Xin khởi đầu câu chuyện từ hang động Phong Nha, một di sản thiên nhiên thế giới, hiện nay đang bị xâm hại. Cụ thể là dòng Suối Trà Ang. Dòng suối này là nguồn cung cấp nước chủ yếu để tạo ra hang động chảy ngầm vào động Phong Nha. Nhưng suối Trà Ang bị bức tử dưới hạ lưu cầu Con Sếu, bởi một công trình thu nhỏ các quá khứ lịch sử đang được xây ở đây. Một chuyên gia nhận định, việc ngăn đập sẽ khiến dòng nước đổi dòng, làm cho các kiến tạo ngầm hơn 400 triệu năm trong khu vực ảnh hưởng và các hệ luỵ khó lường khác.
 

Động Phong Nha-Kẻ Bàng

Thác Cam Ly, một cảnh quan nổi tiếng của xứ sở sương mù Đà Lạt từ thập niên 90 trở về trước, nhưng hiện nay đã bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức đau lòng, không còn nhận ra là một danh thắng mơ mộng một thời. Ai cũng biết rằng, thác Cam Ly ô nhiễm không phải ngày một, ngày hai, và thác “chết” không phải “đột tử” mà nó chết từ từ cùng với quá trình đô thị hóa không kiểm soát, thiếu tầm nhìn.

Nối tiếp câu chuyện này ở Lâm Đồng là các thác Gougah, Pongour, Damrông, Dachamo. Theo đó là thác Dray Sáp trên sông Sêrépôk (Đăk Nông) không còn nước chảy qua, thân thác thành hang động, du khách đến nhìn chỉ biết lắc đầu. Tương tự là số phận của hàng loạt dòng thác diễm lệ nổi tiếng khác như Diệu Thanh, Gia Long, Trinh Nữ ở Đắk Nông, Dray Nu ở Đắk Lắk, Ialy, Sêsan ở Gia Lai,... Thực tế còn hàng chục dòng thác khác nằm ở vùng sâu vùng xa, trong rừng, nhiều dòng có tên, nhiều dòng chưa kịp có tên... cũng đã bị biến dạng vì thủy điện. Nhiều trong số những dòng thác ấy vốn là thắng cảnh được xếp hạng quốc gia.   
 

Vịnh Hạ Long

Di tích là nơi tôn nghiêm, mang đậm dấu ấn đặc trưng của văn hóa Việt Nam, rất cần được lưu giữ, bảo vệ cả về cảnh quan cũng như những hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Tuy nhiên, rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa đang bị xâm hại nghiêm trọng. Tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tình trạng di tích bị làm méo mó hình ảnh như cửa chùa thành cửa hàng bán vật liệu xây dựng, sân chùa thành nơi bán cơm bình dân, cổng đình thành bãi rửa xe, giếng đình thành nơi vứt rác,… diễn ra rất nhiều. Về các địa phương thì tình trạng này còn nặng nề hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, toàn tỉnh có 256 di tích cấp tỉnh và 49 di tích cấp quốc gia. Trong đó, 4 di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại; 32 di tích cấp tỉnh xuống cấp nghiêm trọng, 89 di tích hiện là phế tích hoặc không còn dấu vết. Ngoài di tích lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi đã thành phế tích, 1 di tích cấp quốc gia khác là Phật viện Đồng Dương cũng xuống cấp trầm trọng, đến nay giống một cái lò gạch cũ bỏ hoang.
 

Động Tiên tỉnh Hòa Bình

Ở tỉnh An Giang có 26 di tích cấp quốc gia và 40 di tích cấp tỉnh, thì đã có 24 di tích đang trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng. Cụ thể là đình Mỹ Thới thuộc thành phố Long Xuyên được xây dựng từ năm 1820 đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Nhưng hiện nay, đình đang bị người dân xâm chiếm để cất nhà cửa.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 22 khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 16 di tích cấp tỉnh. Thế nhưng, trong số đó có rất nhiều di tích bị người dân lấn chiếm, xâm hại nghiêm trọng. Điển hình là Thạch Động, một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của Hà Tiên, đã trở thành nơi kinh doanh của nhiều hộ dân.

Ngoài ra, ở những di tích, danh thắng nổi tiếng, được xếp vào loại quản lý đặc biệt cũng bị xâm hại không thương tiếc. Tam Sơn Cấm Địa là tên gọi của toàn bộ diện tích của ba quả núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc và núi Vặn của Khu di tích lịch sử (DTLS) quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Vậy mà gần đây một số người dân thiếu hiểu biết, hám lợi đã lén lút bán đất và đứng ra xây dựng nhà thờ tổ. Cũng trong Khu DTLS Đền Hùng, nhiều tháng nay, đồi Cá Chuối đang bị “thổ tặc” băm nát từng ngày.
 

Núi Nghĩa Lĩnh-Đền Hùng

Chuyện khác là  di tích khảo cổ học và danh thắng Động Tiên (thuộc quần thể di tích xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), được công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia (năm 1989). Tuy nhiên, hiện nay, di tích đã và đang bị hủy hoại và xâm phạm một cách nghiêm trọng. Động Tiên ngày hôm nay đã biến dạng đến nỗi không thể nhận ra.

 Thực tế cho thấy, các danh lam thắng cảnh, di tích ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng và có thể sẽ mất dần trong một thời gian không xa. Ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng và cả người dân ở từng địa phương cần có các biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ những di tích, danh thắng. Để bảo tồn và phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, tầm nhìn chiến lược vì lợi ích quốc gia của cá nhân, rất cần ý thức giữ gìn, bảo vệ báu vật vô giá của dân tộc từ chính người dân.

Anh Huy