Sáng 14/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân năm 2018. 

Các đại biểu đưa ra nhiều hạn chế trong tiếp dân ở cơ quan hành chính các cấp. Tưởng rằng sau kỳ họp thì việc tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân và các quy định liên quan khác của pháp luật sẽ được lưu ý thực hiện nghiêm túc, nhưng thực tế vẫn là một băn khoăn lớn vì ngay tại Thủ đô Hà Nội, việc tiếp dân còn có nhiều việc cần phải chấn chỉnh.

Đại biểu HĐND TP 3 quý liên tiếp vắng mặt tại buổi tiếp công dân

Sáng ngày 18/12/2018, theo lịch tiếp công dân quý 4 của đại biểu HĐND TP Hà Nội ứng cử tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm là buổi tiếp công dân của đại biểu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. 

Theo lịch đăng ký trước nhiều ngày, công dân có mặt tại địa điểm tiếp dân của quận nhưng đại biểu này đã không có mặt để tiếp công dân. Thay vào đó, bà Nguyễn Thị Thìn - Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bắc Từ Liêm; Trưởng ban Tiếp công dân của quận Bắc Từ Liêm đứng ra ghi chép các kiến nghị khiến các cử tri bất bình. 

Đặc biệt, khi cử tri yêu cầu bà Thìn trưng ra văn bản thể hiện HĐND TP thông báo việc đại biểu bận không thể tiếp được dân thì được bà Thìn trả lời là chỉ nhận được điện thoại nhờ, không có văn bản. 

Cử tri yêu cầu bà Thìn lập biên bản về việc đại biểu không có mặt tiếp công dân theo lịch thì bà Thìn từ chối vì cho rằng không thuộc thẩm quyền và không cần lập, chỉ cần ghi ý kiến của công dân là được. 

Cử tri địa bàn Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế chờ đợi tại buổi tiếp công dân hôm 18/12 đã vô cùng bức xúc vì theo họ đây là quý thứ 3 liên tiếp theo lịch tiếp được công bố từ đầu quý nhưng đại biểu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - không có mặt theo lịch để tiếp công dân.

Công dân bức xúc với bà Nguyễn Thị Thìn - Trưởng ban Tiếp công dân quận Bắc Từ Liêm vì không lập biên bản về việc đại biểu vắng mặt không tiếp công dân

Có cử tri đã gọi điện vào số tổng đài của HĐND TP để hỏi và được báo lại đại biểu  - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - bận còn hai đại biểu khác cùng tổ đại biểu với ông này bận đi học và công tác nên không ai tiếp thay được!

Viện KSND TP Hà Nội chưa hề có lịch tiếp dân của Viện trưởng

Ngày 1/11/2018, cử tri đến địa điểm tiếp công dân của Viện KSND TP Hà Nội để nộp đơn kèm tài liệu xin đăng ký làm việc với Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội về 4 nội dung, trong đó có nội dung do Viện trưởng Viện KSND Tối cao chuyển, nhưng sau đó Viện KSND TP Hà Nội lại chuyển tiếp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Hà Nội từ tháng 11/2017 (tức là đã qua 1 năm không có trả lời cho công dân). 

Cán bộ tiếp dân ghi vào sổ và định không ghi giấy biên nhận cho công dân nhưng sau đó do công dân phản ứng quyết liệt yêu cầu ghi giấy biên nhận thì cán bộ mới ghi.

Cầm giấy biên nhận ngày 1/11 quay lại hỏi  2-3 lần để xin lịch mà Viện trưởng định tiếp theo quy định của Luật Tiếp công dân và Quyết định 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 để biết ngày nào là những ngày cố định mà Viện trưởng sẽ bố trí lịch tiếp công dân nhằm bố trí công việc cá nhân cho phù hợp thì công dân đều không được hồi âm.

Ngày 13/11/2018, thật may mắn khi cán bộ tiếp dân bố trí cho gặp ông Nguyễn Sinh Sáng - Phó phòng 3 của Viện KSND TP Hà Nội và một cán bộ nữa (cán bộ này không đeo biển tên). 

Công dân có 4 nội dung nhưng ông Sáng nói rằng chỉ phụ trách 1 nội dung nên không trả lời các việc còn lại. 

