Nội dung tại các văn bản xác minh của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đều công nhận ông Đoàn Hữu Đức sử dụng 3 khối tài sản (nhà số 5 Lê Xoay; thửa số 19, phố Lạc Long Quân; ngôi nhà số 40 Ngô Quyền) trước năm 1953 là đúng. Điều này chứng minh, vợ chồng ông Đoàn Hữu Đức - Lương Thị Ngậy là chủ sử dụng hợp pháp 3 khối tài sản trên. Và, 3 khối tài sản này không nằm trong diện bị quốc hữu hóa. 

Tuy nhiên, tại Báo cáo số 139/TNMT-TTr ngày 18/7/2008 và Báo cáo số 328/BC-STNMT ngày 18/12/2012 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Báo cáo số 28/BC-TTr ngày 22/4/2013 của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã căn cứ vào Điều 1, Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991; căn cứ khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 quy định về những bảo đảm cho người sử dụng đất, từ đó có kết luận: "Ông Đức đề nghị được bồi thường về 3 khối tài sản nêu trên theo Điều 9 Nghị định số 755/2005/NĐ-UBTVQH11 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không có cơ sở pháp lý để giải quyết". 
            
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, luật sư Vũ Minh Chính, Văn phòng Luật sư Lê Hưng Thấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, là đại diện theo ủy quyền của ông Đoàn Hữu Đức cho biết: Theo quy định của pháp luật, nhà của ông Đoàn Hữu Đức thuộc diện "nhà vắng chủ" và thuộc đối tượng Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng và đã được xác lập sở hữu toàn dân. Khi quản lý "nhà vắng chủ", tại Điều 18 Hiến pháp năm 1959, Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác". 

Tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 19/CP ngày 29/6/1960 quy định: "Tất cả nhà vắng chủ đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Quyền lợi của người chủ nhà được Nhà nước trực tiếp quản lý. Quyền lợi của người chủ nhà được Nhà nước bảo hộ và giải quyết thích đáng khi người chủ nhà trở về". 

Điều 3 Nghị định 24/CP ngày 13/2/19661 đã ghi: "Tất cả tư nhân quản lý nhà vắng chủ đều phải giao những nhà ấy lại cho Nhà nước quản lý, dù trước đây họ có giấy tờ chứng nhận hợp pháp. Quyền lợi của người chủ nhà đi vắng được Nhà nước bảo hộ và sẽ được xét để giải quyết khi người chủ nhà trở về". 

Ngày 26/11/2003, Quốc hội có Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11. Tại Điều 2, khoản 4 nêu: "Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách "quản lý nhà đất vắng chủ". 


Bản họa đồ để xin phép làm nhà gạch, mái bằng trên đất tư, thửa số 15, tờ số 12, phố Lê Văn Duyệt, thị xã Vĩnh Yên (nhà số 5 Lê Xoay). Ảnh: Hồng Bài.   
   
      
Về nội dung đơn đề nghị của ông Đoàn Hữu Đức đòi bồi thường 3 khối tài sản theo Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 mà Sở TN&MT và Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho là "không có cơ sở pháp lý để giải quyết", luật sư Vũ Minh Chính cho biết: Tại Điều 9: Đối với nhà ở: "Đã được Nhà nước bố trí cho người khác sử dụng ổn định, đã được xác lập sở hữu toàn dân; đã chuyển quyền sở hữu cho người khác hoặc nhà đất đó thuộc diện phải giải tỏa theo quy hoạch để chỉnh trang đô thị thì người được công nhận quyền sở hữu được bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất". Điều 3 Nghị định số 127/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ (hướng dẫn Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11 và Nghị quyết số 775/2005/NQ-UBTVQH11) quy định: Thủ tục pháp lý xác lập sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng theo các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị định 23/2003/QH11. Khoản 1: UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thống kê, rà soát và tổng hợp danh sách các loại nhà đất thuộc diện phải hoàn thành thủ tục pháp lý xác lập sở hữu toàn dân trên địa bàn và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết địnhxác lập sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất này. Khoản 2: Căn cứ vào hiện trạng và mục đích sử dụng nhà đất mà Nhà nước đã xác lập sở hữu toàn dân quy định tại khoản 1 Điều này, UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ quản lý quỹ nhà đất này theo quy định sau đây. Điểm a: "Đối với diện tích nhà đất đang sử dụng vào mục đích để ở thì giao cho doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của địa phương quản lý theo quy định hiện hành về quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước. Trường hợp diện tích nhà đất này không nằm trong quy hoạch sử dụng để ở thì phải giải tỏa và thực hiện bồi thường theo quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất". 
            
