Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Năm học 2014 - 2015 là năm học có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW ngày 1/11/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. 

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế tri thức, giáo dục đại học nói chung, ĐHQGHN nói riêng, có trách nhiệm đóng góp tích cực vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tạo đà bước vào kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trường Đại học Việt Nhật sẽ tổ chức đào tạo từ năm 2016

Tại lễ khai giảng, ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQGHN cho biết: Vừa qua, ĐHQGHN đã được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, quyết định thành lập Trường Đại học Việt Nhật thuộc ĐHQGHN. Hiện tại, trường đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng Trường Đại học Việt Nhật và trường sẽ tổ chức đào tạo từ năm 2016.


Để hoàn thành trọng trách đó, xứng đáng với sự chăm lo và niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Thủ tướng yêu cầu trong năm học 2014 - 2015 và những năm tiếp theo, ĐHQGHN cùng các trường đại học, cao đẳng trong cả nước cần làm tốt 5 nhiệm vụ:

Một là, đổi mới quản trị đại học, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học, phải thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp, biện pháp, trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá. 

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về giáo dục, ĐHQGHN và các trường đại học, cao đẳng cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, trí tuệ, tài năng của tập thể lãnh đạo, của các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên, tích cực thực hiện vững chắc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức - cán bộ, về lương, thu nhập, về chi thường xuyên, chi đầu tư… tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đánh trống khai giảng năm học mới tại ĐHQGHN. Ảnh: Bùi Tuấn

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Thực hiện phân tầng chất lượng các ngành/ chuyên ngành để ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu học phí theo đặc thù và chất lượng ngành học. 

Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hợp tác triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thu hút người nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Tập trung triển khai thành công và hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học theo phương thức đánh giá toàn diện năng lực người học.

Chính sách đặc biệt cho học sinh chuyên

Trong năm học vừa qua, ĐHQGHN đã chính sách đặc biệt để phát triển 2 trường THPT chuyên thuộc ĐHQGHN. Cụ thể, cho phép tuyển thẳng các học sinh THPT chuyên có thành tích học tập xuất sắc vào học bậc đại học tại ĐHQGHN; cho phép học sinh THPT chuyên xuất sắc được tích luỹ sớm một số tín chỉ phù hợp với chương trình đào tạo bậc đại học, tạo điều kiện rút ngắn thời gian học đại học nhưng vẫn đảm bảo khối lượng và chất lượng đầu ra theo quy định.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng các địa phương, các ngành, của quốc gia. Hoạt động khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để phát triển đại học nghiên cứu, phát triển nguồn lực, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của đại học Việt Nam. 

Gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động của nhà trường với doanh nghiệp và thực tế đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại và hội nhập quốc tế. Giảng viên đại học phải đồng thời là nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế. 

Chính phủ đang hoàn thiện và sẽ sớm triển thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp nhất là tạo điều kiện tự chủ, chủ động để thu hút các giảng viên, nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học; đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp chung của đất nước.


Đông đảo giảng viên, sinh viên ĐHQGHN tham dự buổi lễ khai giảng. Ảnh: Bùi Tuấn

Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên. 

ĐHQGHN cần có các giải pháp hợp lí để nâng cấp, cải tạo, phát triển cơ sở vật chất tại các quận nội thành Hà Nội, đảm bảo thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban Quản lý Dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc để đẩy nhanh tiên độ triển khai Dự án, phấn đấu trong 5 năm tới có thể chuyển được 2-3 trường đại học thành viên lên địa điểm mới và sớm đưa Trường Đại học Việt Nhật vào hoạt động.

Chia sẻ với những thành tích mà ĐHQGHN đã đạt được trong năm học qua, Thủ tướng nói: Năm học vừa qua, tôi rất vui mừng thấy rằng, ĐHQGHN đã chủ động quy hoạch, sắp xếp các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; duy trì quy mô đào tạo chính quy một cách hợp lý, giảm nhanh quy mô đào tạo không chính quy; tăng quy mô đào tạo sau đại học theo tỷ lệ các trường đại học nghiên cứu, đạt gần 30%. 

Nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng của mạng lưới các đại học ASEAN (AUN). Số lượng và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, đáp ứng tốt yêu cầu công việc và đủ tiêu chuẩn để tiếp tục học tập, nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tiên tiến không ngững tăng lên. ĐHQGHN đã tích cực đổi mới phương thức tuyển sinh đại học và sau đại học, chủ động xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến bằng một bài thi tổng hợp để đánh giá toàn diện năng lực người học. Tôi rất hoan nghênh và đề nghị ĐHQGHN chủ động làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, thí điểm thực hiện phương án tuyển sinh này.


Thủ tướng thăm Phòng Truyền thống của ĐHQGHN. Ảnh: Bùi Tuấn

Thủ tưởng khẳng định: Những thành công bước đầu của ĐHQGHN cùng với những nỗ lực của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đang tạo ra khí thế mới, sắc thái mới của giáo dục đại học Việt Nam trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tích xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN nói riêng, của các trường đại học, cao đẳng cả nước nói chung, đã giành được trong năm học vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế mà các trường đại học cần khắc phục như: Chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học còn thấp, hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ đất nước còn hạn chế; cơ cấu đào tạo, nghiên cứu chưa hoàn chỉnh; nội dung, phương pháp đào tạo, nghiên cứu còn có những mặt lạc hậu; quản trị đại học còn nhiều bất cập. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp chưa cao. Số lượng cán bộ khoa học đạt trình độ quốc tế còn thấp. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu… 

Từ thực tế trên, Thủ tướng đề nghị, các trường cao đẳng, đại học trong cả nước cần chủ động, năng động hơn nữa, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo những đột phát để phát triển mạnh mẽ, phấn đấu tiến kịp trình độ các trường đai học tiên tiến ở khu vực và thế giới, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2014, ĐHQGHN có sự tiến bộ vượt bậc khi được Tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới (Tổ chức QS) xếp vào nhóm 170 các đại học hàng đầu Châu Á, đứng đầu trong số các trường đại học của Việt Nam.

Năm học 2014 - 2015, ĐHQGHN đã tiên phong xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến. Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực bằng một bài thi tổng hợp đã chính thức được triển khai tại ĐHQGHN, được xã hội quan tâm, đánh giá cao.

Hải Hà