ các GCN ưu đãi đầu tư đã cấp căn cứ vào các nghị định đang còn hiệu lực pháp luật trước đó! Vì vậy, GCN ưu đãi đầu tư số 3047 cho CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị để thực hiện D.A xây dựng sân golf và biệt thự nhà vườn Mậu Lâm, Đầm Vạc vẫn giữ nguyên hiệu lực và không phải điều chỉnh lại!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ký văn bản gia hạn giấy phép ưu đãi đầu tư cho CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị thực hiện, trong đó có phần miễn tiền sử dụng đất giao thông theo qui hoạch mà doanh nghiệp được hưởng theo quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh.

Điều đáng nói là, với công văn hỏi cụ thể của một doanh nghiệp, khi cơ quan tham mưu là Sở Kế hoạch và Đầu tư không hề đề cập đến việc khôi phục hiệu lực của Quyết định 2475, ông Trần Ngọc Ái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Văn bản số 2285 với nội dung “đồng ý giữ nguyên hiệu lực của các GCN ưu đãi đầu tư đã cấp trước ngày Công văn số 1529 của UBND tỉnh có hiệu lực mà trong GCN ưu đãi đầu tư có ghi các điều khoản được ưu đãi”.

Cùng cách làm “phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo thống kê không đầy đủ của chúng tôi, đến năm 2010, đã có hàng trăm D.A được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ưu đãi đầu tư trái luật. Và, số tiền ưu đãi này cộng hết vòng đời các D.A, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, từ 2002 đến 2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu đãi đầu tư cho 143 doanh nghiệp theo cơ chế này. Riêng số tiền vượt khung so với các qui định của luật là trên 28 tỷ đồng.

Ai chịu trách nhiệm trước sự thất thu nói trên? Cần phải xác định trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương này đến đâu khi kiểm điểm trách nhiệm theo Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), nhất là khi bài toán thu hồi về ngân sách nhiều chục tỷ đồng là khó khả thi?

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại khi có thêm thông tin.
Nhóm PV