Chương trình hướng tới mục tiêu chung là “Xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN)” với 3 trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện thể chế; đổi mới tổ chức và đào tạo cán bộ. Chương trình được triển khai tại 10 dự án hợp phần gồm Thanh tra tỉnh: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương, Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra Bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Nội vụ, Công an và Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong đó, TTCP vừa là một hợp phần trụ cột, vừa giữ vai trò điều phối chung cho toàn Chương trình.

Sau 5 năm thực hiện, đến nay, Chương trình đã hoàn thành xuất sắc 9 mục tiêu đề ra ban đầu với tỷ lệ hoạt động và giải ngân đạt trên 95%, đóng góp tích cực vào sự chuyển biến mạnh mẽ và thành công của ngành Thanh tra trong nhiều năm qua. Đặc biệt, đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những lĩnh vực được Chương trình tập trung hỗ trợ đạt hiệu quả, tạo hành lang pháp lý vững chắc để TTCP và ngành Thanh tra thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình Poscis, từ năm 2010 - 2014, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của TTCP và ngành Thanh tra đã được xây dựng và hoàn thiện đạt kế hoạch được Chính phủ giao với trên 35 loại văn bản được đưa vào áp dụng (con số này từ năm 2010 trở về trước là khoảng 15 loại), trong đó đã ban hành và đưa vào áp dụng 5 đạo luật quan trọng gồm: Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật Tiếp công dân cùng các Nghị định hướng dẫn. Chất lượng các loại văn bản QPPL được cải thiện và nâng cao so với trước do có sự hỗ trợ toàn diện về kỹ thuật, học tập, tiếp thu các kinh nghiệm của quốc tế, có nguồn tài chính đủ và ổn định. Có thể thấy những thay đổi căn bản, quan trọng về chất lượng thể chế trên các lĩnh vực chính của ngành Thanh tra như sau:

Về thanh tra: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra được chuẩn hóa một bước qua việc làm rõ nội dung của quản lý Nhà nước (QLNN) về thanh tra; bổ sung chức năng quản lý Nhà nước về PCTN; chức năng giám sát, thanh tra lại, xử lý sau thanh tra, công khai kết luận thanh tra; tính độc lập tương đối trong hoạt động tác nghiệp của hệ thống các cơ quan thanh tra được tăng cường.

Về KN, TC và tiếp công dân: Làm rõ quyền KN,TC là quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước phải quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết KN,TC, tổ chức việc thực hiện quyết định giải quyết KN,TC, bảo vệ người TC; đảm bảo để người dân có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; quy định trình tự, quy trình giải quyết KN, xử lý TC, thanh tra trách nhiệm giải quyết KN,TC; chuẩn hóa trình tự, thủ tục tiếp công dân, xử lý đơn, xác minh đơn thư, điện thoại đảm bảo tính chính xác, khách quan và kịp thời.

Về PCTN: Quy định rõ về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ; kê khai tài sản và thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập; áp dụng các biện pháp tạm thời như tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác của các cá nhân có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra… là những nội dung mang tính đột phá, tương thích dần với các chuẩn mực quốc tế về PCTN góp phần tăng hiệu quả của công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của ngành Thanh tra.

Song song với việc xây dựng, hoàn thiện, Chương trình cũng đã hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn pháp luật về thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN cho toàn ngành cũng như toàn xã hội qua hàng chục hội nghị trực tuyến, hội thảo và tập huấn, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn công tác một cách nhanh chóng. Thực tế của việc áp dụng hệ thống các văn bản QPPL nói trên trong những năm qua không những góp phần tăng hiệu quả, hiệu lực trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN cho ngành Thanh tra mà còn có tác động đến toàn bộ nền hành chính quốc gia thông qua việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp cũng như trách nhiệm cuả các tổ chức thanh tra Nhà nước, đây cũng là một trong những mục tiêu của công tác cải cách hành chính cần hướng tới.

Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, kết quả của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong 5 năm thực hiện Chương trình Poscis là rất đáng ghi nhận, bên cạnh sự hỗ trợ hiệu quả của Chương trình phải kể đến vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo thực hiện của Tổng TTCP.

Từ những kết quả đạt được, cần rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, cần bám sát kế hoạch xây dựng thể chế hàng năm, bố trí nhân lực, tài chính phù hợp bảo đảm cho việc thực hiện; thứ hai, cần chú trọng áp dụng các yếu tố về kỹ thuật trong quá trình xây dựng các văn bản QPPL đã tiếp thu từ Chương trình cũng như kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là đối với việc khảo sát, rà soát, thu thập ý kiến, triển khai thí điểm… nhằm đảm bảo các văn bản QPPL được xây dựng vừa phát huy trí tuệ tập thể, vừa sát với yêu cầu thực tiễn đề ra; cuối cùng, vai trò của người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác chỉ đạo, phối hợp, thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi của hệ thống văn bản pháp luật khi đưa vào áp dụng.

Nguyễn Mạnh Hà