Theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, trong số 215 trường hợp đã được UBND xã đề nghị giải quyết chế độ, chỉ có 37 người đúng đối tượng, còn lại 178 trường hợp không đúng quy định. Thậm chí, có người đã được giải quyết chế độ thương binh, có người là giáo viên, cán bộ y tế, thanh niên xung phong... đã được hưởng chế độ 1 lần, hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng, không hề có thời gian tham gia bộ đội, nay cũng được giải quyết chế độ bệnh binh. Cụ thể: 68 trường hợp đã có quyết định công nhận bệnh binh với tỷ lệ 61% trở lên, đã hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền hơn 2,42 tỷ đồng; trong đó, có 48 trường hợp không đúng đối tượng được giải quyết, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (tính đến cuối tháng 5/2012) là 1,7 tỷ đồng.

Mở rộng xác minh, cơ quan chức năng đã phát hiện 20 cán bộ chủ chốt của xã Sơn Hà nhận viết, lập hồ sơ và thu tiền trái quy định của pháp luật. Điển hình như ông Đinh Tà Huế - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) xã nhận viết, dựng hồ sơ cho 56 người, trong đó có tới 45 người không đúng đối tượng, kể cả bà Đinh Thị Biêu và ông Đinh Văn Kết là cha, mẹ đẻ của ông Huế, làm thất thoát hơn 764 triệu đồng; ông Huế được “trả công” 40,6 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Nhèm, Chủ tịch UBND xã, nhận viết và lập hồ sơ cho 34 người, thì có 27 người, trong đó có cả mẹ vợ của ông đều không đúng đối tượng.

Ông Hà Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, nhận lập hồ sơ cho 34 người, có tới 26 người không đúng đối tượng.

Ngoài ra, còn nhiều cán bộ giữ các chức vụ quan trọng khác của xã Sơn Kỳ cũng “dính chàm” như các ông: Đinh Văn Tinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; Đinh Văn Khang - Xã Đội trưởng; Đinh Văn Riều - Trưởng Công an; Đinh Văn Nhiệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Đinh Văn Đôn - Phó Chủ tịch HĐND; các cán bộ: Đoàn, Văn phòng, Tuyên giáo, Trạm trưởng Trạm Y tế, Bí thư Chi bộ thôn... cũng “hè nhau” lập hồ sơ khống cho các đối tượng…

Bên cạnh đó, các ông: Đinh Văn Đoàn - nguyên Chủ tịch Hội CCB xã; Đinh Văn Ròi - nguyên cán bộ thương binh xã hội xã; Đinh Tà Huế - nguyên Xã Đội trưởng còn tự ý trừ tiền trợ cấp của 40 đối tượng rồi “bỏ túi” cá nhân gần 19 triệu đồng…

Đáng chú ý, qua kiểm tra còn phát hiện 23 người trong danh sách 165 đối tượng đã giải quyết chế độ theo Quyết định số 290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi các quyết định này và các đối tượng phải thu nộp ngân sách số tiền đã nhận.

Theo trình bày của các trưởng thôn ở xã Sơn Kỳ: Các thôn đều không tổ chức họp liên tịch để xét duyệt đối tượng quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ. Các biên bản cuộc họp ở các thôn đều được viết sẵn rồi đưa cho Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ và Chi hội Trưởng CCB ở từng thôn ký. Xác minh chữ ký trong các biên bản cuộc họp thôn Làng Riềng, thôn Tà Gằm, thôn Làng Rút… có nhiều chữ ký  không giống với chữ ký thực tế của các thành phần nêu trên…

Liên quan đến trách nhiệm của Hội CCB xã, qua làm việc với ông Đinh Văn Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Kỳ, xác nhận: Hội CCB xã không tổ chức xét duyệt hồ sơ. Các văn bản đề nghị của Hội đều do viết sẵn theo mẫu biểu và đưa cho ông Đoàn ký tên, đóng dấu để hợp thức hóa.

Ông Đinh Văn Nhè, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng Chính sách xã, cũng xác nhận: UBND xã không tổ chức cuộc họp Hội đồng Chính sách để xét duyệt từng trường hợp cụ thể, các công văn đề nghị trong các hồ sơ đều do những người viết, dựng hồ sơ viết sẵn từ trước, UBND xã chỉ ký, đóng dấu xác nhận đề nghị để hợp thức hóa…

Xác minh của đoàn thanh tra huyện Sơn Hà còn cho thấy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện không hề phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để kiểm tra, rà soát trước khi đề nghị giải quyết chế độ cho từng đối tượng; không cung cấp được hồ sơ đăng ký quân nhân về địa phương trước ngày 10/1/1982 để đối chiếu như trong giấy chứng nhận trong hồ sơ của đối tượng.

Theo đoàn thanh tra, giấy chứng nhận của Ban Chỉ huy Quân sự huyện cấp cho đối tượng là nhằm hợp thức hóa hồ sơ. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm trong việc giải quyết chế độ tại xã Sơn Kỳ. Lãnh đạo đơn vị này phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của Điều lệ Đảng và kỷ luật quân đội nhân dân Việt Nam.
              
Vấn đề đặt ra hiện nay là: Làm thế nào để thu lại số tiền hơn 1,7 tỷ đồng đã cấp sai cho các đối tượng? Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Đinh Tấn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, một trong số ít cán bộ còn lại của xã nằm ngoài danh sách cán bộ mắc sai phạm, cho biết: 100% số người đã nhận được tiền sai chế độ trên địa bàn xã là hộ nghèo. Vì vậy, với mức đã nhận từ 28 - 34 triệu đồng/người, họ khó có khả năng trả lại tiền cho Nhà nước, nghiễm nhiên trở thành món… nợ khó đòi. Riêng số tiền “bồi dưỡng” khoảng 170 triệu đồng được 20 cán bộ xã, thôn nhận thì họ đã trả và nộp lại đầy đủ tại Kho bạc huyện.

Một lãnh đạo Công an huyện Sơn Hà cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy vụ việc vượt quá thẩm quyền nên đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh để thụ lý.

Theo nguồn tin của PV Báo Thanh tra, Công an tỉnh cũng đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra Hình sự Quân khu V để xử lý theo thẩm quyền. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
 
Thanh tra chuyên đề diện rộng về chế độ “290”

Ông Phan Việt Cường, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngay sau khi phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng tại nhiều xã của huyện Phú Ninh theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ (Báo Thanh tra đã thông tin), Thanh tra tỉnh đã xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trước mắt, nên gấp rút xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng riêng của tỉnh năm 2013 và đã tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra trên lĩnh vực này. Hiện nay, các địa phương như: Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành, Điện Bàn, Quế Sơn... đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra việc lập hồ sơ xét duyệt và chi trả tiền chính sách thuộc diện trên.

Ngọc Phó