Điều 23 Hiến pháp năm 1992, Quốc hội thông qua ngày 15/4/1992 đã nêu: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường". 
             
Từ những căn cứ trên, theo luật sư Vũ Minh Chính thì đơn đề nghị của ông Đoàn Hữu Đức đòi được bồi thường 3 khối tài sản của ông như đã nêu trên là có cơ sở pháp lý. 

Luật sư Chính cũng cho rằng, đề xuất giải quyết của Sở TN&MT Vĩnh Phúc, trích dẫn khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 quy định về "những bảo đảm cho người sử dụng đất" là không chính xác, sai lệch nội dung. Đó là: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất đã được giao theo quy định của Nhà nước...". Trong khi đó, nội dung của khoản 2, Điều 10 chỉ ghi: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao...". 

Như vậy, nội dung khoản 2 không có từ "nhà" mà chỉ có từ "đất". Tương tự, trong kiểm tra hiện trạng 3 khối tài sản của ông Đức đề nghị, Sở TN&MT ghi: "Lô thứ nhất: Ngôi nhà số 5, phố Lê Xoay là nhà 2 tầng, diện tích mặt sàn khoảng 98m2...". Thực tế, ngôi nhà số 5 Lê Xoay là nhà 1 tầng. Hiện nay, ngôi nhà vẫn còn nguyên hiện trạng như trước đây. 

Điều nữa là, trong báo cáo gửi UBND tỉnh "về kiểm tra xác minh đơn đề nghị trả lại đất cũ của ông Đoàn Hữu Đức", Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã làm sai lêch nội dung đơn của ông Đức. Cụ thể, trong đơn đề nghị, ông Đức viết: "Đề nghị giải quyết quyền lợi là nhà ở gắn liền với đất ở" chứ không phải "đề nghị trả lại đất cũ của ông Đức" như báo cáo của Sở TN&MT. Những sai lệch trên dẫn đến việc cung cấp thông tin không chính xác cho UBND tỉnh và sẽ có tác động trực tiếp đến việc xem xét giải quyết đơn đề nghị của ông Đoàn Hữu Đức. 
              
Một nhận xét nữa của Sở TN&MT Vĩnh Phúc: "Từ năm 1954 đến nay, hộ ông Đức không sử dụng và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước". Vấn đề này, luật sư Chính giải thích: Về việc "không sử dụng", năm 1953, gia đình ông Đức chuyển vào miền Nam làm ăn, có xin phép chính quyền và không trái với Hiến pháp. Hoàn cảnh chiến tranh, ông Đức không về Vĩnh Yên được là điều kiện bất khả kháng. Về việc "hộ ông Đức không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước", tại Công văn số 45/BCT ngày 10/3/1961 của Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh, nêu: Vấn đề thuế thổ trạch: Nghị định số 19/CP Điều 3 đã nói: "Chủ nhà được hưởng từ 15% đến 50% tiền cho thuê nhà, số tiền còn lại do Nhà nước quản lý dùng vào việc đóng thuế, tu sửa nhà và các chi phí khác về quản lý". Như vậy, 3 khối tài sản của ông Đức thuộc loại nhà do Nhà nước quản lý và sử dụng thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (đóng thuế) là do Nhà nước đảm nhận.
           
Khối tài sản trên của ông Đoàn Hữu Đức được tạo lập do đầu tư xây dựng và mua được mà có, theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhà ở của ông Đức không thuộc diện bị tịch thu. Theo quy định của pháp luật, quyền và lợi ích chính đáng của gia đình ông Đức liên quan đến tài sản là nhà ở được Nhà nước bảo hộ. Nay ông Đoàn Hữu Đức đã trở về và đề nghị được giải quyết quyền lợi, là chính đáng. Mong rằng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sớm xem xét giải quyết bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân Đoàn Hữu Đức.
                                                                       
Hồng Bài