Tuy nhiên, ngay cả vụ việc ông Sáng phụ trách thì ông Sáng cũng không trả lời mà hẹn tiếp là sẽ làm việc vào ngày 20/11/2018 vì chưa biết trước vấn đề của công dân. Trong khi đó, văn bản đăng ký kèm tài liệu đã được công dân nộp từ ngày 01/11/2018 tại Bộ phận Tiếp công dân.

Công dân đề nghị cung cấp cho 1 giấy xác nhận hẹn làm việc vào ngày 20/11/2018, tuy nhiên cả ông Sáng và cán bộ chuyên trách tiếp công dân đều từ chối mà chỉ ghi vào sổ tiếp công dân chung của Viện. 

Công dân phàn nàn về việc: Căn cứ vào Luật Tiếp công dân và Quyết định 51 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao năm 2016 thì Viện KSND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành thông báo lịch tiếp dân vào tháng 6/2016 có quy định rõ Viện trưởng Viện KSND sẽ tiếp công dân 1 ngày trong các ngày 5, 15 hoặc 25 hàng tháng để giải quyết các nội dung thuộc khoản 1 Điều 6 của Quyết định 51 ngày 02/02/2016, đăng tải rõ ràng trên cổng điện tử của Viện này. 

Ngay lập tức, công dân nhận được lời rao giảng: “Ông về Bắc Ninh còn đây là Hà Nội”.

Không biết có phải Quốc hội và Viện KSND Tối cao đã ban hành một Luật Tiếp công dân riêng và những quy định tiếp công dân riêng cho Thủ đô Hà Nội hay không mà công dân bị “hắt hủi” như vậy khi viện dẫn luật và quy định pháp luật hiện hành?

Ngày 20/11/2018, ông Nguyễn Sinh Sáng tiếp công dân cùng một cán bộ tên Vân. 

Công dân yêu cầu lập biên bản buổi làm việc. Tuy nhiên, cả hai lần cán bộ Vân lập xong biên bản thì ông Sáng đều hủy đi và cuối cùng kết thúc buổi làm việc không một biên bản nào được lập cũng như thông tin về lịch Viện trưởng tiếp dân vẫn là số 0 tròn trĩnh.

Cuối tháng 11/2018, công dân lại tiếp tục đến hỏi về lịch tiếp nhưng dù đã gặp được cả Trưởng phòng 12 phụ trách mảng tiếp công dân và ông Nguyễn Quyết Chiến - Trưởng phòng 3 (phòng phụ trách cả 4 vụ việc của công dân) nhưng chỉ nhận được thông tin là đang báo cáo lãnh đạo Viện còn lịch tiếp thì vẫn là 1 ẩn số.

Đầu tháng 12/2018, công dân lại đến đăng ký lịch, nhưng đến ngày 18/12/2018 dù cử tri cầu khẩn là xin một lịch hẹn dù 1, 2 hoặc 3 tháng nữa tiếp cũng được để tránh việc công dân phải đi đi, lại lại mất thời gian nhưng câu trả lời vẫn là chưa có câu trả lời của lãnh đạo Viện. 

Lịch tiếp công dân của lãnh đạo Viện KSND TP Hà Nội theo Luật Tiếp công dân và Quyết định 51 vẫn chưa hề được công bố trên website và niêm yết tại địa điểm tiếp công dân. 

Ngoài ra, tại địa điểm tiếp dân của Viện KSND TP Hà Nội không bố trí chỗ đi vệ sinh cho công dân.

Nên chăng đã đến lúc phải xem xét nghiêm túc việc không nên để các công chức hành pháp phải đảm nhiệm vai trò đại biểu HĐND vì họ sẽ viện lý do bận công tác để né việc tiếp dân, làm mất lòng tin nơi dân. 

Và cũng nên chăng phải xử lý thật nghiêm vai trò người đứng đầu để không có việc Luật và quy định về tiếp công dân của ngành có từ rất lâu mà lịch tiếp dân cho lãnh đạo ngành tại địa phương lại “mịt mờ sương khói” như câu chuyện thực tế ở trên.

Có một điều chắc chắn phải làm ngay là Hà Nội phải chấn chỉnh lại ngay công tác tiếp dân để công dân không phải 5 lần 7 lượt đi đi lại lại như trên và mong rằng những sự việc trên chỉ là hiện tượng cá biệt đơn lẻ giữa Thủ đô.

Bá Vượng